Nhiều doanh nghiệp địa ốc “khó giải” bài toán dòng tiền

Nhiều doanh nghiệp địa ốc “khó giải” bài toán dòng tiền

(ĐTCK) Ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, so với những năm trước, dòng tiền kinh doanh của nhiều doanh nghiệp địa ốc niêm yết năm 2019 đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường khi lượng hàng tồn kho, các khoản phải thu, nợ phải trả ngắn hạn tăng mạnh, trong khi tiền và tương đương tiền của một số doanh nghiệp đang có dấu hiệu suy giảm dù vẫn báo lãi.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) là một trong những doanh nghiệp có các khoản phải thu và hàng tồn kho tăng vọt trong năm vừa qua. Ghi nhận từ báo cáo tài chính hợp nhất mới nhất cho thấy, tính tới hết ngày 31/12/2019, các khoản phải thu của Đất Xanh lên tới 9.023 tỷ đồng, tăng tới hơn 3.456 tỷ đồng.

Trong đó, chủ yếu là do tăng mạnh các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, các khoản phải thu về cho vay một số bên liên quan và các khoản vốn góp, tạm ứng đầu tư ở một số đơn vị. Cùng với các khoản phải thu tăng mạnh, hàng tồn kho của tập đoàn địa ốc này cũng tăng lên hơn 2.186 tỷ đồng từ việc triển khai một số dự án mới.

Đồng thời, lượng hàng tồn kho quá lớn cũng phần nào gây ảnh hưởng khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh trong năm vừa qua của Đất Xanh tăng mạnh từ mức âm 931,7 tỷ đồng lên tới âm gần 1.800 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền của Tập đoàn trong năm vừa qua cũng có chiều hướng suy giảm khi chỉ ghi nhận hơn 793,2 tỷ đồng vào cuối tháng 12/2019, giảm tới hơn 365,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước đó. Mặc dù đây vẫn là một con số tương đối lớn, tuy nhiên, trong bối cảnh các khoản nợ ngắn hạn phải trả cũng tăng lên tới hơn 2.100 tỷ đồng, áp lực gia tăng về khả năng thanh toán trong ngắn hạn sẽ là bài toán mà Địa ốc Đất Xanh sẽ phải giải trong năm nay.

Cũng chịu cùng nỗi lo đối diện với áp lực gia tăng về khả năng thanh toán ngắn hạn trong năm 2020 như Đất Xanh phải kể đến Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (Mã chứng khoán: TCH).  Trong năm vừa qua, Hoàng Huy có nhiều biến động lớn trong dòng tiền hoạt động kinh doanh.

Ghi nhận báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, trong khi các khoản phải thu của công ty này tăng thêm gần 156 tỷ đồng thì hàng tồn kho thậm chí còn tăng hơn 1.803 tỷ đồng. Cùng với hàng tồn kho và khoản phải thu tăng lên, nợ phải trả của Công ty cũng tăng hơn 1.907 tỷ đồng, trong đó tăng mạnh nhất là khoản phải trả ngắn hạn khác. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các khoản tiền và các khoản tương đương tiền của Hoàng Huy vốn chưa thực sự dư dả nhưng cũng đã giảm hơn 223,5 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 của Tổng công ty IDICO-CTCP (Mã chứng khoán: IDC) cho thấy, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp này cũng suy giảm khá lớn trong năm 2019 vừa qua khi giảm tới hơn 221,6 tỷ đồng. Tuy các khoản phải thu, hàng tồn kho cũng như nợ phải trả không tăng quá nhiều so với cùng kỳ năm 2018, nhưng xu hướng áp lực về việc xoay chuyển vốn để trả nợ ngắn hạn của đơn vị này cũng liên tục tăng trong vài năm trở lại đây.

