Nhiệt điện Long Phú 1 bất động

Khởi công từ năm 2011, Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) có tổng vốn đầu tư cả tỷ USD vẫn chưa xác định được thời điểm hoàn thành, do nhà thầu Power Machines (PM) của Nga không tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC.
 
Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 đang xây dựng dở dang và chưa biết khi nào hoàn thành.

Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 đang xây dựng dở dang và chưa biết khi nào hoàn thành.

Chưa biết khi nào xong

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200 MW, diện tích xây dựng 115 ha, được Chính phủ giao Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư từ năm 2010, với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 29.500 tỷ đồng, nhưng đội vốn thêm 11.600 tỷ đồng, thành 41.100 tỷ đồng.

Được khởi công từ đầu năm 2011 và dự kiến hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2015, tổ máy số 2 vào tháng 9/2015. Khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh điện. Song đến nay sau 9 năm thực hiện, tiến độ xây dựng nhà máy mới đạt 77,5% và chưa biết khi nào mới hoàn thành.

Trong khi ngành điện đang đau đầu với bài toán thiếu điện, danh sách các dự án chậm tiến độ vẫn tiếp tục dài thêm, riêng Nhiệt điện Long Phú 1 còn bi đát hơn, bởi vướng vào một loạt hệ lụy không dễ gì tháo gỡ.

Việc chậm tiến độ và vướng nhiều vấn đề phát sinh của Nhiệt điện Long Phú 1 khiến đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) đặt vấn đề về sự thất bại của dự án này, cùng khả năng sẽ trở thành một thành viên gia nhập vào “câu lạc bộ các dự án ngàn tỷ” về thua lỗ, kém hiệu quả và Nhà nước có khả năng sẽ mất hàng trăm triệu USD do dự án đình trệ và vướng vào kiện tụng.

Trước nghi vấn của đại biểu Quốc hội về sự thất bại của Dự án, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Nhiệt điện Long Phú 1 là một dự án rất quan trọng trong Tổng sơ đồ điện VII, đảm bảo cung ứng điện cho khu vực phía Nam. Nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ dự án này là do nhà thầu Power Machine (PM) bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận ngày 26/1/2018. Điều này khiến việc thực hiện các công việc của hợp đồng EPC của liên doanh Tổng thầu PM-PTSC bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tăng nguy cơ chậm tiến độ Dự án”.

Trong gần hai năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành tập trung để thúc đẩy tiến độ và tìm giải pháp để giải quyết. Song, đến nay với việc bị cấm vận thì năng lực của tổng thầu không còn đủ điều kiện để thực hiện.

Một năm sau khi bị cấm vận, ngày 28/1/2019, nhà thầu PM đã có văn bản thông báo về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng EPC dự án. PM đã chính thức dừng các hoạt động tại công trường kể từ ngày 15/3/2019, rút giám đốc công trường về nước kể từ ngày 29/3/2019.

Với thực trạng rối như tơ vò của Dự án, do nghẽn từ tổng thầu kéo theo hàng loạt hệ lụy, Nhiệt điện Long Phú 1 đang hiển hiện nguy cơ “đắp chiếu hàng ngàn tấn thiết bị” đã được lắp đặt.

Ngoài ra, theo báo cáo của PVN, hiện còn khoảng 20.000 tấn thiết bị đang lưu kho bãi, chưa thể lắp đặt do tổng thầu PM cấp không đầy đủ vật tư phụ, hoặc không cung cấp đúng trình tự để lắp đặt khoảng 6.500 tấn thiết bị, cùng khoảng 14.000 tấn thiết bị không thể lắp đặt vì không có giám sát kỹ thuật của PM và các nhà thầu phụ.

Bản thân PVN cũng chưa thể xác định được tiến độ khả thi dự án nhiệt điện tỷ đô này.

Tiếp quản cũng không dễ

“Việt Nam đã tính đến những phương án có thể tiếp quản lại dự án và có thể có tổng thầu mới ở trong nước hoặc đối tác khác để thực hiện”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin tới các đại biểu Quốc hội về hướng xử lý dự án này trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Nhưng, tiếp quản cũng không dễ, bởi những vướng mắc trong dự án này quá phức tạp, trong khi đàm phán giữa chủ đầu tư là PVN với nhà thầu PM chưa giải quyết được vấn đề, thì hiện nay, tổng thầu PM đã trình hồ sơ và kiện PVN ra trọng tài Singapore. Các khiếu kiện chính của PM bao gồm: PM coi lệnh cấm vận của Mỹ là bất khả kháng; PM khiếu nại PVN không thực hiện thanh toán cho PM; PM cho rằng, PVN không có cơ sở khi rút Bảo đảm thực hiện hợp đồng của PM.

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, về các dự án điện, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công thương chịu trách nhiệm chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của ngành điện như dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2... bảo đảm tiến độ hoàn thành. Đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2019.    

“Các phương án để xử lý vướng mắc của dự án này thì Chính phủ vẫn đang chỉ đạo tiếp tục phối hợp, không chỉ giới hạn trong phạm vi của chủ đầu tư là PVN, mà phải có những cơ chế liên chính phủ giữa Nga và Việt Nam để tiếp tục xử lý”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ Công thương đã chỉ đạo và thực hiện những chủ trương của Chính phủ, đôn đốc và phối hợp cùng với các bộ: Tư pháp, Ngân hàng nhà nước, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, triển khai các hoạt động với chủ đầu tư là PVN và làm việc với phía Chính phủ Nga rất nhiều lần, trong nhiều cơ chế và nhiều diễn đàn.

“Sắp tới sẽ có những chỉ đạo cụ thể hơn nữa của Chính phủ để tiếp tục giải quyết vướng mắc cho Dự án”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Long Phú 1, với các khó khăn, vướng mắc hiện nay của Dự án, việc xác định chính xác tiến độ vận hành thương mại của nhà máy chỉ có thể thực hiện sau khi có phương án tiếp tục triển khai Dự án và được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Hiện nay, việc cấp bách trên công trường Dự án chính là công tác bảo quản các hạng mục, thiết bị. Theo báo cáo, lũy kế khối lượng hàng về công trường đến nay đạt khoảng 79.623 tấn. Trong đó, khối lượng vật tư, thiết bị đã lắp khoảng 58.922 tấn; khối lượng vật tư, thiết bị chưa lắp đặt khoảng 22.892 tấn.

Các hạng mục đang thi công dở dang được các bên xác định là công việc cấp bách cần tiếp tục thực hiện đến điểm dừng kỹ thuật để tiến hành bảo quản trong thời gian dài, gồm hạng mục lò hơi; hạng mục hệ thống lọc bụi tĩnh điện; hạng mục cửa nhận nước; hạng mục ống khói...

Chia sẻ về Dự án Nhiệt điện Long Phú 1, ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng Thành viên PVN cho rằng, những khó khăn của Dự án là khách quan với PVN, khi nhà thầu PM vướng phải lệnh cấm vận của Mỹ. "Hiện chúng tôi phải quản lý, bảo dưỡng để các thiết bị, vật tư không bị hỏng", ông Sơn nói.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng nêu một loạt lo ngại về hiệu quả của Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 do PVN là chủ đầu tư. Ủy ban này cho rằng, nguồn vốn sở hữu của PVN hiện nay rất hạn hẹp, PVN cần làm rõ khả năng tăng đầu tư từ vốn chủ sở hữu để hoàn thành Nhiệt điện Long Phú 1, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định liên quan tới Dự án.

Tin bài liên quan