“Cài số lùi”
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, quý IV/2020, tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCoM) tăng 15,6% so với cùng kỳ. Với đà hồi phục của nền kinh tế theo mô hình chữ V ngoạn mục, VNDirect dự báo, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 23% trong năm 2021.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được dự báo tích cực, vẫn còn nhiều doanh nghiệp niêm yết trình cổ đông kế hoạch kinh doanh thấp hơn năm ngoái.
PPC đặt mục tiêu tổng doanh thu 5.658 tỷ đồng, lãi trước thuế 415 tỷ đồng, tương ứng giảm lần lượt 31% và 66% so với mức thực hiện trong năm 2020.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) đặt mục tiêu tổng doanh thu 5.658 tỷ đồng, lãi trước thuế 415 tỷ đồng, tương ứng giảm lần lượt 31% và 66% so với mức thực hiện trong năm 2020. Năm 2021, ngành điện được kỳ vọng sẽ khởi sắc do nhu cầu điện phục hồi và tăng mạnh, kế hoạch lợi nhuận trên của PPC lại là thấp nhất kể từ năm 2014 tới nay.
Giai đoạn 2017 - 2020, PPC luôn đặt kế hoạch lợi nhuận trên 700 tỷ đồng mỗi năm và sau đó đều vượt qua kế hoạch. Chẳng hạn năm ngoái, Công ty vượt tới 30% chỉ tiêu lợi nhuận.
Ban lãnh đạo PPC nhận định, 2021 sẽ là một năm có nhiều khó khăn, thách thức với doanh nghiệp, như sản lượng điện sản xuất và sản lượng điện hợp đồng (Qc) được giao rất thấp; giá than biến động tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong quá trình tham gia thị trường điện.
Cũng chịu ảnh hưởng từ giá đầu vào tăng mạnh, hai doanh nghiệp phân bón là Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (mã DPM), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) đều đặt kế hoạch lợi nhuận thấp hơn hẳn so với năm ngoái. Tại DCM, mục tiêu lãi sau thuế năm nay là 197 tỷ đồng, giảm tới 70% so với kết quả thực hiện trong năm 2020 (664 tỷ đồng).
Theo DCM, doanh nghiệp đang đối diện với hàng loạt khó khăn, đặc biệt là giá khí có xu hướng tăng trở lại. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, biến chủng mới đang lây lan rộng ra nhiều nước; tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô ở Tây Nam Bộ vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ sản phẩm phân bón.
Thêm vào đó là tình trạng cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất phân bón trong nước và các nhà nhập khẩu…
Trong khi đó, với doanh nghiệp cùng ngành DPM, dù mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm nay được đặt ra ở mức 8.331 tỷ đồng, tăng 7,3% so với thực hiện năm 2020 nhưng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm tới 48%, với 365 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp ngành cao su thiên nhiên cũng dè dặt lên kế hoạch kinh doanh 2021, như Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR), Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (mã TRC), dù được cho là sẽ "ăn theo" sóng bất động sản khu công nghiệp khi các doanh nghiệp này lần lượt xin chuyển đổi diện tích không nhỏ rừng cao su sang đất công nghiệp.
Theo GVR, kể từ ngày 31/12/2020, doanh nghiệp không còn được miễn tiền thuê đất cho các dự án tái canh trồng cao su theo công văn được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2016. Đây là khó khăn chung của cả ngành cao su khi khoản chi phí tăng thêm sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận.
PHR cũng dự báo, năm 2021 sẽ là một năm khó khăn, nhất là đối với hoạt động khai thác mủ cao su, khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt. Khối kinh doanh khu công nghiệp lại chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Sau một năm khó khăn chồng chất, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thủy sản chưa sáng hơn. Công ty cổ phần Đầu tư du lịch và phát triển thủy sản (mã DAT) dự kiến doanh thu năm 2021 là 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,8% và 22,9% so với mức thực hiện trong năm 2020.
Theo DAT, nguyên nhân khiến Công ty đặt mục tiêu đi lùi là đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của thị trường xuất khẩu; giá cước vận tải quốc tế tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng…
Tương tự, sau năm 2020 lao dốc, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) tiếp tục đặt kế hoạch lợi nhuận thấp hơn. Doanh nghiệp dự kiến doanh thu là 8.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,2% và giảm 2,6% so với thực hiện trong năm 2020.
Đặt mục tiêu… thua lỗ
Bên cạnh những doanh nghiệp dự kiến suy giảm hiệu quả kinh doanh trong năm nay, một số doanh nghiệp còn đặt kế hoạch lợi nhuận là con số âm.
Tổng công ty 36 (mã G36) vừa gây bất ngờ cho cổ đông và giới đầu tư với kế hoạch doanh thu 1.937 tỷ đồng, giảm 17,03% so với năm 2020 và lỗ tới 66 tỷ đồng. Bất ngờ là bởi năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng G36 vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng, với doanh thu đạt 2.308 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 58 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 28,7% và 83,4% so với năm 2019. Kể từ khi đăng ký giao dịch trên UPCoM vào năm 2016, G36 luôn kinh doanh có lãi.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của G36, một số cổ đông bức xúc lên tiếng: “Doanh nghiệp để kế hoạch lỗ là không thể chấp nhận được”.
Theo giải trình của lãnh đạo Công ty, nguyên nhân đặt kế hoạch thua lỗ là hai dự án BOT quốc lộ 19 (đoạn Gia Lai – Bình Định) và quốc lộ 6 (Hòa Lạc – Hòa Bình) dự kiến lỗ gần 110 tỷ đồng, do đó, Công ty sẽ phải bù lỗ 44 tỷ đồng.
Từ năm 2019 - 2020, Công ty đã phải trích lập dự phòng cho hai dự án BOT trên số tiền 140,3 tỷ đồng, bằng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản và thi công xây lắp. Năm 2018, G36 từng bù lỗ 138 tỷ đồng cho dự án BOT quốc lộ 19.
Ông Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc G36 cho biết, vướng mắc của G36 tại hai dự án BOT trên xuất phát từ khi triển khai thu phí, Công ty phải giảm mức thu phí theo Thông tư của Bộ Tài chính, thay vì mức phí trong hợp đồng ký kết với Bộ Giao thông - Vận tải.
Liên tục có lãi từ năm 2017, năm 2020 lãi ròng tăng vọt 62%, song Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí (mã PVB) đặt kế hoạch 2021 lỗ 12 tỷ đồng. Trên thực tế, PVB đã thua lỗ trong cả hai quý gần nhất (quý III và quý IV/2020) lần lượt 6 tỷ đồng và 20 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu đến từ việc kinh doanh dưới giá vốn.
Nhìn chung, năm 2021 được kỳ vọng là một năm tích cực đối với nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng. Thế nhưng, ở một số nhóm ngành, một số doanh nghiệp lại có những vấn đề, khó khăn riêng phải đối mặt.