Trong số các đại gia bất động sản ghi nhận biến động dòng tiền kinh doanh nhiều nhất năm 2019, phải kể đến LDG Group (Mã chứng khoán: LDG) khi ghi nhận tới thời điểm cuối 31/12/2019, tiền và các khoản tương đương tiền của LDG chỉ vỏn vẹn còn hơn 40 tỷ đồng, giảm tới gần 550 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019.

Trong khi dòng tiền suy giảm mạnh, LDG lại liên tục ghi nhận sự gia tăng về các khoản phải thu ngắn hạn lên 1.833,9 tỷ đồng (tăng 683,9 tỷ đồng so với cùng kỳ), nợ ngắn hạn lên 2.725 tỷ đồng (tăng 427 tỷ đồng so với cùng kỳ). Điều này cũng góp phần đẩy lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của LDG âm thêm gần 624 tỷ đồng, lên mức âm 1.496 tỷ đồng.

Năm 2019 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) khi không chỉ tiếp tục không hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh mà cũng là năm doanh nghiệp này đối diện với nhiều khó khăn về bài toán dòng tiền.

Kết thúc năm 2019, mặc dù các khoản phải thu ngắn hạn sụt giảm tương đối lớn khoảng 665,5 tỷ đồng xuống về còn 454,5 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản trả trước cho người bán, tuy nhiên, hàng tồn kho lại tăng thêm tới gần 1.000 tỷ đồng, đưa lượng hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai lên tới hơn 8.500 tỷ đồng, chiếm gần 93% tổng tài sản ngắn hạn. Với khoản nợ phải trả lên tới hơn 6.710 tỷ đồng, năm 2020 dự đoán tiếp tục sẽ là năm tương đối vất vả của Công ty khi lượng tiền và tương đương tiền của đơn vị này chỉ còn vỏn vẹn hơn 16 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã chứng khoán: NDN) cũng nằm trong số doanh nghiệp có lượng tiền mặt hiện hữu tương đối nhỏ so với quy mô tài sản và các khoản nợ phải trả. Tính tới cuối năm 2019, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của Nhà Đà Nẵng ghi nhận được vỏn vẹn hơn 11,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ phải trả ngắn hạn lên tới hơn 1.491,3 tỷ đồng. Chiếm trọng yếu tài sản ngắn hạn cùa công ty này là các khoản đầu tư tài chính chiếm hơn 1.063 tỷ đồng và hàng tồn kho lên tới hơn 745,6 tỷ đồng.

Trên thực tế, trong báo cáo kết quả kinh doanh, còn nhiều chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp địa ốc, tuy nhiên, theo phân tích của Giám đốc đầu tư cổ phiếu, bất động sản và các tài sản khác tại một công ty quản lý quỹ thì cạn tiền mặt là chỉ báo đầu tiên cho thấy sự bất ổn khi nó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngắn hạn.

Đặc thù hàng tồn kho của mỗi đơn vị khác nhau dẫn tới tính thanh khoản khác nhau. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, trong tình hình thị trường nói chung không thực sự ủng hộ, nhiều doanh nghiệp bất động sản và các thành viên thị trường khác có tâm lý phòng thủ thì việc cạn dòng tiền là nguy cơ hiển hiện ngay trước mắt.

“Phân khúc đang được kỳ vọng nhiều nhất là nhà ở giá rẻ nhưng chỉ phù hợp với những doanh nghiệp đã có kế hoạch từ nhiều năm trước, thu gom xong quỹ đất và hoàn thiện sản phẩm, đưa vào hoạt động. Đồng thời, mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng cũng phải giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có kế hoạch điều chỉnh dự án chuyển sang phân khúc này, song số lượng có khả năng chuyển đổi cũng không nhiều. Còn những công ty khác bây giờ mới tham gia phân khúc này thì lại phải xin dự án từ đầu, mất 2-3 năm nữa mới có sản phẩm. Do đó, việc không có dòng tiền đủ lớn để tiếp tục… nằm gai nếm mật là một nguy cơ”, vị giám đốc phân tích.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan