Đại hội đồng cổ đông Eximbank năm nay 
đang được giới đầu tư tài chính đặc biệt quan tâm

Đại hội đồng cổ đông Eximbank năm nay đang được giới đầu tư tài chính đặc biệt quan tâm

Nhiều điểm nóng mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng 2017

(ĐTCK) Một trong những điểm nóng tiếp tục là cổ tức, nhưng lãnh đạo nhiều nhà băng cho rằng, cổ tức khó có thể được cải thiện trong một sớm một chiều, mà cần có thời gian để xử lý nợ xấu, lợi nhuận đạt được không phải trích nhiều cho dự phòng.

Nợ xấu “đè” lợi nhuận và cổ tức

Ông Nguyễn Thanh Hưng, cổ đông của một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, những năm gần đây, Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng luôn xoay quanh câu chuyện khó khăn khi nợ xấu tăng cao, quá trình xử lý chậm khiến lợi nhuận bị “ăn mòn” và cổ tức ở mức rất thấp, thậm chí không trả cổ tức. Năm nay, ông Hưng kỳ vọng, mức cổ tức được nhận sẽ cải thiện so với mức 3% của năm 2015.

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) một ngân hàng có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng tại TP.HCM cho hay, trong năm qua, ngân hàng thực hiện vượt 10% chỉ tiêu lợi nhuận, đạt 484 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Thế nhưng, khi nhắc đến tỷ lệ cổ tức năm 2016 dự kiến trình ĐHCĐ niên năm nay để chi cho cổ đông, vị chủ tịch này cho rằng, trước mắt, ngân hàng chỉ có thể chia cổ tức năm 2016 ở mức khoảng 5% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt, ngang bằng so với mức cổ tức năm 2015.

Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng đề án tái cơ cấu chi tiết 3 ngân hàng “0 đồng” cùng 2 ngân hàng khác và sẽ triển khai trong thời gian tới.

“Trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, tác động đến hoạt động của ngân hàng và chúng tôi đang trong quá trình tiếp cận các chuẩn mực quốc tế Basel II nên quan trọng nhất trong lúc này vẫn là trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ”, ông nói.

Liên quan đến Basel II, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm nay là triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”; tiếp tục nghiên cứu triển khai Basel II, tăng cường minh bạch hóa theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Hiện ngành ngân hàng còn khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua về chưa được giải quyết. Việc giải quyết nợ xấu ngân hàng, theo các chuyên gia ngân hàng, nhất định phải có sự tham gia của khối tư nhân. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, giải quyết nợ xấu mà không tốn một đồng vốn nào là "hoang đường". Nhưng nếu dùng nguồn ngân sách quá lớn như một số đề xuất đưa ra thì đó cũng là điều "hoang tưởng".

Vì vậy, để giải quyết bài toán nợ xấu, đòi hỏi các nhà băng phải dành lợi nhuận đạt được để trích đầy đủ dự phòng rủi ro. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc xử lý nợ xấu khó có thể có sự hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước, quan trọng vẫn là nỗ lực từ các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng cần tăng cường trích dự phòng rủi ro từ nguồn lợi nhuận, đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo khi xử lý nợ xấu.

Thực tế, tăng trích lập dự phòng rủi ro là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của nhiều nhà băng sụt giảm trong những năm gần đây. Eximbank là một ví dụ khi phải trích hàng nghìn tỷ đồng dự phòng mỗi năm.

Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, kết thúc năm 2016, lợi nhuận trước thuế và trước dự phòng rủi ro của Ngân hàng ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, song do dự phòng cả năm lên đến nghìn tỷ đồng để kéo giảm nợ xấu về dưới 3% nên lợi nhuận còn lại (sau trích lập) chỉ đạt hơn 300 tỷ đồng trước thuế.

Giải quyết nợ xấu mà không tốn một đồng vốn nào là "hoang đường". Nhưng nếu dùng nguồn ngân sách quá lớn như một số đề xuất đưa ra thì đó cũng là điều "hoang tưởng".

 - TS. Vũ Thành Tự Anh - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

“Quan điểm của HĐQT và Ban điều hành Eximbank là phải trích lập dự phòng đầy đủ để đảm bảo an toàn hoạt động nên trước mắt chưa thể kỳ vọng lợi nhuận cao”, ông Quyết nói và chia sẻ, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2017 đang được Eximbank xây dựng để trình ĐHCĐ trong kỳ họp thường niên sắp tới, với sự cân nhắc kỹ lưỡng. 

Nhân sự cấp cao: Eximbank và các ngân hàng tái cơ cấu sẽ “nóng”

Với Eximbank, vấn đề nợ xấu và lợi nhuận luôn là điểm nóng trong các kỳ ĐHCĐ thường niên và bất thường những năm gần đây. Nhiều cổ đông Ngân hàng bức xúc vì không nhận được cổ tức, do nợ xấu tăng đáng kể. Tuy nhiên, điều được quan tâm nhất ở các kỳ ĐHCĐ của Eximbank vẫn là nhân sự cấp cao - đây được xem là mấu chốt của mọi vấn đề. Eximbank dự kiến sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2017 vào ngày 21/4 tại TP.HCM và thực hiện bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT.

Theo nghị quyết HĐQT Eximbank, Ngân hàng sẽ nhận ý kiến cổ đông/nhóm cổ đông đề cử, ứng cử người giữ chức danh thành viên HĐQT từ ngày 21/2 - 6/3/2017 và dự kiến kiểm tra hồ sơ đề cử, ứng cử từ ngày 7/3 - 17/3/2017.

Tới ngày 20/3/2017, Eximbank dự kiến nộp hồ sơ tới NHNN xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT trước khi tiến hành bầu tại ĐHCĐ.

Năm 2016, Eximbank đã có 2 lần tổ chức ĐHCĐ bất thành vì mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn, bất đồng về số lượng thành viên trong HĐQT nhiệm kỳ mới. Trước ngày dự kiến tổ chức ĐHCĐ bất thường 2/8/2016, Eximbank đã phải thông báo hủy do NHNN yêu cầu Ngân hàng kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của cá nhóm cổ đông để báo cáo trước khi NHNN phê duyệt nhân sự đề cử, ứng cử bầu bổ sung thành viên HĐQT. Tuy nhiên, trong năm 2016, Eximbank đã không thể tiến hành ĐHCĐ thành công. Do đó, ĐHCĐ Eximbank năm nay đang được giới đầu tư tài chính đặc biệt quan tâm.

Thực tế cho thấy, nhân sự cấp cao của các ngân hàng luôn là vấn đề nổi cộm tại các kỳ ĐHCĐ, nhất là trong giai đoạn ngành đẩy mạnh tái cơ cấu.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Đề án tái cơ cấu ngành giai đoạn II (2016-2020) sẽ hoàn thành và trình Chính phủ, Bộ Chính trị với các bước chi tiết và cụ thể. Riêng đề án tái cơ cấu 5 ngân hàng, gồm 3 ngân hàng “0 đồng” (OceanBank, CBBank, GPBank) và 2 ngân hàng khác là DongA Bank, Sacombank sau sáp nhập (SouthernBank sáp nhập vào Sacombank) đã được Bộ Chính trị chấp thuận. NHNN đã xây dựng đề án tái cơ cấu chi tiết để triển khai trong thời gian tới, nhằm tái cơ cấu hoạt động các ngân hàng trên.   

Tin bài liên quan