Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường có tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp với thanh khoản tiếp tục đi xuống với chỉ khoảng 4.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả HOSE và HNX. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 22,39 điểm (-2,3%), xuống 960,78 điểm; HNX-Index giảm 5,81 điểm (-5,2%), xuống 106,17 điểm. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 25/6: Ngay khi mở cửa, VN-Index đã tăng vọt lên gần mốc 1.000 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền tỏ ra dè dặt với nhóm cổ phiếu lớn khiến đà tăng của thị trường nhanh chóng giảm nhiệt.

Trong phiên chiều, dòng tiền tiếp tục tìm vận may với nhóm cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ, trong khi tỏ ra dè dặt với nhóm cổ phiếu lớn và bluechip khiến VN-Index chỉ lình xình và đóng cửa trên 990 điểm.

Do dòng tiền hướng đến nhóm cổ phiếu nhỏ, nên khối lượng giao dịch nay tăng khá so với phiên cuối tuần trước, nhưng giá trị lại sụt giảm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 7,35 điểm (+0,75%), lên 990,52 điểm; HNX-Index tăng nhẹ 0,01 điểm (+0,01%), lên 111,99 điểm; UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,41%), lên 52,02 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.255 tỷ đồng.

Về phần các Dự, do phiên cuối tuần trước đó đã phục hồi khá tốt, nên đa số các công ty chứng khoán đã lạc quan nhận định rằng phiên đầu tuần mới 25/6 sẽ là một phiên tăng điểm tiếp theo.

Trong đó, BVSC gợi ý mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II và hiệu ứng chốt NAV của các quỹ được đánh giá là những tin tức hỗ trợ tích cực cho VN-Index.

BSC nhận định tâm lý thị trường đã có phần bớt lo ngại nhưng xu hướng tăng điểm mạnh vẫn chưa rõ ràng.

PHS nhận định khá chính xác về diễn biến VN-Index trong cả tuần này, khi cho rằng việc không nhận được sự ủng hộ từ thanh khoản kèm việc chưa đóng cửa lấp gap hoàn toàn khiến cho VN-Index vẫn còn đối mặt với rủi ro rung lắc trong những phiên tới.

KBSV đề xuất nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể giải ngân các mã vốn hóa lớn đang dẫn dắt thị trường hiện tại: VIC, VCB (và nhóm Ngân hàng), HPG.

SHS lạc quan nhất khi cho rằng trong tuần giao dịch này, VN-Index có thể sẽ có một tuần tăng điểm nhằm lấy lại các mốc quan trọng đã mất, mà gần nhất là ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.

* Sang phiên 26/6: Trong phiên sáng, ảnh hưởng từ phiên lao dốc của thị trường chứng khoán thế giới, thị trường Việt Nam giảm mạnh trong nửa đầu phiên, xuống vùng 970 điểm. Tuy nhiên, sau đó, nhờ lực cầu bắt đáy đã hãm đà giảm của thị trường.

Trong phiên chiều, đà giảm của VN-Index tiếp tục được thu hẹp dần khi một số mã lớn hãm bớt đà giảm, trong khi dòng tiền tiếp tục chảy vào nhóm cổ phiếu nhỏ, giúp nhiều mã trong nhóm này khởi sắc.

Đóng cửa, VN-Index giảm 7,5 điểm (-0,76%), xuống 983,02 điểm; HNX-Index giảm 1,07 điểm (-0,96%), xuống 110,92 điểm; UPCoM-Inex tăng 0,13 điểm (+0,24%), lên 52,15 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.283 tỷ đồng.

Về phần các Dự, BVSC tiếp tục có những nhận xét khá chính xác khi vẫn cho rằng, nhiều khả năng thị trường sẽ trải qua các nhịp lình xình, phân hóa trong thời gian tới.

BSC nhận thấy thanh khoản bắt đầu có tín hiệu sụt giảm nên khuyến nghị nhà đầu tư nên quan sát, theo dõi thị trường và việc mua bán của khối ngoại.

PHS khuyến nghị có thể tham gia giải ngân trở lại ở nhóm Ngân hàng – Chứng khoán – Bất động sản với tỷ lệ margin duy trì ở mức vừa phải.

KBSV cho rằng, xu hướng ngắn hạn đang dịch chuyển sang down-trend. Trong khi đó, SHS đã thiếu chính xác khi nhận định phiên này VN-Index vẫn có thể tiếp tục hồi phục với mục tiêu là vùng kháng cự trong khoảng 995-1.000 điểm.

* Sang phiên 27/6: Trong phiên sáng, sau khi giảm xuống dưới 980 điểm, lực cầu bắt đáy tại một số bluechip đã giúp thị trường hồi phục, tạm nghỉ trưa gần như không đổi.

Trong phiên chiều, sau khi chớm sắc xanh, lực cung đã gia tăng mạnh không chỉ ở nhóm bluechip, mà cả lực chốt lời sớm ở các mã penny đã khiến thị trường quay đầu và lao mạnh, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, VN-Index giảm 14,11 điểm (-1,44%), xuống 968,91 điểm; HNX-Index giảm 0,7 điểm (-0,63%), xuống 110,22 điểm; UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,37%), xuống 51,96 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 6.766 tỷ đồng.

