NĐT rất khó đoán định sự lên xuống thất thường của những mã CP thuộc diện cảnh báo

NĐT rất khó đoán định sự lên xuống thất thường của những mã CP thuộc diện cảnh báo

Nhiều “DVD” dần lộ diện

Sự cố DVD chính là bài học nhãn tiền đối với NĐT đang nắm giữ những mã CP sống dở chết dở đang tồn tại trên thị trường hiện nay. Phần lớn những mã này đều giao dịch ở mức giá rất thấp, thậm chí dưới 2.000 đồng/CP.

>> Toàn cảnh vụ DVD

Ngập trong thua lỗ

Cách đây vài năm, việc CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) bị hủy niêm yết vì thua lỗ kéo dài là sự kiện khá hy hữu. Nhưng trong thời gian gần đây việc doanh nghiệp (DN) niêm yết rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài đang có chiều hướng gia tăng. Phần lớn DN bị đưa vào diện cảnh báo hay kiểm soát trên cả 2 sàn đều bắt nguồn từ chuyện hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ.

So với BBT, CTCP Nước giải khát Sài Gòn (TRI) hẳn không thua kém về khoản lỗ trong thời gian khá dài (từ quý IV/2008). Tưởng sau khi được CTCP Kinh Đô (KDC) “cứu”, TRI sẽ hoạt động khởi sắc hơn, nhưng kết quả kinh doanh quý II vừa được công bố cho thấy DN này tiếp tục lỗ 9,1 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2011 TRI lỗ 18,07 tỷ đồng. Mã CP TRI bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 22/6/2010 đến nay và chỉ được giao dịch trong 15 phút cuối.

CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (CAD) công bố báo cáo tài chính (BCTC) cho thấy riêng quý II, CAD đạt 80 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ 6,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước đạt 201,95 tỷ đồng doanh thu thuần và mức lãi 1,06 tỷ đồng, mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II/2011 giảm mạnh.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2011, CAD lỗ 15,6 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2010 lỗ 4,77 tỷ đồng. Trước đó, do CAD thua lỗ trong 2 năm liên tiếp, căn cứ các BCTC năm 2009 và năm 2010 đã được kiểm toán, mã CP CAD bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 2/6. Sau đó, HOSE chấp thuận cho CP CAD giao dịch trở lại từ ngày 24/6 dưới dạng bị kiểm soát.


Lập lờ BCTC

Thua lỗ kéo dài nên không ít DN cố tình lờ đi những chi tiết quan trọng nhằm che bớt con số thua lỗ trong BCTC. Chẳng hạn, CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) thông báo kết quả kinh doanh 6 tháng của công ty mẹ đã qua soát xét đạt 73,64 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ 6,02 tỷ đồng sau thuế.

So với mức lỗ 5,01 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2010, mức lỗ 6 tháng đầu năm 2011 tăng thêm 1,01 tỷ đồng. Tổng lỗ sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 30/6 của công ty mẹ PTC là 13,34 tỷ đồng.

Điều đáng nói, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh không hiệu quả, DN này lại có vấn đề trong việc thực hiện BCTC. Đơn vị kiểm toán cho PTC là Công ty Kiểm toán A&C cho biết một phần chi phí lãi vay và chi phí quản lý DN phát sinh trong kỳ là 5,22 tỷ đồng được phản ánh vào chỉ tiêu chi phí trả trước ngắn hạn, thay vì phản ánh vào báo cáo kết quả kinh doanh.

Nếu thực hiện kết chuyển khoản chi phí này vào kết quả kinh doanh trong kỳ, lợi nhuận sau thuế và lỗ lũy kế giảm thêm tương ứng với con số này. Ngoài ra, PTC cũng chưa trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư vào công ty con với số tiền 1,03 tỷ đồng.

Đặc biệt, A&C cũng lưu ý việc Nhà máy Vật liệu viễn thông 1 (đơn vị trực thuộc) đã ngừng hoạt động từ ngày 9/11/2009, nhưng số liệu BCTC của nhà máy đang được phản ánh theo nguyên tắc hoạt động liên tục, trong đó toàn bộ tài sản cố định hữu hình là dây chuyền sản xuất tại nhà máy có nguyên giá và giá trị còn lại lần lượt là 59,75 tỷ đồng và 24,57 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản mở rộng giá trị 9,04 tỷ đồng không còn phát huy hiệu quả. Nhiều khả năng mã PTC sẽ bị dưa vào diện cảnh báo sau khi kết thúc năm tài chính 2011.

Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP. HCM (AISC) cũng vừa lên tiếng với CTCP Vận tải và Bất động sản Việt Hải (VSP) về việc chưa lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2011. Như vậy, so với mức lỗ 230,58 tỷ đồng trước soát xét, mức lỗ sau soát xét tăng thêm 17,35 tỷ đồng.

