Nhiều hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại TP.HCM hoạt động không hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
Đa phần các hợp tác xã lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại TP.HCM quy mô nhỏ, ít vốn đầu tư nên hoạt động yếu kém, sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Những đơn vị hoạt động hiệu quả như Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) luôn nằm trong tầm ngắm thâu tóm của các nhà đầu tư (Ảnh: Lê Toàn).

Những đơn vị hoạt động hiệu quả như Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) luôn nằm trong tầm ngắm thâu tóm của các nhà đầu tư (Ảnh: Lê Toàn).

Tính đến cuối tháng 06/2020, trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, trên địa bàn TP.HCM có 40 hợp tác xã đang hoạt động, với sản phẩm chủ yếu là cơ khí sửa chữa, gia công kim loại, cao su,…

Sở Công thương TP.HCM cho biết, đa phần các Hợp tác xã trong lĩnh vực này hoạt động yếu kém, vẫn sử dụng nhiều lao động thủ công như thêu tay, đan len, dệt sợi, mành trúc, tranh sơn mài,…

Đây là các ngành nghề truyền thống, lại không huy động được vốn để đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng quy trình, công nghiệp mới vào sản xuất nên sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu thị trường. 

Trong khi đó, chỉ còn một số ít hợp tác xã có quy mô sản xuất lớn, đạt doanh thu hàng năm cao. 

Sở Công thương TP.HCM chỉ đề cập đến 2 đơn vị trong lĩnh vực này, đạt doanh thu cao gồm hợp tác xã Tấn Thành chuyên sản xuất cao su thô với doanh thu 250 tỷ đồng/năm hay hợp tá xã cơ khí Đạt Thành chuyên gia công kẽm với doanh thu 30 tỷ đồng/năm. 

Những hợp tác xã này được ưu đãi chi phí cho thuê, mua khi chấp nhận di dời xưởng sản xuất vào các khu công nghiệp ở huyện ngoại thành như Bình Chánh và Củ Chi. 

Còn trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, trên địa bàn Thành phố hiện có 106 hợp tác xã và 03 liên hiệp hợp tác xã. 

Trong đó, chỉ 5% đơn vị có quy mô lớn, có thương hiệu và uy tín trên thị trường. 

Cụ thể, 14,2% hợp tác xã quy mô nhỏ với vốn dưới 100 triệu đồng, gần 65% hợp tác xã có quy mô vốn trung bình từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; 15,2% hợp tác xã có vốn từ 1-6 tỷ đồng. 

Hoạt động kinh doanh của các hợp tác xã thương mại-dịch vụ chủ yếu là cửa hàng mua bán nhỏ lẻ (chiếm 36%), số hợp tác xã có quy mô lớn chưa nhiều, chỉ khoảng 7% hợp tác xã nhận làm phân phối cho các nhãn như Unilever, Abbott, Kimberly Clark,… 

Gần đây, nhà bán lẻ dẫn đầu thị phần kênh siêu thị với hơn 40% thị trường này liên quan đến kết luận của Thanh tra TP.HCM khi “Có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op từ khi thành lập đến nay” trước dấu hiệu người bên ngoài “núp bóng” hợp tác xã thành viên để góp vốn vào.

Ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên tại đại học Bristol (Anh) đánh giá, đặc thù của Saigon Co.op hoạt động theo mô hình hợp tác xã và có nhiều lợi thế thương mại, ưu đãi và nguồn vốn “của chung” không chia hơn 3.000 tỷ đồng. 

Với một công ty làm ăn lợi nhuận ổn định 800-1.500 tỷ đồng trong nhiều năm, có nhiều lợi thế ưu đãi và “của chung” như thế, trong mắt giới đầu tư, đây là một “miếng thịt mỡ đang để trong tủ lạnh”. 

Như vậy, tự nhiên sẽ có người muốn chiếm lấy miếng thịt này, đặc biệt là khi nó nằm ở mô hình hợp tác xã “của chung”.  

Theo số liệu của Sở Công thương TP.HCM, Saigon Co.op hiện có 26 hợp tác xã thành viên, 121 siêu thị Co.op, 84 cửa hàng Co.op Smile, 33 cửa hàng Cheers, 400 cửa hàng Co.op Food, 04 đại siêu thị Co.opXtra, 05 trung tâm thương mại Sense City  và hơn 3.00 cửa hàng Co.op liên kết với Hội phụ nữ phường, xã, thị trấn, đoàn thanh niên. 

Ông Hồ Quốc Tuấn lý giải, do nhu cầu phát triển, các công ty này sẽ có nhu cầu huy động vốn mới. 

Đây chính là lỗ hổng dẫn đến nhiều “cuộc chơi” đằng sau. Nếu chỉ bỏ ra vài trăm tỷ đồng mà có thể ra quyết định chi phối những “của chung” vài ngàn tỷ đồng, thì người ta sẽ tìm mọi cách lách qua các quy định pháp luật, đạp qua các lằn ranh màu đỏ để làm cho bằng được.

Nếu “người bên ngoài” kiểm soát được đa số thành viên của hợp tác xã, thì một cách nào đó, họ sẽ chi phối được một số quyết định chiến lược ở Saigon Co.op, nên mới có nỗi lo về “mưu toan thôn tính” công ty có lợi ích chung chưa chia ngàn tỷ đồng, trong khi chỉ bỏ ra vài trăm tỷ đồng.

Các tổ chức quốc tế vẫn khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và bán vốn nhà nước ở những đại công ty như Saigon Co.op để chúng được chính thức quản lý minh bạch hơn và giám sát bởi những người có lợi ích sát sườn, coi lợi ích và tài sản của Saigon Co.op là máu thịt của mình, chứ không phải là “miếng thịt của chung” mà tìm cách thâu tóm, xâu xé.

Những trường hợp như Saigon Co.op một lần nữa cho thấy, hành lang pháp lý cũng như sự tồn tại của những đại công ty mà Nhà nước sở hữu với nhiều “của chung” ngàn tỷ đồng đặt ra rất nhiều rủi ro cho đại diện quản lý vốn cũng như nhà đầu tư tiềm năng.

Theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2030 vừa được UBND TP. HCM ban hành, dự kiến sẽ phát triển thêm 300 hợp tác xã và 5 liên hiệp hợp tác xã, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế này đạt 7%/năm; đóng góp 0,6% vào GRDP Thành phố.

Tin bài liên quan