Ông Hầu A Lềnh cho biết, Ban chấp hành Trung ương đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng về các trường hợp đặc biệt. Về số lượng nhân sự đặc biệt tại Đại hội XIII, ông Hầu A Lềnh cho biết, sắp tới sẽ trình Đại hội tại đề án nhân sự, nhưng đều là những người có đủ điều kiện, có uy tín tại cương vị công tác.
Ông Hầu A Lềnh khẳng định, trường hợp đặc biệt thì nhiệm kỳ nào cũng có, công tác nhân sự Đại hội XIII kế thừa kinh nghiệm nhiệm kỳ trước, căn cứ vào tình hình thực tiễn, thì những trường hợp đặc biệt đã được Trung ương bàn hết sức lưỡng trên cơ sở giới thiệu của Bộ Chính trị, các đồng chí trong trường hợp đặc biệt chủ yếu đặc biệt về độ tuổi, đều có đủ điều kiện về tiêu chuẩn, năng lực, sức khoẻ, có uy tín ở từng cương vị công tác của mình.
Yêu cầu của đất nước cần có những đồng chí tham gia bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, nên Ban chấp hành Trung ương giới thiệu những đồng chí đó để giới thiệu ra Đại hội, nếu được Đại hội tín nhiệm bầu, những đồng chí đó có nhiều kinh nghiệm đóng góp cho đất nước.
Thông tin chung về việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, đặc biệt là các lãnh đạo chủ chốt và các trường hợp đặc biệt, ông Lềnh khẳng định, công tác chuẩn bị nhân sự cho khóa XIII được Ban chấp hành Trung ương khóa XII chuẩn bị rất nghiêm túc.
Trong suốt nhiệm kỳ XII, ngay từ đầu nhiệm kỳ đã xác định công tác này là rất quan trọng, nhiệm vụ then chốt. Công tác nhân sự là then chốt của then chốt. Vì vậy, nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành Trung ương luôn quan tâm đến công tác cán bộ. Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 10/2018, Trung ương đã thành lập các tiểu ban, trong đó có tiểu ban nhân sự. Ngay sau đó, Ban chấp hành Trung ương tiến hành các quy trình công tác nhân sự.
Hội nghị Trung ương 9 vào tháng 12/2018 đã tiến hành công tác quy hoạch nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, và ngay sau khi công tác quy hoạch tiếp tục chuẩn bị, đến Hội nghị Trung ương 12, Ban chấp hành Trung ương thảo luận, ban hành phương hướng công tác nhân sự của Đại hội XIII, bám sát phương hướng tác nhân sự với sự tham gia của các địa phương, Ban chấp hành Trung ương tiến hành quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa XIII. Đây là cơ sở rất quan trọng để lựa chọn, giới thiệu, bồi dưỡng các đồng chí dự kiến sẽ đưa vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIII. Sau khi có phương hướng Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, Trung ương đã thảo luận rất nhiều lần, từng bước, hết sức thận trọng, chặt chẽ đúng quy trình trong các Hội nghị trung ương 13, 14, 15.
Có thể nói, công tác chuẩn bị nhân sự khóa XIII được làm chặt chẽ, kỹ lưỡng và đảm bảo quy trình. Các đồng chí trong Trung ương được Ban chấp hành Trung ương giới thiệu ra Đại hội XIII cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, đủ điều kiện, có năng lực, uy tín.
Trả lời câu hỏi về khắc phục những mặt còn yếu trong công tác cán bộ, ông Hầu A Lềnh nói: kỳ Đại hội nào, công tác nhân sự đều được chuẩn bị kỹ lưỡng và chặt chẽ, riêng nhiệm kỳ Đại hội XII, để khắc phục những tồn tại, yếu kém, và những mặt còn chưa được trong công tác nhân sự những đại hội trước, trong nhiệm Đại hội XII đã có rất nhiều giải pháp để khắc phục, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã ban hành nhiều văn bản quy định về chế độ, trách nhiệm, công tác giám sát đối với đội ngũ cán bộ, đào tạo, nồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ. Thông qua kinh nghiệm từng vị trí công tác và các địa phương để lựa chọn ra đội ngũ cán bộ với quy trình bài bản.
