Rủi ro ngắn hạn của thị trường thấp

Rủi ro ngắn hạn của thị trường thấp

(ĐTCK) Với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ, VN-Index đã tăng đúng 5 điểm trong tuần qua lên mức 588 điểm với thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao. 

Đáng lưu ý, trong phiên giao dịch thứ Sáu, VN-Index đã tăng khá mạnh và hướng đến vùng 600 điểm, tuy nhiên, lực chốt lời tăng đột biến vào cuối phiên ở các cổ phiếu chủ chốt khiến chỉ số này giảm về gần vùng giá tham chiếu.

Trong tuần qua, thông tin quan trọng nhất tác động tới thị trường là việc Chính phủ yêu cầu SCIC thoái vốn tại 10 doanh nghiệp bao gồm VNM, FPT, FPT Telecom, BMP, VNR, BMI và 4 doanh nghiệp khác vào “thời điểm thích hợp” mà cụ thể là trong 2015 - 2016.

Với VNM, khó có thời điểm nào thích hợp hơn thời điểm hiện tại khi lợi nhuận và tăng trưởng của doanh nghiệp đều đang ở mức cao và cổ phiếu đang được khối ngoại săn đón. Việc SCIC thoái vốn cũng sẽ tạo điều kiện cho VNM tìm được cổ đông chiến lược phù hợp để tăng cường năng lực cạnh tranh sau khi Việt Nam gia nhập TPP. Điều này đồng nghĩa với việc VNM có thể mở room khối ngoại cả về pháp lý lẫn thực chất, vì SCIC sẽ không thông qua việc mở room cũng như việc SCIC giữ 45% sẽ khiến việc mở room, nếu có, cũng là hữu danh vô thực. Đây có thể là tin tốt nhất với VNM trong nhiều tháng gần đây. Tình hình cũng tương tự với BMP.

Với FPT, SCIC chỉ bán 6% và sẽ không ảnh hưởng lớn tới Tập đoàn. Tuy nhiên, thông tin tốt là FPT Telecom cũng sẽ được bán ra và nhiều khả năng đối tác mua lại chính là FPT. FPT Telecom là đơn vị đóng góp lớn nhất cho lợi nhuận của FPT nhưng cổ đông FPT không được hưởng lợi hoàn toàn từ đơn vị này do FPT chỉ giữ hơn 40%. Việc FPT mua lại cổ phần FPT Telecom từ SCIC sẽ khiến lợi nhuận ròng của Tập đoàn tăng mạnh. Dù còn phải xác định giá SCIC bán trước khi đánh giá xem cổ đông FPT hưởng lợi thế nào từ giao dịch này, nhưng đây vẫn là tin tốt với FPT. Mặt khác, nếu FPT sở hữu 100% FPT Telecom, việc mở room khối ngoại của FPT sẽ khó khăn hơn vì ngành viễn thông vẫn là ngành bị hạn chế.

Bên cạnh đó, PVN đã chia sẻ về tình hình kinh doanh 9 tháng. Về tổng thể, giá dầu giảm nhưng sản lượng tăng nên kết quả kinh doanh dù không bằng năm ngoái nhưng không quá xấu. Đặc biệt là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung quất) hoạt động tốt hơn dự kiến. Với các đơn vị niêm yết như PVS, DPM, PVT và PVC đều vượt từ 10% kế hoạch 9 tháng trở lên. PVPower, công ty mẹ của NT2, cũng nằm trong danh sách các đơn vị vượt kế hoạch lợi nhuận.

GAS chỉ vượt kế hoạch về sản lượng do giá khí bán ra thấp hơn nhiều so với dự toán (dựa trên giá dầu 100 USD/thùng). Quan trọng hơn, PVN cũng chia sẻ chi phí khai thác trung bình hiện chỉ 28 USD/thùng, giảm 8 USD/thùng so với kế hoạch (có thể là do tiết kiệm chi phí hoặc/và đóng các mỏ khai thác chi phí cao). Hiện chỉ có 3 mỏ có chi phí khai thác hơn 50 USD/thùng. Với diễn biến này, triển vọng của ngành dầu khí đã sáng hơn, nhưng khó khăn vẫn còn đó với các đơn vị tập trung vào thăm dò như PVD dù PVN vẫn có định hướng tiếp tục thăm dò mỏ mới.

Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm, mỗi cổ phiếu sẽ biến động theo thông tin riêng. Với cả thị trường, không có thông tin nào quá tích cực ở thời điểm này và VN-Index có thể tiếp tục biến động nhẹ nhưng rủi ro ngắn hạn theo chúng tôi là thấp.

Tin bài liên quan