Quý III có thể là cao điểm tuyển dụng trong mảng ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh

Quý III có thể là cao điểm tuyển dụng trong mảng ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh

Nhân sự ngân hàng vẫn đắt mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái ngược với sự im ắng tại một số ngành nghề sản xuất, ngành ngân hàng vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn, nhưng yêu cầu khắt khe hơn.

Ứng viên cần có kinh nghiệm

Facebook của một nhóm phụ huynh và giáo viên liên quan đến học tiếng Anh vừa nhận được chia sẻ về trường hợp một chàng trai tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh ngành tài chính - kế toán, biết cả tiếng Nhật, nhưng bị trầm cảm sau khi về Việt Nam xin việc.

Cụ thể, từ mùa hè năm ngoái đến nay, chàng trai này miệt mài đi tìm việc, nộp đơn xin việc tại các công ty từ quy mô lớn, trung bình tới nhỏ, với những công việc liên quan đến tài chính và cả không liên quan như lĩnh vực nhân sự, nhưng chưa công ty nào đón nhận. Thậm chí, thất bại sau cuộc phỏng vấn, anh đề nghị được vào doanh nghiệp thực tập, nhưng cũng không được chấp nhận.

Phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với giám đốc nhân sự một ngân hàng thương mại cổ phần quy mô trung bình về trường hợp trên, ông cho rằng, qua được vòng loại hồ sơ, có cơ hội để được phỏng vấn trực tiếp nghĩa là doanh nghiệp đó chấp nhận tuyển dụng người không có kinh nghiệm về đào tạo. Thanh niên đó không được tuyển dụng có thể do chưa thể hiện tốt về bản thân khi đi phỏng vấn, hoặc bản thân có những yêu cầu cao hơn so với nhu cầu của doanh nghiệp nên đôi bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Vị giám đốc nhân sự cho biết, ông được ngân hàng giao phụ trách tuyển dụng nhân sự cho khu vực miền Bắc gồm 3 vùng, trung bình mỗi vùng có 11 chi nhánh, nên áp lực rất lớn. Vậy nhưng, từ tháng 7/2021 đến nay, bộ phận tuyển dụng không phỏng vấn được bất kỳ một nhân sự nào, lý do bởi không có hồ sơ phù hợp. Một vài trường hợp tuyển dụng được là do chi nhánh chuyển hồ sơ lên, thường là nhờ mối quan hệ cá nhân, “câu” được người từ ngân hàng khác về.

Gần đây, có rất nhiều hồ sơ xin việc đến từ tiếp viên hàng không, nhân viên du lịch, thậm chí là giáo viên tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ “ứng cử” vào vị trí giao dịch viên, nhân viên tư vấn, thủ quỹ… Do ngân hàng không có chủ trương tuyển dụng người không có kinh nghiệm về đào tạo nên không mời phỏng vấn.

Từ nay đến cuối năm, các chi nhánh đều “chạy” để hoàn thành kế hoạch kinh doanh nên càng không “tặc lưỡi” tuyển dụng người không có kinh nghiệm, trong khi “câu” người có kinh nghiệm rất khó.

“VIB trả lương hiệu suất theo quý nên thời điểm này chuyển đi là mất tất cả. Vì vậy, bần cùng bất đắc dĩ nhân sự mới nghỉ việc. Ở VPBank, dù thời điểm tháng 7 được tổng giám đốc thông báo tăng lương nhưng kế hoạch cắt giảm lương cứng theo diễn biến của dịch bệnh đã có, chưa kể cắt 100% tiền ăn trưa ít nhất trong tháng 8 và tháng 9 và 50% xăng xe (nếu tình hình không tốt hơn sẽ kéo dài việc cắt giảm này đến cuối năm), cắt 100% chi phí khám sức khoẻ và nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, nhân viên không xin nghỉ việc vì hy vọng tình hình sẽ khởi sắc vào cuối năm để nhận thưởng Tết, chứ chuyển sang ngân hàng khác thời điểm này thì xác định luôn là cuối năm không có gì. Tại Techcombank, mọi khoản thu nhập của nhân viên chưa cắt giảm chút nào… Nhu cầu tuyển dụng của ngân hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn có, nhưng tìm được nhân sự đúng theo yêu cầu như mò kim đáy bể”, vị giám đốc nhân sự nhận xét.

