Khả năng Fed giảm lãi suất đang tăng Dần
Theo giới quan sát, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất ngay trong tháng 6 này đang tăng dần, khi xác suất để cơ quan này thực hiện giảm lãi suất vào cuộc họp ngày 19/6 tới đạt 24,2%, trong khi tỷ lệ này chỉ là 1% vào đầu năm 2019, còn xác suất giữ nguyên là 75,8%, xác suất tăng là 0%.
Xác suất tăng/giảm lãi suất của Fed (Nguồn: CME).
Nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu được cho là nguyên nhân chính khiến Fed thay đổi quan điểm về lộ trình lãi suất trong vòng chưa đầy 6 tháng. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đang phản ứng khá tích cực với thông tin này và coi đây là chất xúc tác chính giúp chứng khoán quốc tế có những phiên hồi phục gần đây.
Tại thị trường Việt Nam, khối ngoại đã đẩy mạnh mua ròng trong tuần qua. Trong đó, Quỹ VanEck mua ròng hơn 180 tỷ đồng, còn Quỹ VFM mua ròng gần 350 tỷ đồng. Nhìn chung, khối ngoại vẫn có góc nhìn tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi thị trường càng giảm, khối này càng mua ròng mạnh.
thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn.
Chưa thoát khỏi pha giảm
Tuần qua, đà giảm mạnh của đồ thị giá ghi nhận những nhịp chững lại. Chỉ số VN30 liên tục có nhịp nhún xuống khu vực 855 điểm và xuất hiện các mẫu hình nến rút chân. Nhìn chung, thị trường chưa thoát khỏi pha giảm, đây chỉ mới được xem là những nhịp hồi phục ngắn hạn.
Diễn biến giá hợp đồng VN30F1906 và chỉ số VN30.
Cả chỉ số VN30 và hợp đồng VN30F1M có ngưỡng cản mạnh tại khu vực 880 điểm. Nếu các chỉ số bứt phá qua “cửa sóng” này thì sẽ thoát khỏi pha giảm, còn nếu giá tiếp tục loay hoay bên dưới ngưỡng này thì thị trường sẽ còn gặp nhiều rung lắc.
Đà lan tỏa theo vốn hóa & MA10
Lực cung cạn kiệt dần trong suốt tuần vừa qua, trong khi lực cầu tỏ ra khá thận trọng, trạng thái mua lên rất yếu ớt ngay cả khi chỉ số giảm sâu. Kết phiên cuối tuần (7/6), cung và cầu đang giao thoa tại khu vực 15-16% phản ánh bức tranh tương đối trung lập. Với trạng thái này, khả năng cao chỉ số sẽ khó có biến động mạnh trong tuần này.
Dòng tiền luân chuyển kém ở các mã trụ
Sự lan tỏa ở các cổ phiếu vốn hóa lớn chưa có nhiều cải thiện. Ðường đà lan tỏa vẫn nằm dưới đường trung bình 10 phiên gần nhất. Diễn biến này cho thấy, thị trường vẫn chưa thoát khỏi pha giảm, các cổ phiếu vốn hóa lớn không phải là ưu tiên giải ngân hàng đầu của dòng tiền ở giai đoạn hiện tại.
Nhóm ngành trụ hút tiền kém
Tuần qua, dòng tiền tiếp tục hoạt động rất kém ở các nhóm ngành dẫn dắt, số lượng cổ phiếu đang trong xu hướng giảm vẫn chiếm áp đảo (66%). Bất động sản là nhóm có diễn biến giá tích cực nhất trong các nhóm ngành trụ, nhưng thanh khoản lại là vấn đề lớn của nhóm này. Thông thường, giá tăng mà dòng tiền không tăng theo thì đà tăng sẽ không bền vững.
Ngược lại, nhóm thực phẩm - đồ uống và ngân hàng có diễn biến thiếu tích cực, giá giảm và dòng tiền có dấu hiệu rút ra. Ðặc biệt, dòng tiền tỏ ra rất thờ ơ ở nhóm ngân hàng. Trong bối cảnh các nhóm trụ chưa có triển vọng tích cực, động lực để thị trường chung bứt phá là chưa cao.
Canh mua trong các pha điều chỉnh
Các góc nhìn về cơ bản cũng như kỹ thuật đều cho thấy, thị trường đang thoát khỏi giai đoạn hoảng loạn và khó khăn nhất. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc thị trường sẽ quay trở lại xu hướng tăng. Dòng tiền bên mua vẫn rất thận trọng, nhất là ở các cổ phiếu vốn hóa lớn. Thêm vào đó, đà lan tỏa đang vận động dưới ngưỡng trung bình 2 tuần và góc nhìn kỹ thuật thể hiện giá vẫn đang nằm dưới “cửa sóng” là mốc kháng cự 880 điểm trên cả chỉ số VN30 và VN30F1906.
Mốc kháng cự 880 điểm, mốc hỗ trợ 855-860 điểm của VN30F1906
Do đó, khả năng trong tuần này, các chỉ số sẽ tiếp tục rung lắc, nhưng với biên độ hẹp hơn, thay vì biến động mạnh như tuần trước. Trong bối cảnh thị trường vẫn trong xu hướng giảm, những nhịp chỉ số tiếp cận mốc kháng cự 880 điểm là cơ hội mở vị thế Short (bán) đi theo xu hướng giảm nếu không được kiểm định thành công. Ngược lại, chiến lược Long (mua) sẽ được kích hoạt nếu giá xuất hiện những nhịp điều chỉnh về khu vực hỗ trợ là đáy cũ 855-860 điểm.