Ngày 7/10, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer thông báo, các nhà lập pháp tại Thượng viện đã đạt thỏa thuận nhằm gia hạn mức trần nợ công đến đầu tháng 12, tránh nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng 10. Vị quan chức bày tỏ hy vọng Thượng viện sẽ bỏ phiếu thông qua ngay trong cùng ngày.
Thỏa thuận trên cho phép tăng trần nợ thêm 480 tỷ USD trên mức trần nợ công hiện nay là 28.400 tỷ USD. Sau đó, quốc hội sẽ có vài tuần để tìm kiếm thỏa thuận về việc sẽ tăng trần nợ công dài hạn hay đưa ra một biện pháp khác.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau tin tức trên với sự dẫn đầu của nhóm cổ phiếu big tech. Apple Inc tăng 0,9%, Amazon.com tăng 1,2%. Tesla và Alphabet, công ty mẹ của Google, đều tăng hơn 1%.
Mặt khác, tâm lý thị trường cũng được hỗ trợ bởi dữ liệu thất nghiệp mới nhất. Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Năm báo cáo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh trong tuần trước khi chương trình trợ cấp thất nghiệp tăng cường kết thúc.
Theo đó, tổng số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp là 326.000 người trong tuần kết thúc ngày 02/10, thấp hơn con số dự báo 345.000 và giảm so với mức 364.000 người của tuần trước đó.
Bộ ba chỉ số chính trên phố Wall đóng cửa trong sắc xanh. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures cũng đang trong xu hướng đi lên.
Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Dow Jones tăng 337,95 điểm (+0,98%), lên 34.754,94 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 36,21 điểm (+0,83%), lên 4.399,76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 152,10 điểm (+1,05%), lên 14.654,402 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên tốt nhất kể từ tháng 7 vào thứ Năm, khi giá dầu và khí đốt giảm nhẹ đã giúp các nhà đầu tư giảm bớt lo lắng về tình hình lạm phát.
Sự biến động của thị trường chứng khoán đã tăng đột biến trong những tuần gần đây do lo ngại về giá năng lượng tăng cao thúc đẩy lạm phát và lãi suất, nguy cơ vỡ nợ tại tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande và rủi ro từ các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Tuy nhiên, giá dầu thế giới giảm sau khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng bất ngờ và giá khí đốt tại châu Âu giảm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ tăng cường cung cấp khí đốt cho châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.
Kết thúc phiên 7/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 82,17 điểm (+1,17%), lên 7.078,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 277,53 điểm (+1,85%), lên 15.250,86 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 107,07 điểm (+1,65%), lên 6.600,19 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi phục sau 8 phiên giảm liên tiếp khi các dấu hiệu tiến triển về việc nới mức trần nợ của chính phủ Mỹ đã tạo động lực cho giới đầu tư.
Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt với cổ phiếu công nghệ hồi phục mạnh, trong khi các nhà phát triển bất động sản lớn cũng bứt phá sau khi chính sách nhà ở mới được công bố.
Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục, đánh dấu phiên tốt nhất trong gần 7 tháng, nhờ tâm lý giới đầu tư tích cực hơn, bởi hy vọng căng thẳng Trung - Mỹ giảm bớt và tiến bộ về công cuộc nâng trần nợ công ở Washington.
Chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ giao dịch lễ Quốc khánh.
Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 293,25 điểm (-1,05%), xuống 27.528,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 137,66 điểm (-0,57%), xuống 23.966,49 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 53,86 điểm (-1,82%), xuống 2.908,31 điểm.
Giá vàng đêm qua giảm sau khi thị trường chứng khoán tăng mạnh sau những thông tin tích cực. Giới đầu tư đổ tiền vào các loại tài sản rủi ro trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ gần đạt được thỏa thuận về việc mở rộng giới hạn nợ ngắn hạn vào tháng 12.
Kết thúc phiên 7/10, giá vàng giao ngay giảm 8,00 USD (-0,45%), xuống 1.755,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,60 USD (-0,15%), xuống 1.759,20 USD/ounce.
Giá dầu tăng nhẹ trở lại vào thứ Năm do thị trường cho rằng khó có khả năng Mỹ sẽ giải phóng dự trữ dầu thô khẩn cấp để giảm bớt gánh nặng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền ông Biden, hôm qua kêu gọi các nhà cung cấp năng lượng lớn nâng sản lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường, còn Mỹ lo ngại rằng sẽ không làm được điều này.
Nga, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn cho châu Âu, cũng như tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của nước này hiện đang là trung tâm của cuộc tranh cãi về việc liệu họ có thể hành động nhiều hơn nữa để giúp giá nhiên liệu giảm nhiệt hay không.
Kết thúc phiên 7/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,87 USD (+1,1%), lên 78,30 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,87 USD (+1,1%), lên 81,95 USD/thùng.