Nhận nhiều thông tin tiêu cực, giới đầu tư bán tháo

Nhận nhiều thông tin tiêu cực, giới đầu tư bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dữ liệu thất nghiệp của Mỹ mới công bố, cùng thông tin tiêu cực về Apple khiến giới đầu tư lo sợ và bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ, đẩy chứng khoán giảm mạnh trong phiên thứ Năm (23/7).

Báo cáo về thất nghiệp hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ vừa công bố hôm thứ Năm cho thấy, gần 1,42 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước, tăng 109.000 đơn. Con số này chưa kể gần 32 triệu người thất nghiệp đang nhận trợ cấp hàng tuần 600 USD, hết hạn vào ngày 31/7 tới đây. Điều này cho thấy, thị trường lao động Mỹ vừa chớm phục hồi đã bị ảnh hưởng trở lại do làn sóng lây nhiễm Covid mới.

Trong 24h qua, đã có thêm hơn 77.700 ca nhiễm Covid mới tại Mỹ, con số tử vong tăng thêm 1.329 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên hơn 4,16 triệu ca nhiễm và hơn 147.000 tử vong.

Con số thất nghiệp vừa công bố cũng tạo áp lực cho các nhà lập pháp Mỹ phải gia hạn gói trợ cấp thất nghiệp dự kiến hết hạn vào ngày 31/7 này.

Dữ liệu trên khiến giới đầu tư lo lắng về tương lai hồi phục kinh tế, nhưng thông tin khiến họ bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ lại đến từ tin liên quan tới Apple.

Theo đó, một báo cáo cho biết, Apple sẽ phải đối mặt với cuộc điều tra bảo vệ người tiêu dùng ở nhiều bang của Mỹ.

Kết thúc phiên 23/7, chỉ số Dow Jones giảm 353,51 điểm (-1,31%), xuống 26.652,33 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 40,36 điểm (-1,23%), xuống 3.235,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 244,71 điểm (-2,29%), xuống 10.461,42 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Âu mở cửa phiên thứ Năm khá tích cực và duy trì đà tăng khá tốt sau đó nhờ kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp được công bố. Tuy nhiên, về cuối phiên, dữ liệu thất nghiệp của Mỹ tăng vọt trở lại, cùng niềm tin người tiêu dùng khu vực đồng euro giảm khiến giới đầu tư chùn tay, đẩy các thị trường đi xuống và đóng cửa gần như không đổi.

Kết thúc phiên 23/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,34 điểm (+0,07%), lên 6.211,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 0,86 điểm (-0,01%), xuống 13.103,39 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 3,35 điểm (-0,07%), xuống 5.033,76 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản nghỉ lễ 4 ngày, còn lại chứng khoán Trung Quốc và Hàn Quốc giảm điểm do căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Bắc Kinh và Washington, kinh tế Hàn Quốc suy thoái trong quý II và áp lực chốt lời diễn ra trên thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng trở lại sau phiên giảm mạnh hôm qua nhờ sự hỗ trợ của nhóm công nghệ, giúp giới đầu tư bỏ qua căng thẳng địa chính trị.

Kết thúc phiên 23/7, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,05 điểm (-0,24%), xuống 3.325,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 205,06 điểm (+0,82%), lên 25.263,00 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 12,47 điểm (-0,56%), xuống 2.216,19 điểm.

Nhu cầu trú ẩn an toàn, cùng lực mua kỹ thuật và đồng USD yếu giúp giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Năm, duy trì ở mức cao nhất gần 9 năm và cách rất gần mức đỉnh lịch sử thiết lập năm 2011.

Kết thúc phiên 23/7, giá vàng giao ngay tăng 15,5 USD (+0,83%), lên 1.886,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 24,9 USD (+1,34%), lên 1.890,0 USD/ounce.

Con số thất nghiệp mới của Mỹ vừa công bố, cùng căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến giá dầu thô giảm mạnh trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 23/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,83 USD (-2,02%), xuống 41,07 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,98 USD (-2,26%), xuống 43,31 USD/thùng.

Tin bài liên quan