Nhiệm vụ… không thể “bất khả thi”

Nhiệm vụ… không thể “bất khả thi”

(ĐTCK) Có quá nhiều vấn đề phức tạp đặt ra đối với ngành ngân hàng và những thách thức đó vẫn còn trong năm 2013, nhưng không thể không vượt qua.

Nhiệm vụ… không thể “bất khả thi” ảnh 1

Tiền tệ: Thắt có quá chặt?

Có thể khẳng định, việc lạm phát giảm mạnh từ mức 18,58% trong năm 2011 xuống còn 6,81% trong năm 2012 mang đậm dấu ấn của chính sách tiền tệ, khi tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng khoảng 20%, tín dụng tăng cỡ 7% - rất thấp so với nhiều năm trở lại đây. Thế nhưng, không thể phủ nhận, việc lạm phát giảm đột ngột do tiền tệ bị thắt khá chặt, tín dụng tăng thấp cũng gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Đó là tổng cầu sụt giảm mạnh, khiến tăng trưởng thấp, sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tồn kho lớn. Tất cả những yếu tố này đã cộng hưởng, đẩy nợ xấu ngân hàng tăng nhanh, hiện chiếm tới 10% tổng dư nợ.

Trong năm 2012, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh về mức được đề ra từ đầu năm, nhanh hơn dự kiến. Lãi suất huy động giảm 3 - 6%/năm, lãi suất cho vay giảm 5 - 9%/năm so với cuối năm 2011 và đã trở về mức cuối năm 2007.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách điều hành lãi suất vẫn chủ yếu là xử lý tình huống, chạy theo lạm phát. Việc điều chỉnh lãi suất với tần suất dày đặc đã gây không ít khó khăn cho hoạt động của bản thân hệ thống các TCTD cũng như khối doanh nghiệp. Sở dĩ như vậy là do khâu dự báo lạm phát chưa thực sự tốt, trong khi NHNN hành động thận trọng. Bằng chứng là, những tháng cuối năm, rất nhiều tổ chức cũng như chuyên gia kinh tế dự báo, lạm phát năm nay không quá 7%, thế nhưng NHNN vẫn chờ đến khi số liệu lạm phát chính thức được công bố mới giảm lãi suất.

Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng, đặc biệt là lãi suất qua đêm có xu hướng giảm liên tục từ đầu năm đến cuối năm. Lãi suất kỳ hạn qua đêm giảm mạnh nhất từ 14,22%/năm đầu năm xuống còn trên dưới 2%/năm vào các tháng cuối năm; lãi suất kỳ hạn 1 tuần giảm tương ứng từ 13%/năm xuống còn 3%/năm. Doanh số thị trường cũng giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do các NHTM không mở rộng được tín dụng cả trên thị trường tín dụng và liên ngân hàng. Thị trường liên ngân hàng chỉ còn các ngân hàng lớn thừa vốn giao dịch, trong khi các ngân hàng nhỏ (thiếu vốn) bị đẩy ra khỏi thị trường do khả năng chi trả thấp. Sự sụt giảm của thị trường này đã làm gia tăng áp lực phá trần lãi suất tiền gửi và chạy đua lãi suất, đồng thời buộc các ngân hàng thừa vốn phải mua trái phiếu, tín phiếu với lãi suất th­ấp. “Điều này có thể làm xói mòn sức mạnh tài chính của cả hệ thống NHTM”, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định.

 

Thị trường vàng: Còn đó những câu hỏi ngỏ

Một thay đổi lớn trên thị trường vàng năm qua là ngày 3/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP thay thế Nghị định 174 về quản lý thị trường vàng. Điểm nổi bật nhất của nghị định này là việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. NHNN cũng đã chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia. Nghị định cũng siết lại hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng, vàng nữ trang; hoạt động xuất, nhập khẩu vàng. Theo đó, mặc dù vẫn công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp; quyền mua bán vàng miếng của người dân, doanh nghiệp, song Nghị định quy định, giao dịch phải được thực hiện tại các TCTD, doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép.

Thực tế cho thấy, thị trường vàng miếng đang từng bước được quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất tới lưu thông và có nhiều chuyển biến đáng kể. Đặc biệt, không còn cảnh “hỗn loạn” trên thị trường vàng, hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng mỗi khi giá vàng biến động như những năm trước đây. Thị trường ngoại tệ cũng không còn nổi sóng do hiện tượng thu gom ngoại tệ để nhập lậu vàng. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá vàng.

Tuy nhiên, việc chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia đã đẩy giá vàng SJC tăng vọt, thường xuyên chênh lệch đáng kể với vàng phi SJC và giá vàng quốc tế. Có thời điểm, chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá quốc tế lên tới 5 triệu đồng/lượng. Song, tại cuộc họp báo mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, Nghị định 24 không đặt vấn đề giá vàng trong nước và giá vàng thế giới phải sát nhau, mà đặt vấn đề bình ổn thị trường vàng trong nước.

Bên cạnh đó, mặc dù các TCTD đã không còn được huy động vàng kể từ 25/11/2012, song đến nay, NHNN vẫn chưa đưa ra được giải pháp để huy động nguồn lực vàng vốn rất lớn trong dân, ước tính khoảng 500 tấn, để phục vụ phát triển kinh tế. Nhiều chuyên gia đã hiến kế việc NHNN tổ chức huy động vàng thông qua các TCTD; hoặc phát hành tín phiếu vàng... rồi dùng nguồn vàng này để thế chấp vay ngoại tệ trên thị trường quốc tế; cũng như để bình ổn thị trường vàng trong nước. Thế nhưng, mọi đề xuất vẫn chỉ là đề xuất.

 

Xử lý nợ xấu: Còn thiếu đồng thuận

Nhìn lại một năm thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song nhìn chung vẫn đang diễn ra rất chậm, đặc biệt là việc xử lý nợ xấu. TS. Lê Xuân Nghĩa dẫn chứng, đề án xử lý nợ xấu đã được khởi động từ đầu năm, nhưng đến cuối năm mới trình. Thậm chí, đến giờ phút này, vẫn còn những ý kiến bất đồng về phương án xử lý nợ xấu như: sử dụng công ty mua bán nợ (AMC) tập trung hay AMC không tập trung; dùng tiền của ngân sách hay không dùng tiền của ngân sách?

“Theo tôi, hiện nợ xấu lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng mà lại đòi xử lý không cần dùng đến tiền của Nhà nước, thậm chí không dùng tiền thuế của dân để xử lý nợ xấu... nghe có vẻ rất yêu nước nhưng trên thực tế đó là tư duy ‘cải lương’. Xử lý nợ xấu không thể làm theo lối ‘lấy mỡ nó rán nó’ được. Bằng cách này hay cách khác, như sử dụng dự phòng rủi ro, phát hành trái phiếu thì cuối cùng vẫn là tiền của ngân sách, chỉ có điều, số tiền này bỏ ra rồi sẽ thu hồi về hoàn toàn”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS. Nghĩa phân tích, có thể về mặt kỹ thuật, Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm xử lý nợ xấu ở quy mô lớn, chưa có kinh nghiệm về công ty AMC tập trung. Theo đó, cũng phải khảo sát và nhờ tư vấn nước ngoài tham gia vào xây dựng đề án nên có thể chậm trễ. Đặc biệt, sự chậm trễ còn do chưa xác định được cơ quan nào sẽ đứng ra chịu hoàn toàn trách nhiệm và rủi ro về mặt chính trị trong việc xử lý nợ xấu.