Cước container tăng hơn 4 lần
Theo Drewry World, giá cước vận tải container công bố ngày 27/5/2021 cho một container 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Rotterdam (Hà Lan) đã tăng lên 10.174 USD, tăng 3,1% so với một tuần trước đó và tăng 485% so với một năm trước.
Chỉ số giá cước vận tải container toàn cầu (bao gồm tám tuyến đường chính) đã tăng 2%, lên 6.257 USD so với một tuần trước đó và cao hơn 293% so với một năm trước. Giá cước vận tải đều đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011 tới nay.
Giá cước vận tải container tăng vì nhu cầu đang vượt xa khả năng cung cấp do thiếu loại container 20 và 40 feet.
Trong bối cảnh nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng và giá nguyên liệu cơ bản, hàng hóa tăng mạnh, dẫn tới nhiều doanh nghiệp tăng tích trữ hàng hóa, sự gián đoạn từ vụ tắc nghẽn kênh đào Suez vào cuối tháng 3/2021 đến tắc nghẽn cảng đang gây ra sự chậm trễ và chi phí cao hơn cho các chủ hàng, trong khi các hãng vận tải biển hưởng lợi nhuận cao ngất ngưởng.
Theo chủ tịch một công ty chế biến thủy sản, ước tính giá cước tàu container từ Việt Nam sang châu Âu đã tăng hơn 4 lần, từ 1.700-1.800 USD/container lên 7.000-8.000 USD/container so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Cước tàu đi sang bờ Đông nước Mỹ đã tăng hơn 1,7 lần, từ 4.500 USD lên 8.000 - 10.000 USD/container.
Cơ hội không trải đều
Trên sàn chứng khoán niêm yết hiện nay, số doanh nghiệp thực hiện dịch vụ vận tải biển tương đối ít. Có thể kể ngay ra các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã HAH), Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (mã PVT), Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (mã VOS)… Thị phần vận tải biển vẫn chủ yếu nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài.
Tại PVT, trong nhiều năm trở lại đây, doanh nghiệp liên tục theo đuổi chiến lược trẻ hóa đội tàu để gia tăng hiệu quả kinh doanh, tính tới cuối năm 2020 đang sở hữu đội tàu là 34 chiếc. Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực vận chuyển dầu thô, dầu sản phẩm, vận chuyển LPG…, các sản phẩm liên quan tới công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Chính vì vậy, PVT không có khả năng quyết định giá vận tải hàng hóa, dẫn tới biên lợi nhuận gộp duy trì ổn định và không tăng trưởng, mặc dù giá dầu và cước vận tải trong thời gian qua đều có biến động mạnh.
Tại VOS, tính tới 31/12/2020, doanh nghiệp sở hữu đội tàu là 12 chiếc với tổng trọng tải 405.112 dwt, gồm 8 tàu hàng khô, hàng rời; 2 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu container. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thuê định kỳ một số tàu để duy trì hoạt động đội tàu thường xuyên 12 - 14 tàu.
Đội tàu của VOS hoạt động thường xuyên khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Tây Phi, Úc, Nam Mỹ… Tuy nhiên, điểm bất lợi của VOS là đội tàu khá cũ, chưa được đầu tư đổi mới do tiềm lực tài chính hạn hẹp, trong khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường yêu cầu vận chuyển lô hàng lớn hơn và ưa thích đội tàu thế hệ mới.
HAH đang sở hữu lợi thế này, khi liên tục thực hiện đầu tư các tàu mới từ năm 2014 tới nay. Đội tàu của Công ty gồm 8 con tàu, phục vụ cả tuyến nội địa và quốc tế. Tại đại hội cổ đông năm 2021, Ban lãnh đạo HAH chia sẻ tiếp tục kế hoạch đầu tư thêm đội tàu để tăng số chuyến chạy nội địa, đồng thời duy trì, phát triển 2 chuyến chở hàng xuất nhập khẩu đi Hồng Kông và Singapore.
Quý đầu năm nay, HAH ghi nhận doanh thu 359 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 85,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 28,4% và 174% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 19,2% lên 27%. Sau 3 tháng đầu năm, HAH đã hoàn thành tới 54,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong quý I/2021 do hoạt động vận tải đường biển có những tín hiệu khởi sức với những dấu hiệu tích cực và tăng nhu cầu vận tải từ 6 tháng cuối năm 2020.
Cùng với việc công ty đầu tư thêm tàu HA View vào tháng 8/2020 dẫn tới sản lượng đội tàu Hải An tăng mạnh hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng đội tàu tăng dẫn tới sản lượng hoạt động khai thác cảng và depot cũng tăng. Bên cạnh đó, giá cước vận tải tăng và giá nguyên liệu giảm cũng tác động tích cực tới lợi nhuận.