Nhiều công ty vẫn xin ý kiến cổ đông trái luật

Nhiều công ty vẫn xin ý kiến cổ đông trái luật

(ĐTCK) Có một cách thức lấy ý kiến cổ đông trái luật đã bị dư luận lên tiếng từ lâu, nhưng đến nay vẫn có nhiều DN áp dụng, dù nghị quyết ĐHCĐ đối diện với nguy cơ bị tòa án tuyên hủy khi cổ đông khởi kiện.

Nhiều công ty vẫn xin ý kiến cổ đông trái luật ảnh 1

Nhiều vấn đề DN buộc phải tổ chức ĐHCĐ, thay vì xin ý kiến bằng văn bản

“Không trả lời phiếu lấy ý kiến là đồng ý”

Luật Doanh nghiệp quy định, một số nội dung phải xin ý kiến ĐHCĐ như tăng vốn điều lệ, thay đổi ngành nghề kinh doanh, sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty, quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần, quyết định bán hoặc đầu tư tài sản trị giá từ 50% giá trị tài sản công ty trở lên…

Trên thực tế, việc chuẩn bị ĐHCĐ không hề đơn giản, đối với ĐHCĐ thường niên, DN thường mất cả tháng để chuẩn bị và chi phí cũng không phải là nhỏ, nhất là khi số lượng cổ đông lớn, ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Do đó, nhiều công ty lựa chọn hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.

Việc các DN tổ chức họp ĐHCĐ gián tiếp như vậy là được phép. Vấn đề là rất nhiều DN sử dụng hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trái luật. ĐTCK đã phản ánh tình trạng “chế biến nghị quyết ĐHCĐ” với cách thức ràng buộc điều khoản vô lý “nếu quá thời hạn, công ty không nhận được văn bản trả lời thì coi như cổ đông đó đã đồng ý thông qua những nội dung biểu quyết trên phiếu lấy ý kiến”. Đến nay, vẫn còn không ít DN sử dụng cách thức áp đặt ý kiến cổ đông như vậy.

CTCP PVI hồi đầu tháng 8 vừa qua đã xin ý kiến cổ đông về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh, theo đó PVI chính thức tham gia thị trường bất động sản, kèm theo đó là việc sửa đổi bổ sung điều lệ Công ty cho phù hợp với ngành nghề kinh doanh nay đã thay đổi. Phiếu xin ý kiến cổ đông của PVI kèm theo điều kiện: nếu quá thời hạn (17/8/2012) mà Công ty không nhận được Phiếu xin ý kiến của cổ đông, thì xem như cổ đông đã biểu quyết tán thành các vấn đề đưa ra tại phiếu này.

Tương tự như vậy, CTCP PV Machino lấy ý kiến cổ đông về việc bổ sung một số ngành nghề kinh doanh như sản xuất các cấu kiện kim loại, xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng… Phiếu lấy ý kiến ghi rõ: “Nếu sau ngày 31/7/2012, PV Machino không nhận được phiếu lấy ý kiến, thì xem như quý cổ đông đã nhất trí với nội dung lấy ý kiến”.

Gần đây nhất, CTCP Viwaseen6 xin ý kiến cổ đông bầu bổ sung hai vị trí trong HĐQT do hai vị thành viên cũ từ nhiệm sau khi chuyển công tác. Phiếu lấy ý kiến có ghi: “Nếu sau ngày 5/10, cổ đông không có ý kiến gửi về Công ty được coi như đã đồng ý với kết quả xin ý kiến của Công ty”.

 

… dẫn đến nghị quyết ĐHCĐ bị tuyên hủy

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), Luật Doanh nghiệp không có quy định nào cho phép các công ty ràng buộc rằng, cổ đông không có ý kiến gửi về công ty thì được coi là đã đồng ý với các nội dung trong phiếu lấy ý kiến. Số lượng phiếu không gửi về phải được ghi nhận là “không có ý kiến”.

Ông Hiếu cho biết, xác định tỷ lệ thông qua một vấn đề trong lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và trực tiếp tại ĐHCĐ có sự khác nhau. Nếu như tại ĐHCĐ, tỷ lệ thông qua được tính bằng số lượng cổ phiếu đồng ý/số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết tại ĐHCĐ, thì đối với việc lấy ý kiến bằng văn bản, tỷ lệ này được tính bằng số lượng cổ phiếu đồng ý/ toàn bộ số cổ phiếu lưu hành. Do có nhiều cổ đông không gửi phiếu lấy ý kiến về công ty, nên tỷ lệ thông qua thường không đạt tỷ lệ 65% hoặc 75% như quy định của Luật Doanh nghiệp.

Ví dụ, kết quả kiểm phiếu của CTCP PV Machino, trong số 312 phiếu phát ra, tương đương với toàn bộ số cổ phiếu có quyền biểu quyết, Công ty chỉ thu về có 60 phiếu, tương đương 31,99%; 178 phiếu chiếm tỷ lệ 62,9% đã không gửi về, còn lại là phiếu bị bưu điện trả lại và phiếu không hợp lệ. Bởi vậy, để tránh tình trạng này, nhiều công ty đã tìm cách ràng buộc điều khoản trái luật như trên.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Chứng khoán - Ngân hàng - Đầu tư nhận xét, cách làm “không gửi phiếu = đồng ý” nêu trên dẫn đến nguy cơ nghị quyết ĐHCĐ bị tuyên hủy và kèm theo những phát sinh khó xử khác, nếu có tranh chấp từ phía cổ đông.

Riêng việc PVI bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản nêu trên, biên bản kiểm phiếu cho thấy, trong số 7.391 phiếu phát ra có 35 phiếu gửi về hợp lệ, đại diện cho 86,5% số cổ phần có quyền biểu quyết. Như vậy, dù không ràng buộc điều khoản “không gửi phiếu = đồng ý”, thì cổ đông lớn của PVI cũng đủ tỷ lệ để thông qua nội dung biểu quyết. Tuy nhiên, vì điều khoản này, mà nếu có nhóm cổ đông 1% nào không đồng ý, họ có căn cứ viện dẫn để khởi kiện yêu cầu hủy bỏ nghị quyết.

Thực tế cho thấy, đã có những vụ kiện yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHCĐ khi có tranh chấp xảy ra trong các CTCP.