Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng mà còn góp phần quan trọng tạo việc làm, thu nhập cho người lao động
Điều này càng trở nên quan trọng hơn, bởi số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, qua 9 tháng, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước mới đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2020 (56,33%). Trong đó, vốn trong nước đạt 51,71% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,65%). Tỷ lệ này là khá thấp, nhất là với phần vốn nước ngoài.
Thậm chí, theo số liệu tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, mới có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. Ngược lại, có tới 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương đến hết tháng 9/2021 mới giải ngân được dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã giao từ đầu năm 2021. Đặc biệt, có đơn vị cho tới giờ này vẫn chưa giải ngân được đồng nào.
Thực tế trên khiến Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột.
Lý do là giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, mà còn góp phần quan trọng tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Năm ngoái, chủ yếu nhờ giải ngân đầu tư công đạt trên 95%, nên kinh tế Việt Nam mới có được tốc độ tăng trưởng dương 2,91%.
Năm nay, kinh tế càng khó khăn hơn, nên Chính phủ càng sốt ruột. Sốt ruột cũng phải, bởi cho tới thời điểm này, vẫn còn tới 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư chưa được giải ngân. Thậm chí, còn khoảng 16.000 tỷ đồng chưa được phân bổ, cho dù chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2021.
Có những lý do cố hữu và cũng có những lý do đặc biệt cho sự chậm trễ này, theo đó Covid-19 là một biến số khó lường nhất. Nhưng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đã chỉ ra rằng, có những nguyên nhân xuất phát từ yếu tố chủ quan. Chẳng hạn như công tác chuẩn bị dự án, giao kế hoạch ở một số địa phương còn thiếu chủ động; công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét…
Như vậy, vấn đề chính vẫn nằm ở khâu triển khai, thực hiện. Bởi thế, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng đã phê bình hàng loạt bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.
Đúng là có vấn đề ngay từ khâu chuẩn bị. Tương tự năm ngoái, năm nay tiếp tục lặp lại chuyện có đơn vị xin trả lại vốn vì không thực hiện được, trong khi đó, số đơn vị “xin thêm” vốn đầu tư không nhiều.
Số liệu thống kê cho thấy, cũng ở thời điểm này năm ngoái, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 56,33%, nhưng cuối năm, đã giải ngân được 95%. Như vậy, cuối năm sẽ là thời điểm giải ngân vốn đầu tư công tăng đột phá. Bởi thế, nhiều kỳ vọng đang đặt ra vào quý cuối cùng của năm.
Song đó không chỉ là kỳ vọng, mà là nhiệm vụ, là đòi hỏi của nền kinh tế. Nếu năm nay, giải ngân không tốt, thì tất yếu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh rằng, đẩy mạnh đầu tư công chính là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và rằng, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công có tác động lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.
Có 5 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, trong đó có việc điều chỉnh ngay các quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giải phóng mặt bằng…Và quan trọng không kém là trách nhiệm của người đứng đầu, phải coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Ngoài ra, cần kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật, cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công…
Không thể chậm trễ hơn và không còn chỗ cho sự lơ là, thiếu trách nhiệm. Hơn bao giờ hết, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phải là nhiệm vụ then chốt của nền kinh tế.