Nhiều đại gia niêm yết lỗ khủng

Nhiều đại gia niêm yết lỗ khủng

Theo thống kê, đã có khoảng 99% số DN niêm yết trên sàn công bố BCTC quý III/2013, trong đó 118 DN công bố lỗ, tương ứng tỉ lệ 19%. Đặc biệt đáng chú ý là những DN báo lỗ nhiều nhất trong quý III lại là những DN có tên tuổi.

Mức lỗ lớn nhất tính đến thời điểm ngày 15.11 hiện đang thuộc về Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (HNX: PVX), với con số hơn 173 tỉ đồng, gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này nâng lỗ lũy kế 9 tháng của PVX lên mức 1,399 tỉ đồng.

 

Theo giải trình của PVX, nguyên nhân chủ yếu do Cty tiếp tục trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu quá hạn, đầu tư tài chính và bảo lãnh quá hạn để giảm rủi ro về tài chính.

 

Thêm vào đó, các Cty con tiếp tục thua lỗ do thị trường xây dựng và BĐS gặp nhiều khó khăn. Bản thân Cty mẹ PVX cũng gặp khó khi một số dự án mà Cty đang thi công hoặc đang đấu thầu bị dãn tiến độ, dẫn đến sản lượng và doanh thu thấp trong khi vẫn phải trả chi phí nhân công, khấu hao, chi phí quản lý DN và lãi vay NH. Tập đoàn Kinh Bắc (HoSE: KBC) của ông Đặng Thành Tâm còn tệ hơn khi lỗ liền 6 quý liên tiếp từ quý II/2012.

 

Trong quý 3.2013, doanh thu hợp nhất quý III của KBC đạt 139 tỉ đồng, tăng gấp 10 lần so với quý III/2012. Song, hoạt động tài chính của KBC bị lỗ nặng khi doanh thu tài chính chỉ hơn 5 tỉ đồng mà chi phí lên đến 76.18 tỉ đồng. Điều này làm cho Cty lỗ ròng 58 tỉ đồng trong quý III.

 

Đặc biệt hai trường hợp lỗ tới 10 quý liên tiếp đều thuộc họ “Sông Đà” như Sông Đà 207 (HNX: SDB), Sông Đà 9.06 (HNX: S96), tức lỗ triền miên từ quý II/2011 đến nay. Chỉ tính riêng trong quý gần đây nhất (quý III/2013), SDB lỗ ròng gần 10 tỉ đồng; nâng lỗ lũy kế tiệm cận con số âm 100 tỉ đồng, vượt 2.8 lần vốn chủ sở hữu; còn nợ ngắn hạn 407.5 tỉ đồng, sắp “đuổi kịp” tổng tài sản 448.6 tỉ đồng.

 

Theo giải trình thua lỗ trong quý III/2013 của SDB, lĩnh vực xây lắp của Cty gặp khó khăn khi kinh tế suy thoái, doanh thu chủ yếu từ các công trình ký hợp đồng từ năm trước. Trong khi đó, các dự án BĐS ngừng trệ dẫn đến chậm trễ công tác thanh quyết toán. Ngoài ra, chi phí tài chính cao do thời gian thi công kéo dài, nguồn vốn để thực hiện các công trình xây lắp chủ yếu là nguồn vốn vay.

 

Còn tại S96, quý III/2013 không có doanh thu nhưng chi phí mất 359 triệu đồng khiến Cty lỗ ròng 308 triệu đồng. Tại ngày 30.9.2013, nợ ngắn hạn 339 tỉ đồng, chiếm gần 80% tổng tài sản, tuy nhiên đây chủ yếu là chi phí phải trả, còn vay nợ ở mức 18.7 tỉ đồng.

>> Đại gia bán thân trả nợ

>> Những doanh nghiệp lỗ “khủng”, lỗ triền miên

>> Doanh nghiệp chế xuất đua nhau... lỗ khủng

>> Đại gia JPMorgan lần đầu báo lỗ