Các đại biểu Quốc hội khẳng định sự trân trọng với kết quả nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ. Trong ảnh: Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Duy Linh

Các đại biểu Quốc hội khẳng định sự trân trọng với kết quả nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ. Trong ảnh: Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Duy Linh

Nhiệm kỳ “lửa thử vàng”

0:00 / 0:00
0:00
Một ngày thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, của Chính phủ đầu tuần này đã làm sâu sắc hơn kết quả của nhiệm kỳ “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Biển Đông chưa lặng sóng bao giờ

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), thành công lớn của Nhà nước trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 là đã tạo ra được sự ổn định trong toàn xã hội.

“Với bối cảnh trong một thế giới có những diễn biến rất phức tạp, Biển Đông kia chưa lặng sóng bao giờ, dịch giã ác liệt, thiên tai liên miên, dồn dập, thì việc ổn định được xã hội là rất khó khăn và có ý nghĩa hết sức lớn. Những năm qua, đất nước ta vẫn vững vàng đi lên, Tổ quốc ta vẫn hòa bình, độc lập, kinh tế vẫn tăng trưởng, nhân dân ta sống trong hòa bình, Chỉ số Hạnh phúc được thăng hạng... Tất cả những thành công đó là do có sự ổn định trong toàn xã hội Việt Nam”, ông Trí khái quát.

Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp đất nước phát triển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ vừa qua, vẫn theo lời đại biểu Nguyễn Anh Trí, là do Nhà nước vì dân, có những vị lãnh đạo vì dân.

“Cảm động vô cùng với một vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có mái đầu bạc trắng hiên ngang với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc”, vị đại biểu Hà Nội bày tỏ.

“Trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước và Chính phủ hoạt động trong điều kiện có quá nhiều khó khăn, thách thức, mà Thủ tướng Chính phủ đã so sánh như hình ảnh một con tàu vượt qua hải trình dồn dập bão tố, nhưng cuối cùng cũng đã cập bến vinh quang”, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tham gia thảo luận.

Trong khi đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã khép lại được khoảng cách giữa lời nói và việc làm khi đẩy mạnh được cuộc chiến chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. “Đây là cuộc chiến sinh tử của Đảng ta để bảo vệ chính mình, giữ lại được niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ và tạo ra những động lực mới cho sự nghiệp phát triển nước nhà”, ông Lộc nhìn nhận.

Với riêng báo cáo của Chính phủ, một dấu ấn nổi bật được nhiều vị đại biểu nhắc đến, đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát nợ xấu ngân hàng từ mức báo động cao, gấp 6 lần giới hạn đã giảm xuống dưới ngưỡng an toàn 3%, trong bối cảnh lãi suất điều hành giảm; đã đưa nợ công giảm sâu gần 10 điểm, từ sát kịch trần, xuống 55,3% GDP.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhìn nhận, đây là điều kiện thuận lợi rất tốt cho những nhiệm kỳ tới, có dư địa để tăng nguồn lực đầu tư bằng nguồn vốn vay; sử dụng kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, trên quan điểm tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Vẫn còn cán bộ không chịu làm việc

Sau khi khẳng định sự trân trọng với kết quả của nhiệm kỳ “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đại biểu Nguyễn Thái Học phản ánh, người dân vẫn quan tâm, lo lắng về những tồn tại, hạn chế kéo dài qua nhiều năm và cũng có thể nói là qua nhiều nhiệm kỳ, nhưng chậm được chấn chỉnh, khắc phục.

Một trong những tồn tại, hạn chế được Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ chỉ ra, đó là việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm, trình độ hạn chế, ngại va chạm.

“Điều mà người dân quan tâm và đặt vấn đề, đó là một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng nhu cầu này là những ai, ở đâu và đã được phát hiện, xử lý như thế nào? Vì sao trong khi nhiều đồng chí lãnh đạo và đa số cán bộ đang ngày đêm làm việc, trăn trở suy nghĩ và hành động vì vận mệnh quốc gia, dân tộc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, luôn gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm, toàn ý phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về quá trình thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, thì vẫn còn đó một bộ phận cán bộ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không chịu làm việc và ngại va chạm”, vị đại biểu Phú Yên đặt vấn đề.

Và theo đại biểu Nguyễn Thái Học, chính vì thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm, nên dẫn đến tình trạng việc phải làm, cần làm nhưng không làm được; nói không đi đôi với làm; khi làm đôi khi lại làm không đúng những điều đã nói. Chính vì ngại va chạm, nên điều đúng, lẽ phải đôi khi không được tôn trọng, bảo vệ; điều sai, cái ác không bị lên án, đấu tranh.

“Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ không đạt được, nhiều việc phải làm và trong khả năng làm được, nhưng đã không hoàn thành; những mong muốn, đòi hỏi của người dân về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, vì dân có mặt chưa trở thành hiện thực”, ông Học thẳng thắn.

Cũng quan tâm đến hạn chế của nhiệm kỳ này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, những sai phạm trong quản lý tài nguyên, đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản không chỉ ở mức độ “kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng ở một số nơi” như Chính phủ nêu tại Báo cáo, mà là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xảy ra có hệ thống, ở nhiều nơi.

Vị đại biểu Đà Nẵng nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng, khiếu kiện dai dẳng về đất đai là những quy định chưa phù hợp của Luật Đất đai. Chính vì nhận thấy điều này mà Chính phủ đã trình và Quốc hội đã quyết định đưa Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. “Tuy nhiên, Chính phủ đã liên tục đề nghị lùi thời điểm trình dự án luật này và cho tới nay, hết nhiệm kỳ vẫn chưa trình Quốc hội được Dự thảo Luật”, bà Thúy nhấn mạnh.

Phản ánh ý kiến của cử tri, thông tin về đất đai ở nhiều địa phương cho đến nay vẫn thiếu minh bạch, bà Thúy so sánh, ở các nước, thông tin cần thiết về đất đai đã được công khai từ rất lâu, người dân cứ đến cơ quan nộp lệ phí là xem được. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, thì việc làm này còn dễ dàng hơn, nhưng chúng ta không thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 28, Luật Đất đai; không công khai thông tin khiến đủ thứ rủi ro, mà thiệt hại lớn nhất thuộc về người dân.

Theo bà Thúy, việc thực thi pháp luật kém có trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, nhưng trách nhiệm chính vẫn là của Chính phủ và UBND các cấp. “Tôi mong rằng, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết giải quyết tình trạng này”, bà Thúy bày tỏ.

Hôm nay, tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ nhậm chức

Theo chương trình Kỳ họp thứ 11, sáng nay, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín và kết quả được công bố ngay sau đó. Nghi lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra ngay sau khi Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu chức danh trên.

Ngoài Chủ tịch Quốc hội, các chức danh còn lại, theo quy định của Hiến pháp là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đều phải tuyên thệ trước Quốc hội. Kỳ họp này, Quốc hội mới kiện toàn 3/4 chức danh trên, chưa kiện toàn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

Lời tuyên thệ có một điểm chung là tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp. Phần liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình, thì mỗi người ở vị trí khác nhau, lời tuyên thệ cũng khác nhau.

Năm kỳ vọng với tân Chủ tịch Quốc hội

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ 5 kỳ vọng vào người kế nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Thứ nhất, mong Chủ tịch Quốc hội mới quan tâm để hoạt động của Quốc hội càng công khai càng tốt, nên cho truyền hình trực tiếp toàn bộ các phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Thứ hai, tân Chủ tịch Quốc hội tạo điều kiện để cử tri giám sát được đại biểu tốt hơn thông qua việc công khai kết quả bấm nút các vấn đề được đưa ra biểu quyết tại Quốc hội.

Thứ ba, trong chất vấn, sẽ linh hoạt và quyết liệt, dành thời gian truy đến cùng của vấn đề được đưa ra chất vấn.

Thứ tư, mong muốn tân Chủ tịch Quốc hội tiếp tục đổi mới kỳ họp, không câu nệ về thời gian hành chính để các đại biểu đăng ký đều có thể phát biểu ý kiến của mình. Quốc hội mỗi năm chỉ họp hai kỳ, đại biểu cần làm trọn trách nhiệm với cử tri. Phát biểu tại Quốc hội không phải để thể hiện, mà nếu phiên họp đó được truyền hình trực tiếp, thì cử tri mới giám sát được đại biểu có đại diện được cho ý chí, nguyện vọng của mình không. Như hiện tại, mỗi buổi thảo luận tại hội trường chỉ đủ thời gian cho 20 - 25 đại biểu, trong khi có phiên thảo luận danh sách đăng ký gấp đôi số đó.

Thứ năm, trong lĩnh vực giám sát, quyết liệt hơn nữa để phúc đáp yêu cầu của cử tri; trong thực hiện kết luận giám sát, cần phải có ứng xử đủ mạnh để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Tin bài liên quan