Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh quốc tế và trong nước như hiện nay, nền kinh tế vẫn giữ được tăng trưởng dương, đầu tư vẫn giữ vững, các chỉ tiêu Quốc hội giao cơ bản hoàn thành là kết quả đáng ghi nhận, phải khẳng định vai trò của Chính phủ.
Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội được các đại biểu đưa ra thảo luận. Các đại biểu cho rằng, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng và “khát vọng của chúng ta là phải trở thành một nước công nghiệp”.
Ngân hàng đang hưởng chênh lệch quá cao
Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn đại biểu TP. HCM cho rằng lãi suất trung hạn hiện nay vẫn còn rất cao, khoảng 11 - 12%/năm, trong khi tháng 9 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,25%. Lãi suất cao như vậy, doanh nghiệp không dám vay.
Phân tích kỹ hơn, Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề mấu chốt của kinh tế nước ta hiện nay là phải giải quyết tổng cầu. Nhưng nền kinh tế hiện hấp thụ vốn rất thấp, cả vốn từ kênh tín dụng, đến kênh đầu tư, thậm chí cả các công trình sử dụng vốn trái phiếu.
"Trong 6 tháng đầu năm, chúng ta kỳ vọng dùng trái phiếu chính phủ để kích cầu, nhưng lại nghẽn về thủ tục quy trình nên không hấp thu được. Bây giờ không phải công trình chờ vốn, mà là vốn chờ công trình”, đại biểu Lịch nói và cho biết, qua tiếp xúc với các ngân hàng, doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM, có khoảng 30% doanh nghiệp vào diện làm ăn tốt, ngân hàng luôn mở “quota” tín dụng, nhưng doanh nghiệp lại không muốn vay, bởi lãi suất trung hạn lên tới 11 - 12%/năm.
Còn nhóm doanh nghiệp yếu kém, đang vướng nợ, cần tiền, khát vốn thì một là ngân hàng không dám cho vay, hai là có cho vay thì lãi suất cao, vì rủi ro cao. Bởi vậy, doanh nghiệp cũng không dám vay.
Để xử lý điểm nghẽn này, cần phải giảm lãi suất trung hạn xuống, qua việc giảm lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu.
"Chung ta đều biết ngân hàng sống nhờ chênh lệch lãi suất, hiện mức chênh lệch này lên tới 3,5 - 4%, là quá cao, cần phải giảm xuống", đại biểu Lịch đề nghị.
Chi đầu tư thấp
Một yếu tố quan trọng với tăng trưởng kinh tế đó là đầu tư. Theo báo cáo của Chính phủ, chi thường xuyên đang tăng nhanh, trong khi chi đầu tư ngày càng giảm.
Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, 9 tháng đầu năm, chi đầu tư phát triển từ ngân sách ước đạt 128.000 tỷ đồng, trong tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 636.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng 833.900 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Đại biểu Lê Thanh Hải (TP. HCM) lo ngại, trước đây, khi bàn thảo về bố trí ngân sách hàng năm, thông thường chi thường xuyên có tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn chi đầu tư, nhưng hiện nay thì ngược lại.
“Đây là vấn đề đáng lo ngại, trước đây chi đầu tư, ta bố trí 30% thu ngân sách, giờ còn hơn 10%. Chỗ này cần hết sức quan tâm”, đại biểu Lê Thanh Hải nói.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng yêu cầu phải giảm bội chi xuống, “cứ chi hết thì lấy gì đầu tư phát triển”. Theo đại biểu này, phải quyết liệt khống chế các chỉ tiêu chi, thậm chí phải có cả chỉ tiêu về đi nước ngoài, cần giảm 50%.
“Nghèo nhưng tiêu rất sang” và “lãng phí, lãng phí quá” là những lời của đại biểu Đỗ Văn Đương khi nhận xét về chi tiêu ngân sách. Đại biêu Đương ủng hộ việc giảm 50% chỉ tiêu biên chế và cho rằng ở nhiều cơ quan thừa sức giảm 1/3.
Nợ công cao
Vấn đề nợ công được nhiều đại biểu đề cập, đại biểu Lê Thanh Hải nhận xét, ngoài việc lo ngại nợ công cao, điều còn đáng ngại hơn là việc sử dụng đồng vốn vay hiệu quả như thế nào? Nó thể hiện ở mức trả nợ hàng năm.
Mỹ, Nhật Bản nợ công cao, nhưng chi trả nợ chỉ chiếm dưới 10% thu ngân sách, trong khi tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ta so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của chiến lược nợ công là không quá 25%). Nhưng tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì tỷ lệ trả nợ từ ngân sách Nhà nước hiện ở mức 26,2%, cao hơn so với mức 25% cho phép.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, nợ công tuy chưa kịch trần, nhưng nợ trái phiếu, nợ Ngân hàng Chính sách, nợ bảo hiểm xã hội… đều là ngân sách trả, nhưng chưa tính vào nợ công. Bởi vậy, cần nhìn thẳng thực tế nợ công, chỉ “nói để động viên nhau thì không ổn”.
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015, kết quả thực hiện ngân sách 2014 và dự toán 2015.