Cũng theo cổ đông này, trong báo cáo tài chính 2013 của Công ty, kiểm toán có đưa ra ý kiến lưu ý: “Chúng tôi cần lưu ý đến Thuyết minh số 2.1 và 2.16 của báo cáo tài chính cho thấy, trong niên độ kết thúc ngày 31/12/2013, Công ty đã không ghi nhận khoản dự phòng trợ cấp thôi việc… theo đó, dự phòng trợ cấp thôi việc tại ngày 31/12/2013 đã bị ghi nhận thiếu 7.746.825.500 đồng”.
Đây là thông tin thuộc loại phải công bố thông tin bất thường trong vòng 24h, nhưng Công ty cũng không thực hiện nghĩa vụ này.
Theo tìm hiểu, Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh không phải là trường hợp duy nhất trong các doanh nghiệp họ bia rượu mắc lỗi về nghĩa vụ công bố thông tin. Ngày 29/7 vừa qua, UBCK đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Bia Sài Gòn Sông Lam, với mức phạt tiền 40 triệu đồng do Công ty nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 12 tháng.
Trước đó, hai “đại gia” bia là Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng bị UBCK ra quyết định xử phạt với lỗi tương tự, đó là chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng.
Luật Chứng khoán quy định, công ty đại chúng là CTCP thuộc một trong 3 loại hình sau: (1) công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; (2) công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở GDCK hoặc Trung tâm GDCK; (3) công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên. Đồng thời, phải nộp hồ sơ công ty đại chúng cho UBCK trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày trở thành công ty đại chúng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn không ít doanh nghiệp đủ điều kiện là công ty đại chúng, nhưng chưa đăng ký với UBCK.
Chỉ tính riêng 2 tổng công ty bia, mỗi tổng công ty đã có cả chục đơn vị thành viên là CTCP, nhưng trên danh mục công ty đại chúng đã đăng ký thông tin trên website của UBCK mới chỉ 9 CTCP ngành bia rượu đăng ký.
Quay trở lại với trường hợp của CTCP Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh, năm 2013, doanh nghiệp này đã từng bị UBCK xử phạt 90 triệu đồng vì kém minh bạch thông tin. Trong đó, phạt 70 triệu đồng do không công bố các tài liệu như báo cáo tài chính năm, báo cáo quản trị công ty, Nghị quyết ĐHCĐ…; phạt 20 triệu đồng do không lập và cập nhật thông tin công bố trên trang thông tin điện tử. Đến nay, Công ty đã có website riêng, tuy nhiên, chuyên mục quan hệ cổ đông truy cập thường xuyên bị lỗi, phần công bố báo cáo tài chính mới có đến báo cáo tài chính năm 2013 (cũng trong tình trạng không thể truy cập), trong khi đến thời điểm này đã quá thời hạn để các công ty công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét 2014.
Có thể thấy, kể từ năm 2007 khi Luật Chứng khoán chính thức có hiệu lực, trong số những quyết định UBCK ban hành xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK, chiếm phần lớn là các vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin và chào bán chứng khoán ra công chúng. Trong đó, nhiều trường hợp, việc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin là do doanh nghiệp cố tình che giấu thông tin, nhưng cũng có không ít trường hợp lại bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật, để rồi bị xử phạt vì những lỗi rất sơ đẳng.
Tại hội nghị “Doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết 2014” do Sở GDCK Hà Nội (HNX) phối hợp với UBCK tổ chức hồi đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã đặt những câu hỏi về chính sách với đại diện cơ quan quản lý thị trường, cho thấy nhiều “lỗ hổng” về kiến thức pháp luật cơ bản đối với doanh nghiệp.
Theo UBCK, nếu công ty đã trở thành đại chúng rồi mà không đăng ký, thì người giám sát tốt nhất chính là các cổ đông. Thông qua việc phản ánh của cổ đông, nhà đầu tư, cơ quan quản lý có căn cứ để giám sát, thanh tra và bắt lỗi các vi phạm.
Về phần mình, UBCK đang và sẽ thực hiện tăng cường phổ biến kiến thức, giúp các cổ đông có thể tự kiểm soát và bảo vệ quyền lợi của mình.