Đó là thông điệp cơ bản được bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ trong cuộc trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2016.
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong vòng 5 năm tới là gì, thưa bà?
Việt Nam đã trải qua hơn hai thập kỷ kể từ khi bắt đầu quá trình đổi mới nền kinh tế sang cơ chế thị trường định hướng XHCN và mở cửa thương mại, đầu tư, đến nay đã đạt được những tiến bộ rất lớn trên mọi bình diện kinh tế - xã hội. Kinh tế Việt Nam đã có thế và lực hơn trước rất nhiều, hứa hẹn triển vọng đầu tư cho nhiều DN nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là tiền đề để kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng bứt phá mạnh mẽ và phát triển hơn nữa cho đến năm 2020.
Giai đoạn 5 năm sắp tới, 2016 - 2020, quá trình đổi mới ngành ngân hàng sẽ phải diễn ra nhanh hơn, triệt để hơn, với những bước đi vững chắc và nhấn mạnh tới các yếu tố ổn định, bền vững trong phát triển khu vực ngân hàng. Đồng thời, phải tính đến những thay đổi trong bối cảnh kinh tế quốc tế với những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, cũng như sự thay đổi trong môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam khi mà độ mở của nền kinh tế sẽ lớn hơn.
à Nguyễn Thị Hồng
Do đó, việc xác lập nhiệm vụ và mục tiêu trọng tâm của chính sách tiền tệ cũng như điều hành ngân hàng trong 5 năm tiếp theo cần phải được đặt trong tổng thể phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 5 năm 2016-2020 của Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Việc điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2016-2020 đặc biệt nhấn mạnh yếu tố thị trường trong xây dựng và điều hành chính sách; đảm bảo tính liên thông và phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; từng bước dịch chuyển, hình thành các điều kiện cần thiết để xác lập mục tiêu ưu tiên hàng đầu là ổn định tỷ giá, thay cho đa mục tiêu.
Theo đó, giai đoạn 5 năm sắp tới, xác định những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên bao gồm:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả điều hành công cụ lãi suất; tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở theo hướng là công cụ hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sát với lãi suất định hướng thị trường của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); tiếp tục thực hiện cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý; điều hành tỷ giá linh hoạt với việc áp dụng cách thức công bố tỷ giá trung tâm hướng nhiều hơn đến việc khuyến khích phân bổ nguồn lực hiệu quả và có hàm lượng thông tin tốt hơn, hạn chế các giao dịch trên thị trường phi chính thức.
Đối với quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, cần được đổi mới theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo hài hòa các mục tiêu an toàn, thanh khoản và sinh lời; Tăng cường công tác phân tích và dự báo để xây dựng cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước trong từng thời điểm và giai đoạn nhất định; tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế tình trạng đô - la hóa trong nền kinh tế.
Đồng thời, tạo lập thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững, đảm bảo biến động của giá vàng không tác động đến thị trường ngoại tệ và sự ổn định vĩ mô; kiên định mục tiêu hạn chế vàng hóa trong nền kinh tế.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Chính phủ yêu cầu NHNN đẩy mạnh chương trình cơ cấu lại toàn diện hệ thống TCTD. Điều này có nghĩa tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chưa dừng lại, sẽ có những kế hoạch và bước đi cụ thể tiếp theo. Xin bà cho biết các nét lớn của kế hoạch tái cấu trúc này?
Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 (Đề án 254) đã nêu, cơ cấu lại hệ thống các TCTD và từng TCTD là một quá trình thường xuyên, liên tục. Mục tiêu đặt ra nhằm khắc phục những khó khăn, yếu kém và chủ động đối phó với những thách thức để các TCTD không ngừng phát triển một cách an toàn, hiệu quả, vững chắc và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 đặt mục tiêu tập trung lành mạnh hóa tình hình tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD, nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Đến năm 2020, phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu. Đồng thời, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
Như vậy, có thể nói, tái cơ cấu hệ thống TCTD là một việc làm thường xuyên của NHNN và của từng TCTD. Giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lực và khuôn khổ pháp lý, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả to lớn, khắc phục về cơ bản những tồn tại, yếu kém của hệ thống, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của hệ thống các TCTD. Những nhiệm vụ đã và đang triển khai, những thành quả đã đạt được trong giai đoạn này sẽ là cơ sở, nền tảng quan trọng cho NHNN và các TCTD tiếp tục tái cơ cấu trong thời gian tới.
Tiếp nối thành quả của giai đoạn 2011-2015, trong thời gian tới đây, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để tiếp tục cơ cấu lại triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phát triển mạnh mẽ, vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả. Mục tiêu nhằm góp phần xoá đói, giảm nghèo và gia tăng khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn có nhiều khó khăn; để đến năm 2020, sẽ đạt được những mục tiêu như đã đề ra tại Đề án 254.
Ngành ngân hàng đang lớn mạnh cùng nền kinh tế đất nước
Với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hoàn tất thỏa thuận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), giai đoạn 2016 - 2020 được dự báo trở thành giai đoạn nổi bật trong hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. NHNN đã có sự chuẩn bị như thế nào?