Thứ nhất, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành các quy trình mới có điều chỉnh bổ sung, đó là quy trình về nhận xét, đánh giá đội ngũ cán bộ hàng năm, lấy phiếu tín nhiệm hàng năm ở từng vị trí công tác khác nhau. Những người công tác ở các cơ quan bầu cử, cơ quan của Đảng đều được lấy phiếu tín nhiệm định kỳ. Đó là các kênh để đánh giá, thẩm định đội ngũ cán bộ.
Thứ hai, quy trình 5 bước rất chặt chẽ, kể cả Ủy viên Trung ương tái cử và người mới tham gia lần đầu. Thông qua đó đã sàng lọc, lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn, đảm bản phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cũng như sở trường, triển vọng phát triển để đưa vào. Chúng tôi thấy rằng, lần này chúng ta làm công tác nhân sự hết sức chặt chẽ và thận trọng, từng bước, xong bước này tiếp bước khác.
Cụ thể hơn về các bước làm nhân sự, ông Lềnh cho biết các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị làm quy trình giới thiệu công tác cán bộ thực hiện hết sức chặt chẽ.
Trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị. Quy trình của các ủy viên Trung ương là thực hiện 5 bước. Còn các đồng chí giới thiệu đặc biệt Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện 2 vòng, 8 bước. Tức là vòng 1 là giới thiệu, lấy phiếu giới thiệu của các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, xem là có đặc biệt không. Số lượng đặc biệt là bao nhiêu. Đặc biệt ở vị trí nào. Đó là đối với các đồng chí chủ chốt và Bộ Chính trị. Sau đó, Tiểu ban Nhân sự tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các đồng chí ủy viên Trung ương, báo cáo Bộ Chính trị. Bộ Chính trị thảo luận và bỏ phiếu tập thể. Một là phương án có đặc biệt không và số lượng đặc biệt là bao nhiêu. Sau đó mới bắt đầu xem xét tới nhân sự cụ thể.
Bước tiếp theo lại ra Trung ương báo cáo. Trung ương ghi nhận số lượng đặc biệt, vị trí đặc biệt là vị trí nào. Nhân sự cụ thể được giới thiệu và Trung ương bỏ phiếu. Nếu Trung ương tán thành với hơn 50% số phiếu thì chọn nhân sự đó.
Như vậy, quy trình hết sức chặt. Trước hết là rộng, từ Trung ương giới thiệu, sau đó Tiểu ban Nhân sự tổng hợp, Bộ Chính trị xem xét, bỏ phiếu. Được rồi, đạt yêu cầu thì ra Trung ương, Trung ương bỏ phiếu phương án đó. Đó là đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tương tự với ủy viên Trung ương mà thuộc trường hợp đặc biệt cũng thực hiện quy trình này.
Về cơ cấu vùng miền, ông Hầu A Lềnh khẳng định tiêu chuẩn là quan trọng. Tất nhiên, cơ cấu phải được tính toán hợp lý. Thế nhưng, lấy tiêu chuẩn là chủ yếu, như lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng phát biểu, không phải vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn là chủ yếu, từ đó lựa chọn những đồng chí xứng đáng, đủ điều kiện để bầu khoá mới.
Ông Hầu A Lềnh cũng nêu rõ, quan điểm của Đảng ta, các lĩnh vực, địa bàn đều có các đồng chí Ủy viên Trung ương để đại diện, được Đảng phân công phụ trách lĩnh vực, địa bàn. Địa bàn quan trọng, trọng yếu xác định là đối ngoại, an ninh, quân đội, các ngành lĩnh vực quan trọng của đất nước. Vì vậy, mỗi kỳ Đại hội đều xác định địa bàn lĩnh vực trọng yếu.