Thủ tướng Taro Aso hy vọng rằng gần 144 tỷ USD sẽ giúp kinh tế Nhật Bản tăng thêm 2 điểm phần trăm của tăng trưởng GDP trong năm tài chính 2009. Ảnh: Telegraph

Thủ tướng Taro Aso hy vọng rằng gần 144 tỷ USD sẽ giúp kinh tế Nhật Bản tăng thêm 2 điểm phần trăm của tăng trưởng GDP trong năm tài chính 2009. Ảnh: Telegraph

Nhật Bản thông qua gói kích thích trị giá gần 144 tỷ USD

Hôm cuối tuần, Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế thứ tư và lớn nhất từ trước đến nay có trị giá gần 144 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đã suy giảm 6 tháng liên tiếp.

Hôm cuối tuần, quốc hội Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế kỷ lục 13,93 nghìn tỷ yen, tương đương với 143,73 tỷ USD. Với số tiền này, chính phủ Nhật hy vọng có thể vực dậy nền kinh tế đã suy giảm 6 tháng liên tiếp.

 

Đây là ngân sách bổ sung trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/3009, thêm vốn vào gói kích thích kinh tế gần đây do chính quyền của Thủ tướng Taro Aso đưa ra. Hơn 143 tỷ USD được dùng vào việc cắt giảm thuế, chi tiêu công, hỗ trợ người thất nghiệp, thúc đẩy sức tiêu thụ xe hơi và hàng điện tử.

 

"Gói ngân sách được thông qua tạo một cú hích đối với nền kinh tế. Suy thoái đã khiến cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước Nhật bị suy giảm nghiêm trọng. Rõ ràng chính phủ phải làm một điều gì đó", Toshihiro Nagahama, chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life nói.

 

Đây là gói kích thích kinh tế thứ 4 kể từ hồi tháng 8 năm ngoái và có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử nền kinh tế lớn nhất châu Á. Chính phủ nước này đã thể hiện quyết tâm cao nhất nhằm chống chọi lại với thời kỳ khó khăn. GDP Nhật Bản trong tháng 4 đã suy giảm tới 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Hôm thứ Sáu, thống kê cho thấy sản lượng sản xuất hàng công nghiệp Nhật Bản trong tháng 3/2009 tăng 5,2%, cao hơn số liệu tháng trước đó. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp ngành công nghiệp Nhật khởi sắc, báo hiệu kim ngạch xuất khẩu đang dần phục hồi.

 

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn đang ở mức đáng báo động. Trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản tăng lên gần 5%, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Người dân chi tiêu ít đi và giá cả tại thành phố đắt đỏ nhất thế giới Tokyo giảm 0,7%, gây lo ngại về tình trạng giảm phát.

 

Trong khi chính phủ Nhật Bản bơm một lượng tiền khổng lồ để vực dậy nhu cầu trong nước, nhiều chuyên gia lại lo lắng rằng gói kích thích có thể gây hại cho nền kinh tế. Để có được khoản tiền 143 tỷ USD, chính phủ Nhật đã phái bán ra 10,8 nghìn tỷ yen trái phiếu, đưa tổng số trái phiếu chính phủ phát hành từ tháng tư đến nay lên 44 nghìn tỷ yen.

 

Phe đối lập của Thủ tướng Taro Aso lên tiếng cho rằng, nhiều khoản chi trong gói kích thích lãng phí tiền bạc của nhân dân, và đặt câu hỏi về tính hiệu quả của 143 tỷ USD này.