Mùa cao điểm tuyển dụng

Thống kê báo cáo tài chính bán niên 2021 của 26 ngân hàng niêm yết/đăng ký giao dịch trên HOSE, HNX và UPCoM cho thấy, ngoại trừ Eximbank giảm 387 nhân sự, Sacombank giảm 371 nhân sự, BIDV giảm 158 nhân sự, ABB và PGBank giảm gần 30 nhân sự trong 6 tháng đầu năm 2021, còn lại phần lớn các ngân hàng đều tuyển thêm nhân sự.

Ngành ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn nhân sự cho vị trí quan hệ khách hàng, các vị trí trong mảng công nghệ thông tin phục vụ phát triển hệ thống và chuyển đổi số.

Dẫn đầu về số lượng tuyển dụng là Vietcombank với hơn 1.000 người, tiếp theo là VIB với gần 900 người, VPBank và LienVietPostBank tuyển thêm 600 người, HDBank tuyển thêm hơn 500 người, VietinBank và ACB có thêm hơn 300 người; một số ngân hàng có số lượng nhân sự tăng thêm từ 100 - 200 người là Techcombank, TPBank, OCB, SeABank, Nam A Bank, Kienlongbank, Vietbank, NCB, VietCapitalBank…

Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc, Navigos nhìn nhận, trong khi có những nhân sự bị buộc nghỉ việc hay làm việc với mức lương sụt giảm, thì vẫn có những vị trí trong ngân hàng liên tục được tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Đây là xu hướng chung xảy ra không chỉ ở ngành ngân hàng, mà còn ở không ít ngành khác. Đối với các mảng mà ngân hàng có định hướng phát triển trọng tâm, họ sẵn sàng tuyển các ứng viên chất lượng, ví dụ mảng khách hàng ưu tiên, phân phối bảo hiểm (bancassurance), khách hàng doanh nghiệp…

“Những ứng viên cao cấp có thể đem lại nhiều giá trị cho ngân hàng sẽ được trả lương, thưởng xứng đáng. Hiện nay, các ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, nên các vị trí liên quan đến công nghệ cũng được mời gọi với mức lương hấp dẫn”, bà Lan nói.

Theo dự báo về xu hướng tuyển dụng trong 6 tháng cuối năm 2021 của Navigos, do vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đang tạm hoãn việc tuyển dụng, hoặc tuyển rất ít. Tuy nhiên, quý III có thể là cao điểm tuyển dụng trong mảng ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm. Thực tế, quý II chứng kiến sự sôi động của thị trường chứng khoán và thông báo lợi nhuận “khủng” cũng như các quyết định tăng vốn điều lệ của một loạt ngân hàng. Điều này có thể dự báo xu hướng mở rộng quy mô kinh doanh ở các ngân hàng và công ty chứng khoán.

Đặc biệt, ngành ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn nhân sự cho vị trí sales (quan hệ khách hàng), các vị trí trong mảng công nghệ thông tin phục vụ phát triển hệ thống và chuyển đổi số. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tiếp tục tăng, tập trung ở mảng công nghệ, dữ liệu, phát triển đội ngũ bán (giám đốc chi nhánh, giám đốc vùng).

Khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) trong quý III/2021 cho biết, tình hình lao động, việc làm tại các ngân hàng trong năm 2021 được đánh giá tương đối ổn định và có chiều hướng cải thiện. Cụ thể, 66,7% ngân hàng dự kiến tăng lao động, việc làm; chỉ có 3,8% ngân hàng dự kiến cắt giảm lao động so với năm 2020.

“Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 sẽ đến với ngân hàng chậm hơn so với các ngành nghề khác, nhưng đây là cơ hội để hệ thống có sự sàng lọc cao về nhân sự nhằm tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng, cũng như tập trung tuyển dụng cho những lĩnh vực mũi nhọn, hoặc các dự án chuyển đổi số. Vậy nên, hãy là nhân sự mà các ngân hàng tìm mọi cách “câu” về hoặc chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người hoàn toàn phù hợp với vị trí đang được tìm kiếm”, vị giám đốc tuyển dụng trên nói.

Tin bài liên quan