Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

TA focus (phiên 24/5): Quan sát vào hàng MBB, DGW đang có xu hướng tăng

(ĐTCK) Các chỉ báo chưa quá xấu và việc VN-Index không thủng 980 mở ra cơ hội chỉ số quay lại đỉnh gần nhất (993 điểm).

Kết phiên giao dịch 23/5/2019, VN-Index chốt ở 982,71 điểm, giảm 1,07 điểm (-0,11%) với khối lượng giao dịch khớp lệnh thấp, chỉ đạt 108 triệu đơn vị, giá trị 2.485 tỷ đồng. Như vậy, VN-Index đã giảm 3 phiên liên tiếp.

Về mặt kỹ thuật

VN-Index có phiên giao dịch với khối lượng khớp lệnh thấp nhất kể từ đầu tháng, nhưng quan trọng nhất là chốt phiên chỉ số không thủng ngưỡng hỗ trợ 980 điểm. Áp lực chốt lời không còn mạnh như những phiên trước đơn giản là vì “lời đâu nữa mà chốt”.

Quan sát diễn biến trong phiên khi VN-Index thủng 980 lần thứ 2 sau 11h sáng cho thấy, có thể do mức thua lỗ vẫn chịu được cho nên bên bán chưa ra hàng quyết liệt đẩy chỉ số lún sâu hơn. Cầu bắt đáy thường trực xuất hiện loanh quanh 980 điểm, cộng áp lực cắt lỗ chưa lớn đã cứu VN-Index không thủng 980.

Về nhóm chỉ báo dao động (Bollinger Band…): Dải BB không có biến động gì nhiều, điểm cộng là đường BBmiddle (MA20) vẫn dốc lên.

Về nhóm chỉ báo động lượng (RSI, MACD…): MACD đang có dấu hiệu quay lại line 0, histogram cho thấy lực mua giảm hẳn so với phiên hôm trước.

Về nhóm chỉ báo cường độ thị trường (OBV, AD…): OBV vừa chạm đúng vào kênh xuống, nhưng chưa xuyên thủng cho hy vọng chỉ số vẫn có thể hồi phục.

Về nhóm chỉ báo xu hướng (SAR, ADX…): DMI+ đã tiến gần DMI- hơn nhưng cũng chưa cắt. ADX nhỏ thua 20 nên chưa xác nhận thị trường có xu hướng.

 Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index.

Tóm lại, các chỉ báo chưa quá xấu. Hơn nữa, việc không thủng 980 mở ra cơ hội chỉ số quay lại đỉnh gần nhất (993 điểm). Tuy nhiên, thanh khoản quá thấp cho thấy phần lớn dòng tiền đang đứng ngoài chờ đợi do động lực tăng mạnh hiện tại chưa rõ ràng.

Khoảng trống thông tin trong tháng 5 quá lớn, cộng với việc chỉ số hình thành 1 cây nến gần giống kiểu Doji cho thấy cả bên bán và bên mua đang rất lưỡng lự, do đó có cơ sở tin rằng, hiện tại xác suất tăng mạnh, lình xình và xuống tiếp là như nhau.

Cổ phiếu cần quan tâm theo phân tích kỹ thuật

MBB: Quan sát vào hàng nếu các điều kiện thỏa mãn.

MBB đã tăng 4 phiên liên tiếp với biên độ dao động giá hẹp, bất chấp VN-Index giảm liên tiếp 3 phiên. Hiện tại, giá đã vượt qua MA20, đáng chú ý có phiên hôm 22/5, MBB có lúc tăng gần 3%. Tuy nhiên, giá không xuyên thủng được kênh giá xuống tầm 21,9 (như trên đồ thị).

 Đồ thị phân tích kỹ thuật cổ phiếu MBB.

Nhà đầu tư có thể quan sát MBB phiên cuối tuần và vào lệnh mua nếu MBB vượt hẳn qua kênh giá tầm 21,9, cùng với RSI cũng vượt qua kênh xuống tầm 58 - 59. Có sự bùng nổ khối lượng nữa, thì xác suất có lợi nhuận càng cao. Cắt lỗ tầm 20,8 - 20,5 là chấp nhận được.

DGW

DGW hiện tại ADX đang xác nhận là có xu hướng và xu hướng là tăng. Hôm 23/5, giá hồi phục tốt từ đáy kênh đi lên. Hơn nữa, DGW đã test xong MA20 từ phiên 17/5. Quan sát đồ thị thì các chỉ báo khác đều khá đẹp.

 Đồ thị phân tích kỹ thuật cổ phiếu DGW.

Ngoài MBB, DGW thì VHC, VJC cũng là 1 lựa chọn tốt tùy khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư.

Tin bài liên quan