Nhân sự ngân hàng biến động mạnh

Nhân sự ngân hàng biến động mạnh

Một loạt thay đổi nhân sự không chỉ ở vị trí cao cấp mà còn ở các cấp trung và thấp tại các ngân hàng đã diễn ra trong những tháng gần đây.

Áp lực về nợ xấu, kết quả kinh doanh và quá trình tái cấu trúc ngân hàng... khiến tình trạng biến động này còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Khác với nhiều năm trước, năm nay, thị trường tài chính Việt Nam đã chứng kiến những biến động lớn về nhân sự tại các ngân hàng thương mại. Sự thay đổi đó không chỉ diễn ra ở tầng lớp nhân sự cao cấp (tổng giám đốc, phó tổng giám đốc hay các thành viên hội đồng quản trị), mà còn diễn ra mạnh ở tầng lớp cán bộ trung và thấp.

 

Trong báo cáo phân tích mới đây của một công ty chứng khoán trên thị trường cho rằng, có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những biến động nhân sự, đặc biệt nhân sự cấp cao tại các ngân hàng thời gian qua, đó là: vấn đề pháp lý, do thâu tóm sáp nhập, và do yêu cầu tái cấu trúc.

 

Sự thay đổi lãnh đạo liên quan đến vấn đề pháp lý, điển hình phải kể đến Ngân hàng ACB và EIB. Việc Tổng giám đốc Lý Xuân Hải (ACB) và Phó chủ tịch hội đồng quản trị Phạm Trung Cang (EIB) bị truy tố vì gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Các ông Trần Xuân Giá, ông Lê Vũ Kỳ, và ông Trịnh Kim Quang (hai phó chủ tịch) cũng từ nhiệm do có liên quan.

 

Những sự thay đổi này đã kéo theo các vị trí bỏ trống trong ban lãnh đạo, buộc hai ngân hàng này phải nhanh chóng có những thay thế kịp thời để đảm bảo hoạt động của ngân hàng.

 

Còn sự thay đổi lãnh đạo do sáp nhập, thâu tóm, điển hình là trường hợp của STB và SHB- HBB, SCB. Cụ thể, STB đã bổ nhiệm Tổng giám đốc và 5 Phó tổng giám đốc mới, trong đó có những vị trí lãnh đạo đến từ Ngân hàng Phương Nam . Bên cạnh đó, SHB khi thực hiện sáp nhập với HBB cũng đã thay đổi hàng loạt nhân sự cấp cao.

 

Dù không có sự can thiệp từ phía các yếu tố bên ngoài nhưng hàng loạt các ngân hàng khác như: Techcombank, Vietinbank, Vietcombank, Tiên Phong, Agribank, VPBank... cũng đều có sự thay đổi nhân sự đáng kể.

 

Có nhiều trường hợp nhân sự cấp cao dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác như ông Nguyễn Hưng - nguyên Tổng giám đốc của VPBank sang làm Tổng giám đốc của Tiên Phong Bank hay ông Nguyễn Đức Vinh - nguyên là Phó chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của Techcombank, nay lại đảm nhận vị trí Tổng giám đốc của VPBank.

 

Có thể nói các ngân hàng đang tìm kiếm “luồng gió mới” nhằm cải thiện hoạt động của ngân hàng bằng cách tìm kiếm những nhân sự vốn đã thành công với các ngân hàng đối thủ.

 

Ngoài ra, các ngân hàng như Techcombank và Maritimebank lại mời tổng giám đốc người nước ngoài để tận dụng kinh nghiệm quốc tế và khả năng quản trị trong thời kỳ khủng hoảng nhằm giúp ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

 

Sự chuyển dịch cơ cấu nhân sự tại nhiều ngân hàng không chỉ diễn ra ở cấp cao mà còn kéo theo các vị trí tầm trung và thấp khi chiến lược và kế hoạch của ngân hàng thay đổi. Có ý kiến cho rằng, đây là động thái trong nỗ lực tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng, trong đó có vấn đề tái cơ cấu nhân sự.

 

Qua tìm hiểu thực tế tại một số ngân hàng, việc tái cơ cấu nhân lực của nhà băng diễn ra khá “khốc liệt”. Một số ngân hàng đã đẩy mạnh sa thải nhân viên có liên quan đến nợ xấu (giảm lương, ép chỉ tiêu thu hồi nợ, trong một thời gian cam kết không thu hồi được nợ sẽ mất việc).

 

Có nhà băng thì cho nhân viên nghỉ việc một cách gián tiếp như không phân công công việc. Có không ít nhân viên đã không được ký tiếp hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng chỉ vì không hoàn thành kế hoạch được giao.

 

Nhìn nhận sự “khốc liệt” về sự thay đổi cơ cấu nhân sự của các ngân hàng hiện nay, chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Cấn Văn Lực cho rằng, sự thay đổi đó là tất yếu trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, kèm theo đó là những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm đã khiến không ít cán bộ nhân viên phải “ngậm ngùi” chia tay ngân hàng. Nhưng ông Lực cho rằng đó cũng là cơ hội để cho những người giỏi kiếm được một chỗ làm và môi trường công việc tốt hơn.

 

“Trong khó khăn luôn luôn có cơ hội cho những người có tài. Dù nhiều ngân hàng đang cắt giảm nhân sự nhưng vẫn có không ít ngân hàng có tiềm lực (đặc biệt trong top 10 ngân hàng mạnh nhất) vẫn đang đẩy mạnh việc tuyển dụng mới trong năm nay. Đây có thể được xem là bước chuẩn bị tốt về nhân sự để giúp các ngân hàng có đủ tiềm lực triển khai hoạt động kinh doanh khi nền kinh tế và hoạt động của các ngân hàng ổn định trở lại”, ông Lực nhận định.

 

Dẫu vậy, làn sóng cơ cấu lại nhân sự gần đây của các ngân hàng cũng khiến nhiều người không khỏi lo ngại, nhất là những người đang làm việc trong ngành. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính ngân hàng khác, thì động thái cắt giảm nhân sự của các ngân hàng lại là điều tốt.

 

Bởi trước đây, các ngân hàng đã tuyển dụng quá ồ ạt nhưng giờ đây, kinh doanh gặp khó khăn thì lẽ đương nhiên các ngân hàng phải cơ cấu lại nhân sự, thanh lọc và lựa chọn những người có năng lực để vừa tiết giảm chi phí, vừa đem lại hiệu quả công việc tốt nhất. Trong nội dung tái cơ cấu của ngành ngân hàng thì hoạt động tái cơ cấu nguồn nhân lực cũng là phần quan trọng cần phải thực hiện.

 

“Tái cơ cấu ngành ngân hàng là một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng thay đổi nhân sự hàng loạt trong thời gian vừa qua. Trong quý 3/2012 và năm 2013, kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng vẫn còn tiếp tục và việc thay đối nhân sự cao cấp là điều không thể tránh khỏi”, vị chuyên gia này nhận định.