Về phần các Dự, BVSC nhận định điểm tiêu cực nhất trong phiên trước đó là sự sụt giảm mạnh của thanh khoản bất chấp việc chỉ số giảm điểm. Diễn biến này có thể sẽ gây tâm lý chán nản cho người cầm cổ phiếu trong các phiên tới.

Cũng nhìn nhận thanh khoản suy yếu, BSC khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường và chờ những tín hiệu cho thấy dòng tiên quay trở lại để tham gia mở vị thế.

SHS cũng nhận thấy yếu tố thanh khoản giảm, một phần dòng tiền đã dịch chuyển sang thị trường phái sinh, khối ngoại chỉ mua/bán nhẹ.

Tất cả những điều trên cho thấy thị trường đang ở trong giai đoạn tích lũy với thanh khoản cạn kiệt, sự phân vân cũng như chán nản của nhà đầu tư có xu hướng tăng dần.

PHS lại đưa ra dự đoán khả năng thị trường có thể có phiên test lại vùng gap 983-990 đã tạo trong phiên 26/6.

KBSV vẫn cho rằng, xu hướng giảm giá (trong trung/dài hạn) vẫn đang chi phối thị trường.

* Sang phiên 28/6: Thị trường bất ngờ bật lên ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, sắc xanh nhanh chóng được thay bằng sắc đỏ khi áp lực bán tăng dần, có thời điểm VN-Index lùi qua mốc 955 điểm.

Trong phiên chiều, VN-Index nhanh chóng được kéo về tham chiếu 968 điểm, rồi cũng rất nhanh giảm trở lại trước áp lực bán mạnh.

Trong bối cảnh sức cầu hạn chế, dòng tiền vào thị trường thận trọng, mà áp lực bán sau mỗi nhịp hồi phục mỗi lúc tỏ ra mạnh và dứt khoát hơn, nên việc VN-Index tiếp tục có thêm phiên giảm mạnh là dễ hiểu.

Đóng cửa, VN-Index giảm 11,56 điểm (-1,19%), xuống 957,35 điểm; HNX-Index giảm 2,6 điểm (-2,38%), xuống 107,06 điểm; UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,59%), xuống 51,65 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5.215 tỷ đồng.

Về phần các Dự, mặc dù phiên mất điểm khá mạnh hôm trước diễn ra, đi kèm thanh khoản vẫn không được cải thiện, nhưng BVSC vẫn cho rằng đây chưa phải là dấu hiệu thị trường sẽ bước vào nhịp sụt giảm mạnh.

BSC cho rằng cần theo dõi tín hiệu thanh khoản trong thời gian tới và nhà đầu tư nên thận trọng ở thời điểm hiện tại.

PHS và KBSV đều có chung khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ trạng thái đứng ngoài và quan sát diễn biến thị trường ở vùng 940-960 điểm để có quyết định hợp lý.

SHS nhận định VN-Index có thể tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 950-1.000 điểm như diễn biến của 6 phiên trước đó.

* Phiên giao dịch cuối tuần 29/6: Trong phiên sáng, thị trường giằng co trong biên độ hẹp quanh tham chiếu do nhà đầu tư tỏ rất thận trọng trước các phiên giảm liên tiếp trước đó, đặc biệt là những đợt kéo xả cuối phiên khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay.

Bước vào phiên chiều, sự thận trọng tiếp tục khiến thị trường giằng co nhẹ. Tuy nhiên, về cuối phiên, dòng tiền hoạt động tích cực hơn, giúp VN-Index đảo chiều, đóng cửa phiên cuối tuần trong sắc xanh nhạt.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3,43 điểm (+0,36%), lên 960,78 điểm; HNX-Index giảm 0,55 điểm (-0,52%), xuống 106,5 điểm; UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,63%), lên 51,97 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.799 tỷ đồng.

Về phần các Dự, sau phiên mất hơn 11 điểm, thủng mốc 960 điểm hôm trước, sự thận trọng đã được các công ty chứng khoán đưa ra.

Theo đó, BVSC cho rằng, rủi ro thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ sâu hơn (895-915 điểm) đang ngày một tăng lên.

BSC nhận thấy cần thêm thời gian và động lực rõ ràng hơn để dòng tiền quay trở lại. Nhà đầu tư cần theo dõi thêm và không sử dụng margin.

PHS lại có cái nhìn tích cực nhất định, khi phiên giảm trước đó vẫn có tín hiệu VN-Index tạo nến dạng Inverted Hammer khi tiếp cận vùng 940-960, tuy bóng nến không quá lớn nhưng điều này cũng cho thấy sự xuất hiện của bên mua.

Thanh khoản gia tăng trở lại trên mức 3000 tỷ và đạt mức trung bình 10 phiên, điều này cho thấy lực cầu bắt đáy đang tham gia trở lại.

KBSV tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư đứng ngoài thị trường. Các tín hiệu kỹ thuật đồng loạt thay đổi theo hướng tiêu cực và không loại trừ khả năng sụt giảm mạnh bất ngờ trong ngắn hạn.

SHS bảo lưu quan điểm thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy với thanh khoản cạn kiệt và diễn biến có thể sẽ là các phiên tăng giảm đan xen nhau.

Tin bài liên quan