Nhập siêu từ Trung Quốc có thể lên đến 37,6 tỷ USD

Các chỉ số thống kê cho thấy, nhập siêu từ Trung Quốc đã liên tục tăng lên và đạt đỉnh điểm vào năm 2014. Với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vừa qua, nhiều khả năng nhập siêu của Việt Nam từ nước này trong năm nay sẽ đạt đỉnh điểm mới.

Trong 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 9,3 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 28,8 tỷ USD

Trong 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 9,3 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 28,8 tỷ USD

Trong 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 9,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 31% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập siêu ở mức 19,5 tỷ USD, tăng 30,7%, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên đến 207,7%.

Đó là những con số rất cao và là nguyên nhân làm mất cân đối cán cân thương mại, tác động tiêu cực đến việc ổn định tỷ giá.

Với diễn biến trong 7 tháng đầu năm, dự báo cả năm xuất khẩu đạt 16,1 tỷ USD, nhập khẩu 53,7 tỷ USD, nhập siêu lên đến 37,6 tỷ USD, vượt xa so với mức nhập siêu trong cả năm trước và tăng 223,5%. Tuy nhiên, dự báo này với giả thiết diễn biến như 7 tháng đầu năm, trong khi 5 tháng cuối năm sẽ có những yếu tố mới tác động.

Yếu tố thứ nhất, cũng là yếu tố lớn nhất tác động đến xuất khẩu, nhập khẩu và nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là tỷ giá. Vừa qua, trong 3 ngày liên tiếp, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ tới 4,6% - mức phá giá mạnh nhất trong vòng hai thập kỷ.

Khi Trung Quốc phá giá đồng nội tệ, tức là tỷ giá đồng nhân dân tệ/USD tăng, sẽ làm giá xuất khẩu (tính bằng nội tệ của các nước nhập khẩu hàng từ Trung Quốc) giảm xuống, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu. Trong khi đó, giá nhập khẩu (tính bằng nhân dân tệ) sẽ đắt lên, làm cho nhập khẩu vào Trung Quốc khó khăn hơn.

Như vậy, xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên do giá hàng nhập từ Trung Quốc tính bằng VND sẽ rẻ hơn trước. Do đó, nhập siêu từ Trung Quốc có thể còn tăng cao hơn so với dự đoán trên.

Yếu tố thứ hai là cơ hội giảm thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì thuế suất thấp chỉ áp dụng đối với các mặt hàng có xuất xứ ở trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước tham gia Hiệp định. Để tận dụng cơ hội đó, nhiều nước sẽ đẩy mạnh đầu từ vào Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam, thay vì nhập khẩu các mặt hàng này.

Trong số các quốc gia đầu tư lớn và tập trung nhiều hơn cho các mặt hàng như dệt may để tận dụng cơ hội trên có Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng cũng có nghĩa là, lượng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng, nên cũng sẽ làm cho kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng.

Để hạn chế tác động của các yếu tố trên, cần thực hiện nhiều giải pháp.

Trước hết, yếu tố quan trọng nhất đối với nhập siêu là sức cạnh tranh. Do vậy, biện pháp quan trọng là nâng cao hiệu quả đầu tư và năng suất lao động của sản phẩm sản xuất trong nước.

Một yếu tố quan trọng khác tác động trực tiếp đến quan hệ thương mại là đồng tiền được sử dụng để tính toán và thanh toán, nên cần có các biện pháp quản lý tốt đối với ngoại tệ.

Đồng thời, cần quyết liệt hơn nữa trong việc phòng chống nhập lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, nhất là biên giới phía Bắc.

Tin bài liên quan