Theo báo cáo mới công bố, niêm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng lên vào đầu tháng 6 khi các hộ gia đình hứng khởi với việc nền kinh tế mở cửa trở lại và sự phục hồi bất ngời trong việc tuyển dụng lao động, dù họ không quá kỳ vọng vào sự cải thiện nhanh của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nỗi lo bùng phát làn sóng dịch thứ 2 luôn chực chờ.
Cùng với đó, kêt quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố bất ngờ tích cực hơn dự đoán, cùng với dữ liệu việc làm cũng bất ngờ tích cực được đưa ra trước đó giúp giới đầu tư đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế, qua đó mạnh dạn bắt đáy, giúp phố Wall hồi phục trở lại.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 5, số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 2,5 triệu việc sau khi giảm kỷ lục 20,7 triệu việc trong tháng 4. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 13,3%, so với mức 14,7% của tháng trước đó. Số việc làm tăng chủ yếu trong lĩnh vực giải trí, dịch vụ, xây dựng, bán lẻ, giáo dục và chăm sóc y tế.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số Dow Jones tăng 477,37 điểm (+1,90%), lên 25.605,54 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 39,21 điểm (+1,31%), lên 3.041,31 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 96,08 điểm (+1,01%), lên 9.588,81 điểm.
Dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng với phiên bán tháo hôm thứ Năm, phố Wall đã chấm dứt 3 tuần tăng liên tiếp trước đó khi chứng kiến tuần giảm tồi tệ nhất kể từ đợt bán tháo giữa tháng 3 do làn sóng bùng phát đại dịch Covid-19. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 5,55%, S&P giảm 4,78% và Nasdaq giảm 2,30%.
Tương tự, sau phiên bán tháo hôm thứ Năm, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, ngoại trừ chứng khoán Đức vẫn tiếp tục giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 28,48 điểm (+0,47%), lên 6.105,18 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 21,01 điểm (-0,18%), xuống 11.949,28 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 23,67 điểm (+0,49%), lên 4.839,26 điểm.
Tuy hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu cũng không tránh khỏi tuần giảm mạnh nhất kể từ đợt bán tháo do đợt bùng phát Covid-19 hồi giữa tháng 3 sau 3 tuần tăng mạnh liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 5,85%, chỉ số DAX giảm 6,99% và CAC40 giảm 6,90%.
Phiên bán tháo tối hôm trước đó trên phố Wall cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Tuy nhiên, về cuối phiên, đà giảm của các chỉ số trong khu vực được thu hẹp đáng kể nhờ thông tin Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường công nghệ.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 167,43 điểm (-0,75%), xuống 22.305,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,16 điểm (-0,04%), xuống 2.919,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 178,77 điểm (-0,73%), xuống 24.301,38 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 44,48 điểm (-2,04%), xuống 2.132,30 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp với chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc và 2 tuần tăng liên tiếp với chứng khoán Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, mức giảm nhẹ hơn nhiều so với chứng khoán Âu, Mỹ. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,44%, chỉ số Hang Seng giảm 1,89%, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,38% và chỉ số Kospi giảm 2,27%.
Giá vàng lại giao dịch giằng co và đóng cửa ít thay đổi trong phiên cuối tuần khi chứng khoán hồi phục trở lại sau báo cáo việc làm khả quan của Mỹ được công bố, đem lại kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên 12/6, giá vàng giao ngay tăng 3,4 USD (+0,2%), lên 1.730,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 2,5 USD (-0,14%), xuống 1.737,3 USD/ounce.
Trong khi chứng khoán chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp, thì giá vàng lại ngược lại, đảo chiều tăng trở lại trong tuần qua sau 3 tuần giảm liên tiếp trước đó khi lép vế so với sự hấp dẫn của chứng khoán. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay tăng 1,16%, còn giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 3,23%.
Chứng kiến đà bán tháo của chứng khoán trong phiên thứ Năm với nỗi lo suy thoái kinh tế và làn sóng bùng phát Covid lần thứ 2 khiến giới đầu tư và phân tích đều đặt cược mạnh vào đà tăng của giá vàng trong tuần mới.
Cụ thể, trong 14chuyên gia trả lời khảo sát có 10 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 71%, cao hơn rất nhiều con số 47% của tuần trước, 4 người dự báo đi ngang, chiếm 29% và không có ai dự báo giá vàng sẽ giảm.
Tương tự, trong 1.285 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 792 lượt dự báo giá vàng tăng, chiếm 62%, bằng với tuần trước; 308 lượt dự báo giá giảm, chiếm 24%, cao hơn so với 21% của tuần trước và 185 lượt dự báo đi ngang, chiếm 14%.
Sau phiên lao mạnh hôm thứ Năm, giá dầu thô cũng đã giao dịch ổn định trở lại trong phiên cuối tuần và đóng cửa ít thay đổi.
Kết thúc phiên 12/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,08 USD (-0,22%), xuống 36,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,18 USD (+0,46%), lên 38,73 USD/thùng.
Phiên lao dốc hôm thứ Năm cùng với thị trường chứng khoán trước mối lo suy thoái kinh tế với làn sóng bung phát Covid thứ 2 khiến giá dầu thô chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp của mình, trong đó giá dầu thô Mỹ đảo chiều giảm 8,32% và giá dầu thô Brent cũng đảo chiều giảm 8,44%. Đây là tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 4.