Trong khi, đa phần các chuyên ngành như: tài chính ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh lại không được đào tạo theo từng chức danh làm việc, dẫn đến thực trạng “thừa thầy mà thiếu thợ”, khiến sinh viên học xong phải đi tìm thêm các trường nghề để học và tìm việc.
Môi trường kinh doanh phục hồi
Theo kết quả tổng hợp từ cuộc điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Vụ Dự báo - Thống kê tiền tệ (NHNN) tiến hành, môi trường kinh doanh và kết quả hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng đã có sự cải thiện rõ rệt trong năm 2015 so với năm 2014. Đây là tiền đề để kỳ vọng xu hướng phục hồi diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2016 đối với hoạt động của các TCTD.
Theo đánh giá của các TCTD, các yếu tố nội tại và khách quan trong môi trường kinh doanh của các TCTD đều được cải thiện rõ nét hơn trong năm 2015 so với năm 2014; trong đó, điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng và cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ là 2 nhân tố khách quan được nhận định có sự cải thiện mạnh mẽ nhất.
Ông Trần Xuân Huy, CEO Viet Victory, nguyên Tổng giám đốc Sacombank
Nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ ngân hàng năm nay được nhận định tăng lên rõ rệt so với năm ngoái và kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn trong năm tới, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng gia tăng mạnh nhất.
Hơn 90% TCTD nhận định mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng tại thời điểm cuối năm 2015 đang ở mức bình thường và thấp, có xu hướng giảm rõ rệt so với năm 2014 và được kỳ vọng tiếp tục xu hướng ổn định hoặc giảm trong năm 2016 ở tất cả các nhóm khách hàng. Trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm khách hàng tổ chức kinh tế, sau đó là nhóm khách hàng cá nhân và các TCTD khác.
Các TCTD kỳ vọng môi trường kinh doanh trong và ngoài nước của các TCTD tiếp tục được cải thiện tích cực hơn nữa trong năm 2016. Kết quả điều tra cho thấy, 81% TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của đơn vị mình đã “cải thiện” so với năm 2014, trong đó 34% TCTD đánh giá là “cải thiện nhiều”. Trên cơ sở đó, các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục phục hồi bền vững trong quý I/2016 và trong cả năm 2016 với 93% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể của năm 2016 sẽ tốt hơn so với năm 2015, trong đó có 32% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ được “cải thiện nhiều”.
Cầu tuyển dụng của ngân hàng tăng
Trong năm 2015, mặc dù đã có 52% TCTD cho biết họ đã tăng số lượng lao động so với cuối năm 2014, nhưng vẫn có 29,6% TCTD cho rằng, họ đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại. Vì vậy, dự kiến tình hình nhân sự trong thời gian tới, 50% TCTD cho biết sẽ gia tăng số lượng lao động trong quý I/2016 so với quý trước và 64,2% TCTD dự kiến tuyển thêm lao động trong năm 2016 để kịp nắm bắt các cơ hội và thời cơ mới. Kết quả điều tra cho thấy, thị trường lao động của ngành ngân hàng sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho người lao động trong năm 2016, bởi nhu cầu tuyển dụng của các TCTD tăng lên, trong khi các ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vẫn được đánh giá là có mức lương bình quân cao nhất.
Ông Trần Xuân Huy, CEO Viet Victory là người sớm “bén duyên” với ngành giáo dục từ những ngày đầu lập nghiệp, rồi cơ duyên đưa ông rẽ sang ngành ngân hàng hơn 15 năm. Hiện tại, ông đang kết hợp cả hai lĩnh vực trên, đó là việc điều hành Viet Victory - một trung tâm thực hành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng dưới sự sáng lập của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank. Viet Victory chuyên về đào tạo thực hành các chức danh làm việc trong ngân hàng: giao dịch viên, chuyên viên khách hàng, chuyên viên thanh toán quốc tế,… đã được xây dựng theo hướng mô phỏng thực tế, với các giáo trình thực hành, giảng viên đang làm việc tại các ngân hàng.
Trong khi đó, hiện nay, có rất nhiều thông tin cho rằng, mỗi năm hàng chục nghìn cử nhân ra trường chưa tìm được việc làm vì thiếu kiến thức “nghề”! Đây chính là thực trạng không chỉ cho công tác giáo dục hiện tại mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ngân hàng nói riêng và DN nói chung. Đúng là từng có thời điểm nền kinh tế khủng hoảng, ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn, các thương vụ mua bán sáp nhập diễn ra liên tục khiến một lượng lớn nhân sự bị đào thải, cùng với việc tuyển dụng nhân sự mới bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, khoảng gần 2 năm trở lại đây, có thể thấy thông tin tuyển dụng nhân sự mới của các ngân hàng đã gia tăng rõ rệt, với công việc tại nhiều vị trí khác nhau.
