Công ty cổ phần Thép Ðại Thiên Lộc (DTL) đã xin ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết tự nguyện trên HOSE.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, do thị trường trong nước dư thừa công suất, còn thị trường xuất khẩu tôn thu hẹp do các loại thuế chống bán phá giá nên doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải cắt giảm sản xuất để tránh thua lỗ.
Quý III vừa qua, DTL chỉ lời hơn 6 tỷ đồng, không bị lỗ như quý trước đó chính là do thu hẹp sản xuất. Doanh thu quý III chỉ còn hơn 55,4 tỷ đồng, giảm gần 500 tỷ đồng so với cùng kỳ. DTL là doanh nghiệp thép lâu năm và cũng trải qua nhiều biến động của giá thép cán nóng.
Lợi nhuận lũy kế để lại còn lớn, song nhận thấy càng sản xuất càng thua lỗ ở thời điểm này nên Công ty quyết định thu hẹp sản xuất.
Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) sau khi nằm dưới sự điều hành của nhóm cổ đông mới đến từ SMC đã có quý thứ 2 có lợi nhuận dù rất mỏng sau các quý thua lỗ trước đó.
Giá cổ phiếu NKG giảm sút rất khó phục hồi dù thị giá hiện tại (hơn 6.000 đồng/cổ phần) thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách (16.000 đồng/cổ phần).
NKG cũng bị ảnh hưởng mạnh của quá trình giảm giá thép cán nóng HRC. Trong quý II/2019, doanh thu thuần của Công ty đạt 2.964 tỷ đồng, giảm mạnh 31% so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán đã chiếm tới hơn 96% trong doanh thu thuần, khiến lãi gộp chỉ còn hơn 112 tỷ đồng, chỉ bằng một phần ba cùng kỳ 2018.
Tháng trước, Tổng giám đốc cũ của NKG là ông Phạm Mạnh Hùng đã thoái hết vốn tại Công ty, trong khi ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc mới lại đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu, tăng sở hữu lên hơn 10% cổ phần.
Tuy không kinh doanh mặt hàng tôn các loại nhưng Công ty Thép Tiến Lên (TLH) sử dụng nguyên liệu thép cán nguội cho các mặt hàng thép gia công. Doanh thu trong nửa đầu năm giảm 500 tỷ đồng, từ mức 3.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Theo TLH, do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, giá thép giảm và nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu trong nước cho các công trình cũng giảm dẫn đến doanh thu sụt giảm.
Lợi nhuận nửa đầu năm cũng giảm chỉ bằng một phần ba so với nửa đầu năm trước. Sang quý III năm nay, TLH đã lỗ 8,6 tỷ đồng.
Dường như khó khăn vẫn tiếp tục với các công ty thép. Các doanh nghiệp cho biết, thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp.
Trong khi đó, giá thép cán nóng liên tục sụt giảm khiến doanh nghiệp vừa ký hợp đồng mua hàng đã lỗ. Các công ty trong nước không xuất khẩu lại bán cắt lỗ khiến giá bán trong nước còn giảm nhanh hơn.
Ðể xuất khẩu sang thị trường như Mỹ, doanh nghiệp phải nhập thép cán nóng từ Ấn Ðộ hoặc mua của nhà sản xuất trong nước là Formosa Hà Tĩnh, tuy nhiên, mua của Formosa Hà Tĩnh không dễ.
Doanh nghiệp phải đặt cọc trước, nhận hàng tháng sau và phải mua định kỳ hàng tháng, chỉ cần bỏ một tháng không đặt hàng thì sẽ không thể mua được hàng tiếp.
Chỉ có những doanh nghiệp lớn cần nguồn hàng ổn định mới có thể duy trì mua hàng của Formosa Hà Tĩnh thường xuyên, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ cho hàng xuất khẩu. Còn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đều gặp khó khăn trong tính toán đầu ra đầu vào.
Theo thông tin từ các nhà sản xuất, Formosa Hà Tĩnh đã giảm đáng kể giá bán HRC cho doanh nghiệp trong nước do áp lực từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Tuy nhiên, giá nội địa vẫn cao hơn giá nhập khẩu.
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 9, sản xuất và bán hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt 333.842 tấn, giảm 7,84% so với tháng 8 và giảm 2,1% so với cùng năm trước.
Bán hàng đạt 312.511 tấn, tăng 5,86% so với tháng trước và xấp xỉ so với cùng kỳ 2018. Trong đó, xuất khẩu đạt 112.226 tấn, giảm 23,3% so với cùng kỳ 2018.
Tính chung 9 tháng đầu năm, sản xuất tôn mạ màu kim loại và sơn phủ mầu của các thành viên Hiệp hội giảm 5,3% so với cùng kỳ, bán hàng giảm 4% và xuất khẩu giảm 21%. Xu hướng này vẫn tiếp tục trong tháng 10 vừa qua.