Nhiều doanh nghiệp cảng biển lợi nhuận không đạt kỳ vọng

Nhiều doanh nghiệp cảng biển lợi nhuận không đạt kỳ vọng

(ĐTCK) Thời điểm đầu năm 2019, hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ngành cảng biển được dự báo sẽ tích cực khi được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tuy nhiên, kết quả 9 tháng đầu năm lại không cho thấy điều này.

CTCP Gemadept (GMD) công bố doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1.995 tỷ đồng, giảm 3 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 547 tỷ đồng, giảm 68,3%, trong đó lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 450 tỷ đồng, giảm 73,1%. Với kết quả này, GMD hoàn thành được 71,2% kế hoạch doanh thu (2.800 tỷ đồng) và 78,7% kế hoạch lợi nhuận (695 tỷ đồng) cả năm.

Theo giải trình của GMD, nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh do ghi nhận nhiều khoản lỗ từ hoạt động đầu tư tài chính, cho dù đã ghi nhận lợi nhuận từ việc chuyển nhượng một phần vốn từ các đơn vị thành viên như Công ty TNHH CJ Gemadept Logistics Holdings, Công ty TNHH CJ Gemadept Shipping Holdings, CTCP Tiếp vận và cảng quốc tế Gemadept Hoa Sen.

Cụ thể, ở hạng mục đầu tư chứng khoán, tính đến 30/9/2019, GMD ghi nhận lỗ hơn 67,6 tỷ đồng, bao gồm các khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) lỗ 36,5 tỷ đồng, CTCP Thép Thủ Đức (TDS) lỗ 16,8 tỷ đồng, CTCP Khoáng sản Mangan (MMC) lỗ 14,2 tỷ đồng…

Về đầu tư vào công ty liên doanh - liên kết, hạng mục này hiện đạt 2.473 tỷ đồng, trong đó một số khoản bị lỗ như khoản đầu tư vào CTCP Liên hiệp thực phẩm lỗ 21,2 tỷ đồng, CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link lỗ 136,1 tỷ đồng, các công ty liên doanh - liên kết khác lỗ 19,7 tỷ đồng.

GMD đã góp 5 tỷ đồng vào CTCP Quản lý quỹ Trí tuệ Việt Nam và tính đến 30/9/2019 dự phòng lỗ 3,4 tỷ đồng.

Tại CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (VSC), kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu tăng 9% so với cùng kỳ 2018, đạt 1.355 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm 33%, đạt 149 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh sa sút khiến thị giá cổ phiếu VSC liên tục giảm, hiện ở quanh mức 25.700 đồng/cổ phiếu (giá phiên 4/11/2019), tức giảm 38,2% so với thời điểm đầu năm (35.520 đồng/cổ phiếu).

Báo cáo phân tích mới đây của một công ty chứng khoán chỉ ra rằng, VSC đang chịu ảnh hưởng từ xu hướng dịch chuyển sang các cảng nước sâu. Để giải quyết tình trạng này, VSC đang tiến hành đấu thầu hai cầu bến ở vùng Lạch Huyện, nhưng chưa có kết quả rõ ràng.

Vừa qua, VSC đã thông qua chủ trương thành lập Công ty Cảng Xanh, vốn điều lệ 110 tỷ đồng do VSC sở hữu 100% vốn, đồng thời tăng vốn tại Công ty Ngôi sao xanh lên 70 tỷ đồng (cũng sở hữu 100% vốn), đầu tư thêm 20 xe đầu kéo container và sơmi rơmooc chuyên dụng nhằm nâng cao năng lực hoạt động, cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Với CTCP Cảng Hải Phòng (PHP), lũy kế 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính hợp nhất đạt 372,9 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ 2018. PHP lý giải, năm ngoái, Công ty ghi nhận 70 tỷ đồng từ khoản đền bù của Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (Công ty con của PHP) từ TP. Hải Phòng, giúp lợi nhuận tăng cao, trong khi năm nay không có khoản này nên lợi nhuận giảm.

Báo cáo tài chính quý III/2019 của CTCP ICD Tân Cảng - Long Bình (ILB) cho thấy, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm.

Cụ thể, trong kỳ, doanh thu giảm 22% xuống 103 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 48% về hơn 10 tỷ đồng - mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua (quý II/2018 đạt hơn 11 tỷ đồng lợi nhuận).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, ILB đạt 43,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (báo cáo riêng), giảm 11,7% và 50,2 tỷ đồng (báo cáo hợp nhất), giảm 13,5% so với cùng kỳ 2018 do doanh thu sụt giảm, trong khi chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng.

Cụ thể, tại báo cáo riêng, doanh thu của ILB đạt 308 tỷ đồng, giảm 2,5%; chi phí tài chính tăng 27,85%; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 12,3%.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu đạt 200 tỷ đồng (giảm gần 5%), chi phí tài chính tăng 23,16% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 9,72%. Kết thúc 9 tháng, ILB hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu và 70% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đánh giá triển vọng ngành cảng biển, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng, ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới nhờ được hưởng nhiều lợi thế từ chính sách, chẳng hạn việc áp dụng khung giá dịch vụ cảng biển mới từ đầu năm, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh (Quyết định 703 ngày 7/6/2019).

Tuy nhiên, các cảng biển tại Việt Nam có quy mô nhỏ và trọng tải tàu thấp nên chủ yếu đóng vai trò là các cảng vệ tinh, là nơi trung chuyển hàng hóa, dẫn đến khó khăn về giới hạn công suất.

Theo SBS, việc đầu tư nâng cao công suất tại các cảng biển là vấn đề cấp thiết để ngành này có thể tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Tin bài liên quan