Techcombank đang có vốn hoá khoảng 6 tỷ USD và đặt mục tiêu đạt 20 tỷ USD năm 2025. Liệu con số này có quá tham vọng?
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank. |
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Techcombank đặt mục tiêu có giá trị vốn hóa 20 tỷ USD, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) khoảng 20%, tỷ lệ thu nhập từ phí (NFI/TOI) đạt 30% và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là 55%.
Xét riêng mục tiêu vốn hoá, tính toán của chúng tôi dựa trên xuất phát điểm hiện tại và sự tự tin duy trì được tốc độ tăng trưởng. Theo đó, với nền tảng hiện tại và tốc độ tăng trưởng khoảng 23 - 25%/năm, 5 năm tới, việc đạt được mức vốn hoá 20 tỷ USD là khả thi.
Cụ thể hơn, năm 2020, Ngân hàng vẫn đạt kết quả kinh doanh ấn tượng dù nền kinh tế gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 với 15.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 27.000 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng lần lượt 23,1% và 28,4% so với năm 2019. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và tỷ lệ CASA đứng đầu ngành ngân hàng, đạt 3,1% và 46,1%.
Việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao đối với một ngân hàng quy mô lớn như Techcombank không phải dễ dàng, nhưng chúng tôi có những điểm tựa đáng tin cậy.
Hiện tại, bên cạnh các thế mạnh ở mảng trái phiếu, bancassurance, bất động sản…, có một số lĩnh vực mà Techcombank chưa thâm nhập sâu, chẳng hạn cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng tôi đang đa dạng hoá sang nhiều lĩnh vực, khai thác sâu hơn một số phân khúc khách hàng.
Đây sẽ là đòn bẩy giúp Techcombank tiếp tục tăng trưởng tích cực trong dài hạn, chưa kể Ngân hàng có thể nhận được một số cú huých từ việc xin thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, tạm thời chưa chia cổ tức, giữ lại lợi nhuận để có nguồn vốn tiếp tục đầu tư… Sự tăng trưởng bền vững, cân đối và duy trì liên tục sẽ đưa chúng tôi tới con số 20 tỷ USD.
Techcombank từng tiên phong thu hút khách hàng cá nhân bằng các chính sách ưu đãi như miễn giảm phí, nhưng các ngân hàng khác thực hiện theo rất nhanh nên không còn là lợi thế khác biệt. Ngân hàng có chiến lược như thế nào để tiếp tục thu hút và giữ chân khách hàng?
Việc thu hút khách hàng bằng các chính sách như giảm phí, không thu phí… đều là các chiến lược đơn giản, dễ bắt chước. Chúng tôi không muốn cạnh tranh về giá, do đó sẽ tập trung tạo nên những ưu thế khác biệt hơn, khó bắt chước hơn.
Chẳng hạn, với bancassurance, thế mạnh của chúng tôi chính là chất lượng tư vấn tài chính - bảo hiểm. Chúng tôi đang hợp tác với một công ty Fintech để tạo nên công cụ giúp cán bộ tư vấn khách hàng thuận tiện hơn trong việc hỗ trợ người dùng hiểu rõ về sản phẩm. Kiến thức, sự chuyên nghiệp, thái độ tận tâm và trải nghiệm với khách hàng tạo nên lợi thế và sự khác biệt của Techcombank.
Techcombank có kế hoạch kiểm soát nợ xấu dưới 2%, quản trị rủi ro chặt chẽ, đồng thời có mục tiêu mở rộng tệp khách hàng và tham gia sâu hơn một số lĩnh vực. Làm cách nào để Ngân hàng thực hiện được nhiệm vụ này?
Techcombank duy trì được vị thế vốn hàng đầu với tỷ lệ an toàn vốn đạt 16,1%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,5% (thấp nhất trong hệ thống) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện lên tới 171% vào thời điểm cuối năm 2020, khẳng định chất lượng tài sản lành mạnh và chiến lược quản trị rủi ro thận trọng.
Theo tôi, thẩm định và quyết định tín dụng tốt là chìa khoá. Trước đây, chúng ta vẫn nghĩ rằng, ngân hàng cần cán bộ thẩm định tín dụng tốt để đánh giá khách hàng một cách chính xác. Tuy nhiên, khả năng hiểu rõ về khách hàng không chỉ phụ thuộc vào con người, mà còn phụ thuộc vào hệ thống, cũng như hạ tầng cơ sở dữ liệu.
Techcombank đang tạo nên “cỗ máy” ra quyết định tín dụng, sử dụng dữ liệu, phân tích đánh giá, kết hợp sự hiểu biết của nhân sự để có thể đưa ra quyết định nhanh và chính xác.
Dữ liệu sẽ giúp chúng tôi am tường về khách hàng, từ đó phục vụ tốt hơn. Techcombank định hướng đầu tư vào dữ liệu, năng lực phân tích dữ liệu…, tạo nên định vị khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trong tương lai.
Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng vào công nghệ để thiết lập cơ sở hạ tầng dữ liệu và thực tế đã bắt đầu đầu tư. Theo đó, nhân tài, dữ liệu và công nghệ chính là 3 trụ cột của Techcombank trên con đường đạt các mục tiêu đã đề ra.
Về việc mở rộng lĩnh vực, ngành nghề nào cũng tồn tại những rủi ro, do đó, cho vay bất động sản hay phát triển tín dụng qua các kênh mới đều đối diện các yếu tố khó lường. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc lựa chọn khách hàng, đối tác như thế nào và hiểu biết thị trường tới đâu.
Techcombank luôn lựa chọn lĩnh vực mà mình am hiểu và phát triển thận trọng theo xu hướng thị trường.