Nhắn tin tuyên truyền bầu cử bằng cả tiếng dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự hỗ trợ của các cơ quan thông tin, truyền thông để người ứng cử tiếp cận với cử tri.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Tuyên Quang (Ảnh TC).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Tuyên Quang (Ảnh TC).

Tuyên Quang có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo, Sở thông tin và Truyền thông tỉnh này nghiên cứu tin nhắn tuyên truyền về bầu cử cần được dịch ra nhiều thứ tiếng để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Ngày 6/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đã kiểm tra công tác bầu cử tại tỉnh Tuyên Quang.

Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử tỉnh Tuyên Quang, UBND các cấp trong tỉnh này đã thành lập 2.400 tổ chức phụ trách bầu cử. Ủy ban Bầu cử các cấp đã ấn định 912 đơn vị bầu cử, trong đó có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội bầu 6 đại biểu từ 12 người ứng cử, 14 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh bầu 55 đại biểu từ 92 người ứng cử, 56 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện bầu 237 đại biểu từ 389 người ứng cử, 836 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã bầu 3.032 đại biểu từ 5.123 người ứng cử. Số đại biểu HĐND các cấp của tỉnh Tuyên Quang được bầu tại nhiệm kỳ 2021-2026 giảm 748 người so với nhiệm kỳ 2016-2021.

Toàn tỉnh Tuyên Quang có 600.182 cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội; 600.182 cử tri bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; 599.848 cử tri bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; 592.236 cử tri bầu cử đại biểu HĐND cấp xã.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Tuyên Quang đã cơ bản hoàn thành các công việc chuẩn bị bầu cử và sẵn sàng cho ngày bầu cử 23/5/2021.

Công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử, nhất là tuyên truyền trực quan qua các băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích rất sinh động, tạo không khí rất phấn khởi hướng về Ngày bầu cử.

Kiểm tra thực tế tại đơn vị bầu cử số 2 (gồm tổ 5, tổ 6 và tổ 9) phường An Tường, thành phố Tuyên Quang, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy địa phương đã chuẩn bị rất tốt, bảo đảm đúng quy định. Trong đó, tại các điểm bầu cử, danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp không chỉ được niêm yết tại các khu vực theo hướng dẫn chung mà còn niêm yết ngay tại bàn ghi phiếu để cử tri có thể nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng thêm một lần nữa trước khi bỏ phiếu bầu người xứng đáng.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là cách làm sáng tạo bởi với việc bỏ phiếu bầu cử đại biểu ở cả 4 cấp cùng lúc, số lượng người ứng cử khá nhiều. Cách làm này của Tuyên Quang sẽ tạo thuận lợi để cử tri quyết định lựa chọn người ứng cử.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tuyên Quang tiếp tục quán triệt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, đặc biệt là trong quý II của cả hệ thống chính trị. Mục tiêu là phải tổ chức thành công cuộc bầu cử, thể hiện trên các phương diện: Phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, quyền bầu cử của công dân; tất cả các khâu, các bước tổ chức phải đúng pháp luật; phải tuyệt đối an toàn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, không được để xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch tại các điểm bầu cử; tiết kiệm; phải bầu chọn được những đại biểu đủ điều kiện, thực sự ưu tú và xứng đáng để làm người đại diện cho nhân dân tại Quốc hội, HĐND các cấp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Bầu cử các cấp ở Tuyên Quang cần tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách cử tri để bảo đảm quyền bầu cử của công dân, nhất là với những người đi học tập, lao động xa đến sát Ngày bầu cử mới trở về thực hiện quyền công dân. Vì vậy cần bổ sung kịp thời danh sách cử tri. Với những người đang cách ly tập trung, những người đang cách ly tại nhà để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19; những người già yếu, bệnh tật không thể đến điểm bỏ phiếu thì cần bố trí hòm phiếu phụ để họ thực hiện quyền công dân.

Chủ tịch Quốc hội còn nhấn mạnh yêu cầu cần tổ chức tốt cho người ứng cử tiếp xúc với cử tri, vừa bảo đảm quyền của người ứng cử theo quy định của luật, vừa phù hợp với điều kiện phòng chống dịch Covid-19 và thiên tai. Trước đây, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thông tri số 13/TT-MTTQ-BTT hướng dẫn rằng người ứng cử đại biểu Quốc hội cần có ít nhất là 10 cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử; người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc; người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thống nhất với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đã có văn bản gửi về các bộ, ngành, địa phương, giao MTTQ Việt Nam cùng cấp với Ủy ban Bầu cử xem xét, bố trí thời gian để người ứng cử tiếp xúc với cử tri đi vận động bầu cử phù hợp với hoàn cảnh theo từng địa bàn, từng khu vực.

Để bảo đảm yêu cầu lựa chọn được người ưu tú, thực sự xứng đáng là đại biểu của nhân dân, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự hỗ trợ của các cơ quan thông tin, truyền thông để người ứng cử tiếp cận với cử tri. Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, các đài phát thanh, truyền hình, báo chí, cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh có thể tăng thời lượng, tần suất đăng tải danh sách người ứng cử, tiểu sử trích ngang của người ứng cử, đăng toàn văn hoặc trích đăng chương trình hành động của người ứng cử…

Từ thực tế ngành giáo dục đã triển khai mô hình học tập trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, có thể tổ chức các hoạt động tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến để cùng một lần người ứng cử có thể tương tác với cử tri ở nhiều nơi.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc tới yêu cầu bảo đảm an toàn trong quá trình tiếp xúc cử tri, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có văn bản thông báo, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho tất cả 130 người ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được giới thiệu về ứng cử tại các địa phương. Đồng thời đề nghị các cơ quan ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên xét nghiệm Covid-19 cho những người ứng cử trước khi tổ chức tiếp xúc cử tri, nhất là ở những vùng có rủi ro cao để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng đã chuẩn bị có tin nhắn tuyên truyền bầu cử bằng lời trên điện thoại gửi đến từng người dân. Vì Tuyên Quang có nhiều dân tộc khác nhau, nên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo, Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang nghiên cứu tin nhắn này được dịch ra nhiều thứ tiếng để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tin bài liên quan