Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát. Ảnh: Lê Toàn.

Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát. Ảnh: Lê Toàn.

Nhiều dự án bất động sản chờ được “tháo chốt”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tháng cuối năm 2024, thêm một số dự án bất động sản gặp vướng mắc tại TP.HCM bắt đầu được gỡ vướng, tạo nền tảng gia tăng nguồn cung sản phẩm cho năm 2025.

Tăng tốc gỡ vướng dự án

Trong nhiều phiên họp về kinh tế - xã hội, lãnh đạo TP.HCM luôn nhấn mạnh thông điệp tập trung tháo gỡ vướng mắc và giải quyết các vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền. Thực tế, danh sách những dự án bất động sản được gỡ vướng vừa qua trên địa bàn Thành phố đã cho thấy nỗ lực này.

Với việc thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ, các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của UBND TP.HCM đã phối hợp, cùng tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, đi đôi với nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm… của các chủ đầu tư để chờ cơ hội phục hồi trở lại.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong số 64 dự án bất động sản đang gặp vướng mắc trên địa bàn được thống kê, Thành phố đã giải quyết dứt điểm 8 dự án, 20 dự án được giải quyết một phần, còn lại đang tiếp tục được xử lý.

“Chúng tôi sẽ tập trung giải quyết những vướng mắc này và đây sẽ là một trong những giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”, ông Mãi nhấn mạnh.

Cho đến cuối năm 2024, những dự án đã được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn bao gồm Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát; Khu nhà ở xã hội của Công ty cổ phần VTHouse và Công ty cổ phần Tân Giao; dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; dự án Metro Star của Công ty cổ phần Đầu tư Metro Star; dự án Celadon City của Công ty Gamuda Land; Khu đất diện tích hơn 11.000 m2 tại huyện Hóc Môn của Công ty cổ phần Western Sài Gòn; dự án Khu nhà ở cao tầng Sông Đà - Thăng Long của Công ty Hưng Thịnh Incons; Khu giáo dục quận Bình Thạnh của Công ty Trí Tuệ.

Là 1 trong 8 doanh nghiệp có dự án được xử lý dứt điểm vướng mắc, đại diện Tập đoàn CT Group cho biết, sau nhiều năm theo đuổi, dự án Metro Star đã được UBND TP. Thủ Đức phê duyệt Quyết định chấp thuận cập nhật chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Dự án có quy mô 1.468 căn hộ và có 76 căn shophouse, được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2008, điều chỉnh chấp thuận chủ trương lần đầu vào năm 2011 và điều chỉnh lại vào tháng 4/2024.

“Đây là tin vui rất lớn không chỉ đối với chủ đầu tư, mà còn cả các nhà thầu, đại lý phân phối... đã kiên nhẫn chờ hồ sơ đi nhiều vòng ở các sở, ngành, cơ quan thanh tra, kiểm toán, UBND Thành phố… cho đến khi được giao về UBND TP. Thủ Đức ký theo phân cấp”, đại diện CT Group chia sẻ.

Từ nay đến hết quý I/2025, thị trường sẽ tiếp tục trong giai đoạn củng cố, người mua vẫn sẽ tập trung vào nhu cầu nhà ở thực tế và sản phẩm được lựa chọn nhiều nhất là nhà riêng và nhà phố.

Ông Nguyễn Quốc Anh Phó tổng giám đốc PropertyGuru Việt Nam

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận, cơ hội hồi sinh các dự án treo nhiều năm đã rõ ràng khi Chính phủ và Thành phố đang tích cực rà soát, điều chỉnh để giải quyết các vướng mắc pháp lý. Trong đó, mục tiêu cao nhất của lãnh đạo Thành phố là gỡ ngay các dự án quy mô lớn, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, đến người dân và kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn cung nhà ở dồi dào cho Thành phố trong thời gian tới.

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý trên địa bàn Thành phố chưa được giải quyết. Bởi trong giai đoạn 2015-2023, Thành phố có 138 dự án được chấp thuận đầu tư, nhưng chỉ 52 dự án đang triển khai, còn 86 dự án nhà ở thương mại đã ngưng thi công hoặc chưa thi công (tồn kho), bao gồm 30 dự án đã ngưng thi công có quy mô sử dụng đất lên đến 210,3 ha; 56 dự án chưa thi công có quy mô sử dụng đất 754,08 ha.