Điều đáng nói, VSP hiện đang giao dịch dưới dạng bị kiểm soát kể từ ngày 18-4 do hoạt động thua lỗ liên tiếp trong 2 năm 2009 và 2010. Xem ra, khả năng mã này bị tạm ngưng giao dịch là rất lớn, nếu không có hướng khắc phục tình trạng thua lỗ trong năm nay.

Nổi cộm nhất là ý kiến của đơn vị kiểm toán về CTCP Nhựa Tân Hóa (VKP). Theo đánh giá của công ty kiểm toán, căn cứ các số liệu thống kê, dư nợ ngắn hạn của VKP hiện lớn hơn tài sản ngắn hạn sau khi trừ đi các khoản tài sản tồn đọng khó thu hồi, lỗ hoạt động kinh doanh trong kỳ và lỗ lũy kế đến ngày 30/6 khá lớn.

Điều này gây ra sự nghi ngờ về tính phù hợp của việc giả định về hoạt động liên tục của VKP. Được biết, BCTC cho kỳ kế toán từ ngày 1/1 đến 30/6 của VKP vẫn được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục và chưa bao gồm bất cứ sự điều chỉnh cần thiết nào đến vấn đề này. VKP công bố BCTC quý II, cho biết lợi nhuận sau thuế của VKP âm 21,26 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 18,68 tỷ đồng).

Tổng lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6 là 107,27 tỷ đồng. Trước đó, ĐHCĐ năm 2011 của VKP đặt kế hoạch lỗ 17,8 tỷ đồng nhưng chỉ 2 quý đầu năm 2011 DN này đã lỗ hơn mức ĐHCĐ thông qua. Được biết, 2 năm trước DN này đều bị lỗ khiến mã VKP đã từng bị ngừng giao dịch. Mới đây, HOSE cho giao dịch trở lại nhưng vẫn nằm trong diện diện kiểm soát kể từ 13/5.


Xem lại việc quản lý CP diện cảnh báo

Theo quy định của HOSE, CP chỉ bị kiểm soát khi tổ chức niêm yết không đáp ứng điều kiện niêm yết trên sàn, như: có kết quả kinh doanh lỗ, có nợ quá hạn trên 1 năm, đang tạm ngừng sản xuất kinh doanh, không đáp ứng được số lượng cổ đông công chúng, tổ chức niêm yết vi phạm về công bố thông tin, CK không có giao dịch trong vòng 90 ngày.

Nếu đối chiếu với các quy định này, DVD bị HOSE đưa vào diện kiểm soát là hoàn toàn hợp lý. Nay, việc HOSE đưa những mã CP trên vào diện kiểm soát vẫn tạo ra kẽ hở cho các DN này tiếp tục có những vi phạm nghiêm trọng hơn  như đã xảy ra với DVD.

Quay lại với trường hợp DVD, dù bị đưa vào diện kiểm soát nhưng vẫn có một lượng lớn CP DVD được giao dịch bình thường ở 15 phút cuối cùng của phiên giao dịch.

Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ ngày 10/5 (thời điểm ANZ chính thức đệ đơn) đến khi thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, DVD có tổng cộng 79 phiên giao dịch với khoảng 3,76 triệu CP được chuyển nhượng, đạt tổng giá trị lên đến 24,27 tỷ đồng. Bình quân có khoảng 48.000 CP DVD được chuyển nhượng mỗi phiên. Đây là con số rất lớn nếu so với những CP vẫn đang giao dịch bình thường hiện nay.

Do vậy biện pháp khác là thay đổi cách đưa CP vào diện cảnh báo. Thực tế, rất ít NĐT chú ý đến sự kiện CP bị đưa vào diện cảnh báo vì CP được gắn 2 ký tự này vẫn được giao dịch không khác gì những mã CP bình thường. Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng nên xem xét lại vấn đề này.

Đã là cảnh báo thì nên có biện pháp riêng cho cảnh báo. Chẳng hạn, có thể nhóm các CP cùng bị cảnh báo sang bảng giao dịch riêng. Thậm chí, có thể quy định kỹ hơn về các trường hợp rút ngắn thời gian giao dịch đối với những mã cảnh báo.

Nếu cảnh báo do làm ăn thua lỗ, có thể vẫn cho giao dịch bình thường trong diện bị cảnh báo. Khi công ty niêm yết rơi vào tình trạng chờ công bố thông tin bất thường cũng nên rút ngắn thời gian giao dịch như CP nằm trong diện kiểm soát. Nghiêm trọng hơn thì tạm ngừng giao dịch lập tức.