Bản thân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn hy vọng có thể thuyết phục ông Donald Trump chấp nhận những giá trị chiến lược mà các quốc gia thành viên TPP đã nỗ lực đàm phán.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết, ông sẽ nêu rõ quan điểm với ông Trump về tầm quan trọng của thương mại tự do. Sau đó, Thủ tướng Abe sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh các nước thành viên TPP bên lề một hội nghị cấp cao các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Peru, nhằm tìm kiếm sự nhất trí từ các nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP trong việc thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Hiệp định tại mỗi nước.
“Tôi tự tin rằng, Mỹ cũng sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của việc tạo dựng các quy tắc toàn cầu mới trong khuôn khổ tự do thương mại, bao gồm TPP”, ông Abe nói.
Việc ông Abe vẫn hy vọng có thể thuyết phục Mỹ là có cơ sở. Trong trường hợp xấu nhất, nếu chôn vùi TPP, Nhật Bản và những nước thành viên còn lại cũng sẽ vẫn duy trì một giải pháp mở cho sự quay lại của Mỹ. Các công ty Mỹ có lợi ích từ việc thực hiện các quy định của TPP trong khu vực, nhằm đẩy mạnh việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng lưu thông các dòng chảy dữ liệu, cải thiện luật cạnh tranh... Tuy nhiên, do không có TPP, nên họ tiếp tục phải chịu thiệt hại từ việc ngăn chặn các tiêu chuẩn tiến bộ về thương mại và đầu tư.
Người dân Mỹ có thể sẽ hết hứng thú với những lời hứa hẹn rằng, chủ nghĩa bảo hộ có thể sửa đổi những vấn đề của nước Mỹ sau giai đoạn suy thoái và mất việc làm. Khi chủ nghĩa dân túy mất đi ánh hào quang, Mỹ sẽ phải xem xét lại chính sách ngoại giao thương mại, tìm kiếm sự tiếp cận với một khuôn khổ thương mại đã có, trong đó việc tiếp tục triển khai còn dễ dàng hơn nhiều so với việc đàm phán lại.
Trong bối cảnh sự hồi sinh của chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng trỗi dậy, giá trị của TPP ngày càng quan trọng. Vì thế, tương lai của TPP có vai trò quan trọng đối với lợi ích của không chỉ Nhật Bản, mà còn của những nước thành viên khác. Trước đó, Hạ viện Nhật Bản ngày 10/11 đã bỏ phiếu phê chuẩn TPP và thông qua một dự luật liên quan đến hiệp định này. Điều này như một thông điệp rõ ràng mà Nhật Bản muốn gửi đến Mỹ về quyết tâm thông qua TPP.
Về phần mình, Mexico và một số nền kinh tế đang nổi khác đã lên tiếng kêu gọi điều chỉnh các điều khoản của TPP, để đưa hiệp định này có hiệu lực mà không cần tư cách thành viên của Mỹ. Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski cho rằng, TPP có thể được thay thế bằng một thỏa thuận thương mại tương tự không bao gồm Mỹ, đồng thời gợi mở về đề xuất bổ sung thêm Nga và Trung Quốc vào nhóm.
Tuy nhiên, việc chính quyền mới của Mỹ nói “không” với TPP sẽ là một đòn giáng mạnh vào kế hoạch của Tokyo, nhằm tạo dựng một trật tự kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương xoay quanh Nhật Bản và Mỹ. Một số quan chức Mỹ đang lên tiếng xây dựng một thỏa thuận thương mại tự do song phương với Nhật Bản, song không nhiều người tin rằng, một thỏa thuận tương tự những điều khoản như TPP có thể được đàm phán dưới sự bảo hộ thương mại của chính quyền Donald Trump.
Ông Trump từng tuyên bố, nếu Nhật Bản muốn áp thuế 38% đối với thịt bò Mỹ, thì Washington cũng sẽ phản ứng lại, với mức áp thuế tương tự đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản.
Giáo sư kinh tế Yorizumi Watanabe tại Đại học Keio nhận định, giá trị TPP dù sao cũng suy giảm đáng kể nếu không có sự tham gia của Mỹ. Nếu TPP không trở thành hiện thực, tập trung chính sách của Nhật Bản có thể thay đổi và điều chỉnh sang Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đáng chú ý, Mỹ không phải là một phần của RCEP, mà chính Trung Quốc sẽ là “tay chơi” lớn nhất, nếu tính trên giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong nhóm thành viên RCEP.
Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số lo ngại rằng, RCEP sẽ thiết lập một tiêu chuẩn thấp hơn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và môi trường. Một số nhà phân tích khác cũng chung quan điểm cho rằng, nếu đàm phán RCEP khởi động sớm hơn, vận mệnh của TPP được quyết định rõ ràng, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ rơi vào một khuôn khổ thương mại mà Trung Quốc sẽ dẫn dắt, thay vì Mỹ và Nhật Bản.