“Có nhiều nguyên nhân khiến dự án bị tồn kho, trong đó vướng mắc pháp lý là nguyên nhân chính. Việc tồn kho lớn này để lại nhiều hệ lụy, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, vi phạm nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả của Luật Đất đai”, ông Châu nói, đồng thời cho biết thêm, một phần trong số này vượt thẩm quyền của Thành phố nên chưa thể xử lý, phải chờ chỉ đạo của cấp trên.

Thêm nguồn hàng cho thị trường

Tuy chưa được thông suốt hoàn toàn về pháp lý, nhưng theo ông Phan Văn Mãi, việc giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố làm cơ quan đầu mối tiếp tục rà soát, phân nhóm các vướng mắc để tập trung tháo gỡ sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hoàn thành thủ tục pháp lý cho các dự án, qua đó sớm thi công trở lại và đưa sản phẩm ra thị trường.

Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư có dự án được tháo gỡ vướng mắc đã lên kế hoạch tái khởi động việc xây dựng hoặc chuẩn bị mở bán trở lại với mức giá tăng cao so với trước đây.

Chẳng hạn, Tập đoàn Đất Xanh lên kế hoạch hoàn thành phần móng và mở bán trở lại vào quý I/2025 đối với dự án DatXanhHomes Riverside nằm trên khu đất 6,7 ha, TP. Thủ Đức. Dự án ban đầu được mở bán vào năm 2018 với giá từ 33 triệu đồng/m2, sau đó phải tạm dừng do vướng mắc pháp lý.

Tương tự, dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star đang chuẩn bị khởi động lại kế hoạch mở bán. Đây là dự án nằm trong danh sách 148 dự án bị vướng mắc pháp lý không thể triển khai hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng của TP.HCM. Đại diện chủ đầu tư cho biết, giá các sản phẩm tại dự án có thể tăng mạnh sau khi tuyến Metro số 1 vận hành nhờ lợi thế nằm cạnh tuyến metro này. Thời điểm ban đầu mở bán dự án có mức giá 40 triệu đồng/m2.

Không chỉ án chưa triển khai, việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án đã đưa vào sử dụng cũng ghi nhận những kết quả tích cực bước đầu, giúp thị trường giao dịch thứ cấp trở nên rộn ràng hơn.

Đơn cử, tại dự án Sunrise Riverside (huyện Nhà Bè), từ tháng 7/2024 đến nay, chủ đầu Novaland đã bàn giao 446 sản phẩm tại 2 tháp cuối cùng và trao 429 sổ hồng cho cư dân dự án.

Theo kế hoạch, năm 2025, Novaland sẽ trao sổ hồng cho hơn 7.000 sản phẩm tại 6 dự án ở trung tâm TP.HCM gồm Sunrise Riverside (huyện Nhà Bè), Kingston Residence và Orchard Garden (quận Phú Nhuận), The Sun Avenue (TP. Thủ Đức), Lucky Palace (quận 6) và Sunrise City (quận 7).

Cùng với việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án hiện hữu, trong năm 2024, TP.HCM còn chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án - điều ít xuất hiện trong khoảng 2 năm gần đây, trong đó có thể kể đến dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng cao tầng tại phường An Khánh, TP. Thủ Đức cho Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Sun City; Khu căn hộ cao tầng NBB Garden III tại quận 8 cho Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy…

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc PropertyGuru Việt Nam, sự quan tâm đến bất động sản sẽ tăng mạnh vào năm 2025 khi niềm tin của thị trường và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện.

“Trong mỗi giai đoạn phát triển, thị trường bất động sản có những đặc điểm khác nhau, dựa trên các chu kỳ biến động. Từ nay đến hết quý I/2025, thị trường sẽ tiếp tục trong giai đoạn củng cố, người mua vẫn sẽ tập trung vào nhu cầu nhà ở thực tế và sản phẩm được lựa chọn nhiều nhất là nhà riêng và nhà phố. Năm 2026, thị trường có thể bước vào chu kỳ ổn định, giá cả và thanh khoản sẽ tăng ở nhiều phân khúc, loại hình sản phẩm”, ông Quốc Anh nhận định.

Tin bài liên quan