Nhiều chỉ dấu cho thấy thị trường lao động sẽ sớm phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn khiến doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể khiến lao động mất việc. Song những chỉ dấu của nền kinh tế cho thấy, thị trường lao động sẽ sớm phục hồi.
Các chuyên gia tin rằng thị trường lao động sẽ sớm phục hồi.

Các chuyên gia tin rằng thị trường lao động sẽ sớm phục hồi.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố, trong quý IV/2020, lực lượng lao động cả nước từ 15 tuổi trở lên là 55,1 triệu người, tăng 563.800 người so với quý trước.

“Thị trường lao động đã phản ánh đúng bức tranh hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Quý IV/2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi khi đạt tốc độ tăng trưởng 4,48%, trong khi quý III chỉ tăng 2,69%, nên lực lượng lao động gia tăng, nhưng so với cùng kỳ năm 2019, tốc độ tăng trưởng quý IV/2020 còn thấp xa (4,48% so với 6,97%), nên lực lượng lao động bị giảm. Còn tính chung cả năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Điều này cho thấy, Covid-19 đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê (TCTK) bình luận.

Nếu như trong giai đoạn 2010-2019, bình quân mỗi năm số lượng lao động có việc làm tăng khoảng 600.000 người, thì năm 2020 giảm khoảng 1,3 triệu người so với năm 2019. “Mức giảm lao động có việc làm trong năm 2020 là điều chưa từng xảy ra trong suốt một thập kỷ qua”, bà Thủy nói.

“Đại dịch Covid-19 không chỉ tước đi cơ hội có việc làm chính thức của nhiều người lao động, mà còn khiến họ rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Cụ thể, chỉ tính riêng quý IV/2020, cả nước có 902.200 lao động trong độ tuổi thiếu việc làm, cao hơn nhiều so với các quý năm 2019. Còn tính chung cả năm 2020, số lao động trong độ tuổi thiếu việc làm là gần 1,2 triệu người, tăng 456.700 người so với năm 2019. Sự bùng phát của Covid-19 đã làm tình trạng thiếu việc làm lan rộng sang cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, chứ không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản như mỗi lần nền kinh tế gặp phải khó khăn trước đây”, bà Thủy cho biết thêm.

Chuyên gia về lao động - việc làm, bà Valentina Barcucci, Phó giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) không chỉ lo ngại về số lao động thiếu việc, mất việc gia tăng, mà còn lo ngại trước thực tế là chất lượng thị trường lao động năm 2020 giảm, khi số lao động ở khu vực chính thức giảm 21.100 người, trong khi lao động phi chính thức tăng thêm 119.100 người.

“Lao động ở khu vực phi chính thức thường không được đào tạo, thu nhập thấp và không được bảo vệ như lao động chính thức do không có hợp đồng lao động, làm thời vụ, không được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội”, bà Valentina nói.

Theo ông Phạm Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (TCTK), bức tranh về lao động, việc làm đã phản ánh chân thực sức khỏe của doanh nghiệp. “Nhìn vào hoạt động đăng ký doanh nghiệp thành lập mới sẽ thấy rõ bức tranh này khi năm qua có gần 135.000 doanh nghiệp thành lập mới, đăng ký sử dụng 1.043.000 lao động, giảm 2,3% về số doanh nghiệp và gần 17% về số lao động so với năm trước. Trong năm có trên 44.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thì có tới 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng gần 14% so với năm 2019”, ông Minh dẫn chứng.

Còn theo khảo sát về tác động của Covid-19 tới doanh nghiệp đang hoạt động, có kết quả sản xuất, kinh doanh do TCTK thực hiện thì tuyệt đại đa số doanh nghiệp bất kể quy mô lớn, nhỏ, vừa; bất kể sở hữu (Nhà nước, đầu tư nước ngoài hay tư nhân), loại hình (cổ phần, tư nhân, TNHH) đều bị tác động tiêu cực bởi Covid-19. “Do dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động, nên một trong các biện pháp để giảm chi phí được doanh nghiệp áp dụng là cho người lao động nghỉ việc, làm việc luân phiên, giãn việc… đi kèm theo đó là thu nhập của người lao động bị giảm”, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (TCTK) cho biết.

Mặc dù bức tranh về thị trường lao động, việc làm năm 2020 không mấy sáng sủa, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng, bức tranh này sẽ đổi màu khi hoạt động làm ăn của doanh nghiệp đã bắt đầu khởi sắc kể từ đầu quý III/2020 và bước vào giai đoạn phục hồi kể từ đầu quý IV/2020.

“Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có 40,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn quý III/2020 và chỉ có 24,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. So với quý IV/2020, quý I/2021 có gần 43% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; hơn 38% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và chỉ có 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn”, ông Thúy cho biết.

Bà Valentina cũng tỏ ra rất lạc quan trước sự phát triển của kinh tế Việt Nam, qua đó phục hồi sự phát triển của thị trường lao động.

Tin bài liên quan