Ngoài trụ cột về điều hành chính sách và thực hiện công tác cơ cấu hệ thống các TCTD, củng cố cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển hệ thống thanh toán cũng là một công tác quan trọng. Vì vậy, NHNN xác định việc củng cố và hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, đáp ứng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế hướng tới hội nhập là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành hoạt động ngân hàng. Cụ thể:
Một là, xây dựng chuẩn thẻ chip nội địa và triển khai kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam với lộ trình thích hợp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác và phát triển nhiều dịch vụ gia tăng trên thẻ;
Hai là, xây dựng các chuẩn mực giám sát và phạm vi áp dụng theo các nguyên tắc cốt lõi dành cho các hệ thống thanh toán do Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS phát triển; Thiết lập lộ trình áp dụng, phạm vi áp dụng và thực hiện đánh giá định kỳ các hệ thống thanh toán theo các chuẩn mực ban hành. Tổ chức triển khai Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam đến 2020. Tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, thanh toán quốc tế; các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới;
Ba là, triển khai quy hoạch lại mạng lưới ATM trên toàn quốc đảm bảo nguyên tắc lợi ích quốc gia, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể và thống nhất vai trò quản lý của NHNN thông qua NAPAS;
Bốn là, tập trung phát triển và hoàn thiện các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế, thực hiện vai trò trung tâm thanh toán của NHNN, hội nhập thành công vào hệ thống thanh toán ASEAN vào năm 2020…
Năm là, thúc đẩy thanh toán bán lẻ xuyên biên giới có sự liên kết với hệ thống chuyển tiền xuyên biên giới. Ban hành quy định cụ thể liên quan đến việc yêu cầu các giao dịch thẻ nội địa phải sử dụng dịch vụ chuyển mạch thẻ trong nước với khu vực. Nghiên cứu phát huy tiềm năng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa trong giao dịch xuyên biên giới thông qua việc tận dụng các thỏa thuận kết nối song phương hiện hữu giữa các hệ thống thanh toán thẻ khu vực và quốc tế…
Nhìn lại giai đoạn 2011-2015, bà có thể chia sẻ điều gì, cả về kinh nghiệm thành công và những điều còn cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa của hệ thống ngân hàng?
Giai đoạn 2011-2015 đánh dấu nỗ lực to lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, sản xuất - kinh doanh chậm phục hồi, hệ thống ngân hàng đứng trước vô vàn thách thức với những vấn đề nóng như lãi suất, tỷ giá, kinh doanh vàng, thanh khoản, nợ xấu... Vượt qua các trở ngại, công cuộc tái cơ cấu hệ thống TCTD về cơ bản đã thành công, góp phần tích cực thúc đẩy sự thành công của Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu bảo đảm không sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước mà tận dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn lực xã hội để giải quyết các khó khăn, tồn tại của hệ thống TCTD. Ngành ngân hàng đã ưu tiên mở rộng mạng lưới và tăng cường nguồn vốn tín dụng tại các vùng nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ, thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương và phát huy lợi thế của từng vùng. Từ đó đã góp phần cho sự phục hồi khả quan của nền kinh tế, giữ vững an ninh tiền tệ - tài chính, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Nhìn lại thành công này, ngành ngân hàng có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như:
Bám sát và tranh thủ tối đa sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, đồng thời chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp một cách kịp thời và khả thi trên cơ sở các quy định của pháp luật nhằm mục tiêu cao nhất là sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng, lợi ích của nền kinh tế.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt trong công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, xử lý các sai phạm phát sinh trong ngành ngân hàng. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, khuôn khổ pháp lý không thể bao trùm hết được những vấn đề phát sinh trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Vì vậy, cần có sự đồng thuận về quan điểm và hành động giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong xử lý các vấn đề phát sinh, là cơ sở quan trọng để tạo niềm tin trong xã hội và thúc đẩy tái cơ cấu nhanh các ngân hàng yếu kém.
Song song với đó, việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, các quan điểm, nguyên tắc, giải pháp quy định tại các Đề án. Quá trình triển khai thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch nhằm mục tiêu cao nhất là bảo vệ tài sản nhà nước, quyền lợi của người gửi tiền, giữ vững sự ổn định và an toàn của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để đạt được sự đồng thuận và ủng hộ cao nhất của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của ngành ngân hàng, nhất là công cuộc cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, duy trì và giữ vững niềm tin của người dân vào hoạt động của hệ thống TCTD, góp phần bảo đảm an ninh tiền tệ, kỷ cương, kỷ luật trên thị trường ngân hàng.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành ngân hàng vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là cần phải xử lý thận trọng một số vấn đề lớn tồn tại từ lâu, có tính hệ thống và mất nhiều thời gian như năng lực quản trị điều hành, nợ xấu, thiếu vốn, đầu tư rủi ro quá mức thiếu sự kiểm soát, sở hữu chéo, cổ đông lớn chi phối ngân hàng, tính minh bạch công khai... Bên cạnh đó, những bất ổn trên thị trường quốc tế, đặc biệt thị trường tài chính luôn rình rập tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, chính sách tiền tệ nói riêng. Do đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phải nỗ lực hơn nữa để giữ vững những thành quả đã đạt được và tiếp tục duy trì dự an toàn lành mạnh và phát triển bền vững của hệ thống TCTD.
Mặc dù nhiệm vụ năm 2016 và những năm tiếp theo với đất nước và ngành ngân hàng rất lớn, nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng, với những nỗ lực, cố gắng của tập thể ngành ngân hàng từ Trung ương đến địa phương, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ giao phó.