Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nhiều lo lắng lại đến với giới đầu tư

(ĐTCK) Tưởng như có nhiều kỳ vọng, nhưng thông tin từ Bộ trưởng Thương mại Mỹ vừa đưa ra khiến nhà đầu tư lo lắng về khả năng giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Phố Wall giằng co trong phiên giao dịch thứ Năm khi giới đầu tư lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tranh chấp thương mại chưa được giải quyết. Tuy nhiên, chỉ Dow Jones thiếu chút may mắn, còn lại S&P 500 kịp đảo chiều hồi phục và Nasdaq giữ được đà tăng tốt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ sau báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng của các nhà sản xuất chip Texas Instruments, Xilinx Inc và Lam Research Corp.

Với gần 1% các công ty S& P500 đã báo cáo kết quả kinh doanh, có 75,3% vượt qua ước tính của phố Wall. Các nhà phân tích dự báo, tăng trưởng lợi nhuận các công ty S&P là 14,2% trong quý IV/2018.

Dữ liệu vừa công bố cho thấy, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp hơn 49 năm vào tuần trước.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước giảm 13.000 người, xuống 199.000 người, mức thấp nhất kể từ tháng 11/1969 khi ghi nhận 197.000 đơn. Con số này thấp hơn nhiều so với mức dự báo trên 220.000 đơn của giới phân tích.

Tuy nhiên, con số có thể thay đổi khi một số bang nữa, bao gồm cả California công bố. Dù vậy, điều kiện thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, điều này sẽ giúp giảm bớt nỗi lo về sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế.

Dữ liệu khác vào thứ Năm cho thấy, triển vọng của kinh tế Mỹ trong tương lai đã giảm trong tháng 12/2018.

Một diễn biến khác ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của phố Wall, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, Washington và Bắc Kinh còn một chặng đường dài để giải quyết tranh chấp thương mại.

Kết thúc phiên 24/1, chỉ số Dow Jones giảm 22,38 điểm (-0,09%), xuống 24.553,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,63 điểm (+0,14%), lên 2.642,33 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 47,69 điểm (+0,68%), lên 7.073,46 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng thời điểm rung lắc sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thừa nhận kinh tế khu vực đồng tiền chung có thể yếu hơn dự báo trước đo do sự sụt giảm tăng trưởng từ Trung Quốc và Brexit.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng tốt của nhóm cổ phiếu công nghệ sau báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng của Texas Instruments vượt xa dự báo của phố Wall đã giúp chứng khoán Đức và Pháp trở lại trong cuối phiên.

Kết thúc phiên 24/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 23,93  điểm (-0,35%), xuống 6.818,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 58,64 điểm (+0,53%), lên 11.130,18 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 31,58 điểm (+0,65%), lên 4.871,96 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục có phiên lình xình do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, cũng như tác động trái chiều giữa các nhóm cổ phiếu.

Kết thúc phiên 24/1, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 19,09 điểm (-0,1%), xuống 20.574,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,69 điểm (+0,41%), lên 2.591,69 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 112,78 điểm (+0,42%), lên 27.120,98 điểm.

Giá vàng tiếp tục giảm nhẹ trong phiên thứ Năm do đồng USD tăng lên so với các tiền tệ mạnh khác.

Kết thúc phiên 24/1, giá vàng giao ngay giảm 1,7 USD (-0,13%), xuống 1.280,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 4,2 USD (-0,33%), lên 1.279,8 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tăng trở lại khi nhận được sự hỗ trợ từ lời đe dọa trừng phạt Venezuela của Mỹ. Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế khi lượng hàng tồn kho xăng của Mỹ tuần trước vừa được công bố tăng cao kỷ lục, trong khi sản lượng khai thác cũng bất ngờ tăng.

Kết thúc phiên 24/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,51 USD (+0,97%), lên 53,13 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,05 USD (-0,08%), xuống 61,09 USD/thùng.

Tin bài liên quan