Nhân lên điểm sáng

Nhân lên điểm sáng

(ĐTCK) Bức tranh hoạt động quý III của các DN niêm yết trên sàn nhìn chung vẫn chưa sáng màu. Chỉ có một số điểm sáng thuộc các ngành khoáng sản, hàng tiêu dùng.

Mặc dù vẫn còn nhiều DN niêm yết chưa công bố báo cáo quý III, nhưng qua các báo cáo tài chính đã được công bố đến thời điểm này, không nằm ngoài dự đoán của các thành viên thị trường trước đó, các DN trên 2 sàn niêm yết đã có sự phân hóa tương đối mạnh.

Nhóm có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ chủ yếu thuộc các ngành như khoáng sản, hàng tiêu dùng. Đơn cử, trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, VNM đứng đầu với doanh thu trên 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 5.000 tỷ đồng. Chính bởi kết quả tốt như vậy, cộng với tiềm năng tăng trưởng rất lớn khi sữa ngày càng trở thành mặt hàng thiết yếu của người dân, nên dù hầu hết cổ phiếu giảm giá trong quý III, VNM vẫn liên tục ghi điểm và hiện đạt 128.000 đồng/CP, tăng gần 50% so với mức giá hồi cuối tháng 7 vừa qua.

Trong nhóm DN có kết quả kinh doanh tốt còn có thể kể ra một số tên tuổi như PNJ ước đạt 257 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng, BMP lãi 90 tỷ đồng trong quý III, HSG ước lãi hợp nhất 352 tỷ đồng, vượt 46,7% kế hoạch năm, CSM lãi 186 tỷ đồng trong 9 tháng.

Đối lập với nhóm DN tăng trưởng là kết quả ảm đạm của nhóm CTCK, bất động sản, thủy sản. Nhóm DN ngành chứng khoán với những cái tên như Chứng khoán Kim Long (KLS), Chứng khoán ACBS tiếp tục thua lỗ. Những biến động khó lường của TTCK đã khiến kết quả kinh doanh của nhiều công ty biến động mạnh. Chẳng hạn, ngay từ quý I, SHS đã công bố lợi nhuận vượt kế hoạch năm, nhưng đến quý III, công ty này lỗ nặng dẫn đến lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của SHS lỗ 28 tỷ đồng. CTCK Âu Việt (AVS) lỗ 20,34 tỷ đồng trong quý III, kéo kết quả lũy kế 9 tháng âm 9,27 tỷ đồng.

Tương tự diễn biến nhóm chứng khoán là sự ảm đạm của nhóm DN bất động sản. Đây là nhóm ngành chiếm tỷ lệ đông đảo nhất trên 2 sàn niêm yết, song hầu như không thấy điểm sáng nào. Có lẽ cũng vì vậy mà rất ít DN trong nhóm này công bố sớm kết quả kinh doanh 9 tháng. Những công ty đã công bố thì kết quả rất khiêm tốn, CTCP Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng (NDN - sàn HNX) trong quý III/2012 đạt 37,8 tỷ đồng doanh thu, giảm 55,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 2,21 tỷ đồng, giảm 86,86% so với cùng kỳ. Rất nhiều công ty kinh doanh bất động sản đang phải xin ý kiến cổ đông điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012, lý do là không bán được nhà và hàng tồn kho cực lớn. Cổ phiếu bất động sản vốn được coi là bệ đỡ của sàn niêm yết, hiện rất èo uột, chủ yếu dưới mệnh giá, thậm chí có những DN, cổ phiếu rớt xuống 2.000 - 3.000 đồng.

Đáng chú ý là do tâm lý tiêu cực nên dù có nhiều DN đạt lợi nhuận cao nhưng đột biến thì nhà đầu tư cũng không hào hứng và giá cổ phiếu cũng không tăng. Đơn cử, CII trong quý III có khoản doanh thu tài chính 278,7 tỷ đồng, nhờ đó mà lãi gần 102 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, CII lãi 218,37 tỷ đồng, tăng 48,43% so với 9 tháng năm 2011. Giá cổ phiếu CII trong 2 tháng trở lại đây vẫn xoay quanh đầu 2 và không tạo được biến động lớn, dù thông tin lạc quan đã được công bố.

Bức tranh hoạt động quý III của các DN niêm yết trên sàn nhìn chung vẫn chưa sáng màu. Để những điểm sáng còn lẻ tẻ từ các ngành hàng tiêu dùng, khoáng sản… được nhân lên và lan rộng sang các ngành khác, có lẽ chỉ riêng nỗ lực của các DN là chưa đủ, mà còn cần những quyết sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý sớm đi vào cuộc sống. Bởi nhiều vấn đề đã được bàn thảo quá lâu và rất nhiều DN đã không còn sức để chờ đợi.