Chưa kể, các ngân hàng luôn quan tâm và sẵn sàng đầu tư nguồn lực cả về con người lẫn tài chính để tham gia, tài trợ cho các ngày hội việc làm, ngày hội tuyển dụng. Không những vậy, họ liên tục đầu tư chi phí cho các các công ty về cung ứng nguồn nhân lực, các website tìm việc. Rõ ràng, họ đang tìm kiếm nguồn nhân lực mới, chọn lọc những ứng viên phù hợp tham gia vào DN mình.
Có năng lực sẽ thêm cơ hội
Thị trường lao động của ngành tài chính - ngân hàng ngoài những yếu tố chung của thị trường thì còn có những yếu tố mang tính chất đặc thù. Đó là sự đòi hỏi “năng lực” ứng viên, thể hiện qua 3 yếu tố kiến thức - tố chất - kỹ năng ở mức cao hơn hẳn các thị trường khác.
Nguồn cung ở đây phần lớn là các bạn sinh viên được nhà trường đào tạo kiến thức chuyên môn ngành nghề là chính, trong khi ở phía cầu ngân hàng lại xét cả 3 yếu tố nói trên để quyết định tiếp nhận nhân sự. Điều này dẫn đến tình trạng lệch pha, hay nói cách khác nguồn cung vừa thừa lại vừa thiếu. Các yếu tố ở đây được phía cầu đặt ra là sự vận dụng lý thuyết vào thực tiễn hơn là trang bị lý thuyết ở phía cung được đào tạo.
Trong 3 yếu tố trên, với những ứng viên là sinh viên mới ra trường thì yếu tố thái độ - tố chất được đặt lên hàng đầu. Đó có thể là văn hoá ứng xử, sự hòa đồng, chan hòa với mọi người, sự dấn thân trong công việc, chấp nhận thử thách, chịu được áp lực cao, không ngại gian khó và phải là người có mục tiêu rõ ràng, có sự cam kết với mục tiêu đó… Đây chính là yếu tố mà rất nhiều bạn sinh viên còn thiếu sót. Các bạn không biết rõ mình muốn gì, không hiểu rõ mình sẽ làm công việc gì.
Gần đây tôi có đọc được một câu nói khá hay về nghề bán hàng, đại ý là: “Nghề Sales là “blacklist” của cử nhân, xuất phát điểm của lãnh đạo”. Sinh viên hiện tại rất sợ nghề bán hàng, các bạn nghĩ rằng, học trường đại học có tiếng, khi ra trường phải có được công việc ổn định, ngồi văn phòng đánh máy tính, đếm tiền… Các công việc về mảng hỗ trợ, công việc bán hàng không nằm trong danh sách của họ. Chính vì lẽ đó, khi các ngân hàng hoặc DN tuyển dụng vị trí chuyên viên kinh doanh, chuyên viên bán hàng, họ gần như không màng đến và không có ý định ứng tuyển. Trong khi thực tế, chức danh bán hàng là vị trí tuyển dụng nhiều nhất trong tất cả các DN.
Chính vì nguyên nhân này, các bạn sinh viên cũng rất ít khi tập trung đầu tư cho yếu tố thứ 2 đó là kỹ năng. Thực tế, theo kinh nghiệm của tôi, gần như tất cả các sinh viên trong 3 - 4 năm đi học mà có thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá, công việc làm thêm, thành tích phong trào… khi ra trường đều được các đơn vị tuyển dụng đánh giá rất cao và chào đón vào làm việc. Bởi họ đã được trui rèn, luyện tập và thực hành các kỹ năng sống để có thể ứng dụng ngay vào công việc, và các bạn rất nhanh chóng hoà nhập vào môi trường làm việc ngay khi vừa rời khỏi ghế nhà trường.
Yếu tố thứ 3 trong năng lực cốt lõi là kiến thức: 4 năm học tại môi trường đại học, các bạn đã lĩnh hội được rất nhiều những kiến thức được trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau và được gọi là kiến thức nền tảng. Đây chính là cái gốc để các bạn phát triển bản thân sau này. Tuy nhiên, thực tế lại có một khoảng cách nhất định từ kiến thức nền tảng này đến yêu cầu thực tế của DN.
Cụ thể là các DN luôn tuyển dụng theo từng chức danh nhất định với những đầu mục công việc cụ thể. Theo đó, sinh viên các ngành kỹ thuật (xây dựng, cơ khí, máy móc thiết bị…) có nền tảng kiến thức nghề vững vàng sẽ không lo sợ thất nghiệp, trong khi đa phần các chuyên ngành như tài chính ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh… lại không được đào tạo theo từng chức danh làm việc cụ thể. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên.
Đáng mừng là hiện nay, các bạn sinh viên có thể chọn cho mình con đường thực hành để có nhiều cơ hội tiếp cận việc làm hơn. Tôi tin, khi các bạn tận dụng và kết hợp được các kiến thức từ ghế nhà trường và ứng dụng giải quyết ngay các công việc thực tiễn thông qua thực hành nghề tại Ngân hàng mô phỏng VietVictory thì khoảng cách giữa người ứng tuyển và nhà tuyển dụng sẽ không còn nữa. Đồng thời, khi bạn có vững kiến thức và thành thạo kỹ năng, cơ hội và thành công sẽ luôn chào đón bạn.