Trình độ của nhân sự ngành chứng khoán đã trưởng thành vượt bậc sau 21 năm TTCK đi vào vận hành.

Trình độ của nhân sự ngành chứng khoán đã trưởng thành vượt bậc sau 21 năm TTCK đi vào vận hành.

Nhân sự ngành chứng khoán, nhìn xa để bước tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong những yếu tố dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành chứng khoán Việt Nam chính là nguồn nhân lực hoạt động trên TTCK.

Yếu tố quan trọng để TTCK phát triển

Trong quá trình hình thành và phát triển TTCK ở Việt Nam, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho sự vận hành hiệu quả của thị trường là điều mà các lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thời kỳ đầu nhận thức rất rõ. Đây thực sự là một thách thức không hề nhỏ đối với UBCK, khi mà tại thời điểm 25 năm trước, chứng khoán là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam.

Nguồn nhân lực ngành chứng khoán gồm 4 nhóm chính: (1) Nhóm cán bộ quản lý, giám sát, vận hành TTCK. (2) Nhóm người hành nghề kinh doanh chứng khoán. (3) Nhóm nhà đầu tư. (4) Nhóm các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy chứng khoán ở Việt Nam.

Các nhóm thành viên tham gia TTCK nói trên là một trong các yếu tố then chốt góp phần vào sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của TTCK Việt Nam ngày nay.

Một điểm đặc trưng của TTCK là tính chất phức tạp, hay biến động của thị trường, tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư thu lợi nhuận nhưng cũng ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro.

Bên cạnh đó, đây là một lĩnh vực thường xuyên có nhiều loại sản phẩm đầu tư và dịch vụ đầu tư mới, hiện đại và phức tạp, được đưa ra nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của cả bên cung (doanh nghiệp đại chúng, niêm yết) và bên cầu (các tổ chức và cá nhân đầu tư).

Tất cả các đặc điểm này, cùng với mức độ hội nhập thị trường vốn ngày càng gia tăng giữa các nước/khu vực, khiến cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam lại càng trở nên quan trọng và chịu nhiều sức ép.

Ngày 5/12/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1038/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng nghiệp vụ về chứng khoán và TTCK, nay là Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán - đơn vị trực thuộc Ủy ban, với hai nhiệm vụ chính là triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán mới khai sinh này.

Kể từ khi thành lập UBCK đến nay, TTCK đã hoạt động an toàn, ổn định, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn và thu được nhiều kết quả tốt.

Một trong những yếu tố dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành chứng khoán Việt Nam chính là nguồn nhân lực hoạt động trên TTCK. Đội ngũ công chức, viên chức UBCK/ngành đã đảm bảo được trình độ và năng lực để giúp UBCK hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao trong công tác phát triển, quản lý giám sát TTCK; được trang bị kiến thức cập nhật, kinh nghiệm từ các thị trường phát triển để theo kịp sự phát triển của thị trường cả về chiều rộng (đối tượng quản lý, quy mô thị trường, khối lượng giao dịch, các loại sản phẩm và dịch vụ chứng khoán) và chiều sâu (mức độ phức tạp, tinh vi và tiềm ẩn các rủi ro, biến động khó lường của thị trường); đảm bảo điều kiện năng lực công tác khi hội nhập với thị trường quốc tế.

Nguồn nhân lực ngành có được kết quả đó cũng chính là một phần công sức, nỗ lực, cố gắng không ngừng của tập thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo và chuyên môn của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán qua các thời kỳ.

Có thể nói, Trung tâm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ nguồn nhân lực TTCK Việt Nam, là một trong các đơn vị hàng đầu về đào tạo chứng khoán, địa điểm tin cậy trong đào tạo chuyên môn về chứng khoán và TTCK cho người hành nghề và công chúng đầu tư cũng như đào tạo về quản trị công ty dành cho các công ty đại chúng; cung cấp cho TTCK Việt Nam đội ngũ nhân lực có chất lượng về chuyên môn, trình độ nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Bối cảnh mới, yêu cầu mới

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán vẫn còn những hạn chế nhất định, cần khắc phục trong thời gian tới. Các thách thức chính đối với Trung tâm trong giai đoạn 2021 - 2030 bao gồm: việc lựa chọn mô hình phát triển phù hợp trong giai đoạn mới 2021-2030, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực quản trị, tăng cường mạng lưới hợp tác với đội ngũ giảng viên kiêm chức/thỉnh giảng nhằm nâng cao chất lượng các khóa đào tạo, triển khai các phương thức đào tạo mới, đa dạng phục vụ người hành nghề và công chúng đầu tư, tăng cường số hóa hoạt động đào tạo của Trung tâm, đáp ứng yêu cầu mới và trong bối cảnh còn nhiều thách thức từ dịch bệnh Covid-19.

Với mục tiêu tiếp tục hướng đến xây dựng Trung tâm thành đơn vị hàng đầu về đào tạo người hành nghề chứng khoán ở Việt Nam, các định hướng mang tính trọng tâm được Trung tâm đưa ra.

Về chương trình đào tạo, giảng viên và hình thức đào tạo, xây dựng nội dung đào tạo người hành nghề chứng khoán theo hướng tập trung đào tạo kiến thức, các kỹ năng, đào tạo thực hành qua các công cụ hỗ trợ hiện đại về các loại sản phẩm và dịch vụ mà các tổ chức kinh doanh chứng khoán cung cấp cho nhà đầu tư;

Xây dựng và triển khai đào tạo chương trình đào tạo thường xuyên dành cho người hành nghề chứng khoán nhằm cập nhật kiến thức về các sản phẩm mới, hệ thống giao dịch trên thị trường cũng như cập nhật các quy định pháp lý về chứng khoán và TTCK theo quy định của pháp luật thông qua các khóa tập huấn hàng năm; xây dựng bộ khung chương trình đào tạo chuẩn của Việt Nam về chứng khoán và TTCK, hướng đến hài hòa với chuẩn mực chung về chứng chỉ hành nghề chứng khoán của TTCK các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng cường số lượng, chất lượng giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo; tăng cường đội ngũ các chuyên gia quốc tế, chuyên gia của các tập đoàn kinh tế lớn, thành viên thị trường có uy tín tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo; đa dạng hóa hình thức đào tạo người hành nghề, trong đó tập trung xây dựng và triển khai đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa; khai thác và sử dụng tốt hệ thống phần mềm đào tạo trực tuyến LMS.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương, đa phương về nghiên cứu và đào tạo, hướng tới hài hòa với thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới về chuẩn mực đào tạo người hành nghề, tiến tới sự công nhận chung về chứng chỉ hành nghề giữa các quốc gia trước mắt là các quốc gia trong khu vực ASEAN; tích cực và chủ động tham gia hội nhập, liên kết với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học; đồng thời kết nối, tạo mạng lưới thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước trong nhiều lĩnh vực liên quan đến phát triển thị trường vốn, TTCK nhằm hỗ trợ Trung tâm trong việc chuyển giao công nghệ, kiến thức cho đội ngũ cán bộ giảng viên cũng như cho nguồn nhân lực TTCK trong tương lai.

Sau 25 năm xây dựng và phát triển TTCK, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo các cấp, Trung tâm đã và đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong, đóng góp ngày càng nhiều hơn trong sự nghiệp phát triển chung của TTCK Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực về chứng khoán và TTCK nói riêng.

Tin bài liên quan