Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường có tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp, bên bán tiếp tục kiểm soát thị trường trước lực cầu bắt đáy rất hạn chế của nhà đầu tư. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 76,64 điểm (-7,4%), xuống 963,9 điểm; HNX-Index giảm 6,78 điểm (-5,6%), xuống 114,49 điểm. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần (21/5): Trong phiên sáng, sự dè dặt của cả bên mua và bên bán khiến thị trường lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp.

Trong phiên chiều, VN-Index nhích lên trên tham chiếu, ngay khi vừa chớm sắc xanh, lực bán tháo đã diễn ra, đẩy VN-Index lao dốc. Khi xuống mức 1.020 điểm, thị trường có nhịp hổi nhẹ, nhưng trong đợt ATC, lực bán lại ồ ạt diễn ra, đẩy VN-Index xuống 1.015 điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm 25,56 điểm (-2,46%), xuống 1.014,98 điểm; HNX-Index giảm 1,3 điểm (-1,07%), xuống 119,97 điểm; UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,81%), xuống 54,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 4.474 tỷ đồng.

Về phần các Dự, với phiên đảo chiều cuối tuần trước thì một số công ty chứng khoán đã cho rằng phiên 21/5 chỉ số sẽ tiếp tục phục hồi như BVSC, SHS, PHS.

Tuy nhiên, với thanh khoản tiếp tục ở mức thấp, thậm chí nhiều phiên sụt giảm trước đó thì nhóm công ty này cùng BSC và KBSV cũng đều nhận định rằng, “hiện tại khả năng thị trường đã tạo xong đáy, kết thúc nhịp điều chỉnh và đi lên ngay ở vùng giá hiện tại chưa được đánh giá cao - BVSC.

“Xu hướng trung hạn vẫn là giảm điểm” – BSC. “Rủi ro vẫn không có dấu hiệu giảm bớt” – KBSV. “Thị trường hiện vẫn có rủi ro cao và chưa xác nhận đã tạo đáy thành công” – SHS.

* Sang phiên 22/5: Sau phiên sáng lao dốc thủng mốc 1.000 điểm với hầu hết nhóm ngành cùng nhiều bluechip tiếp nối đà giảm như VIC cùng nhóm VCB, BID, CTG và 25 mã đỏ trong VN30.

Bước sang phiên chiều, áp lực bán tháo dồn mạnh hơn và diễn ra trên diện rộng, với đà giảm được nới rộng của nhiều cổ phiếu lớn và bluechip. Lực cầu bắt đáy nhẹ xuất hiện trước khi bước vào đợt khớp ATC, đã kéo chỉ số leo lên 985 điểm.

Tuy nhiên, trong đợt khớp ATC, lực mua đã đuối dần và không có bất ngờ nào xảy ra, chỉ số chỉ đi ngang và chốt ở mất gần 30 điểm

Đóng cửa, VN-Index giảm 29,07 điểm (-2,86%), xuống 985,91 điểm; HNX-Index giảm 2,94 điểm (-2,46%), xuống 116,72 điểm;  UpCoM-Index giảm 1,05 điểm (-1,9%), xuống 53,73 điểm.

Về phần các Dự, SHS đã dự đoán rằng thị trường sẽ phục hồi do đã giảm quá sâu trong phiên trước đó, nhưng cũng lưu ý rằng nếu phục hồi thì cũng trên nền tảng thanh khoản thấp.

Không đưa ra nhìn nhận về chỉ số, BVSC chỉ ra, thanh khoản yếu vẫn đang là lực cản không nhỏ đối với tâm lý chung của nhà đầu tư.

Trong khi đó PHS nhận định khá chính xác khi không có nhiều kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể giữ được mốc 1.000 điểm.

KBSV có cái nhìn cũng không mấy khả quan khi cho rằng tốc độ giảm giá của thị trường (nếu có) được dự báo sẽ nhanh và mạnh hơn nhiều, và khuyến nghị nhà đầu tư ngừng tất cả hoạt động MUA, và chuyển sang BÁN với mức giá tốt nhất có thể.

* Sang phiên 23/5: Trong phiên sáng, áp lực bán diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là đà giảm mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn đã khiến VN-Index tiếp tục lùi sâu xuống dưới ngưỡng 970 điểm.

Trong phiên chiều, quán tính của phiên sáng khiến VN-Index tiếp tục lùi sâu, xuống mức đáy của ngày 965,92 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy sau đó xuất hiện tại một số mã ngân hàng và lan rộng ra các mã khác, kéo chỉ số tăng liền một mạch hơn 28 điểm, lên trên 995 điểm.

Nhưng trong đợt khớp lệnh ATC, lực bán gia tăng đã khiến VN-Index hụt hơi, chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ khi đóng cửa.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3,03 điểm (+0,31%), lên 988,94 điểm; HNX-Index tăng 1,39 điểm (+1,19%), lên 118,11 điểm; UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,64%), lên 54,07 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 7.705 tỷ đồng.

Về phần các Dự, BSC nhận định chính xác khi cho rằng, có thể thị trường sẽ có những phiên phục hồi xen kẽ nhưng chỉ là phục hồi kỹ thuật do xu hướng giảm điểm vẫn khá mạnh.

BVSC cũng có cái nhìn về những phiên hồi phục, nhưng vẫn rất thận trọng khi phán đoán, mặc dù các phiên hồi phục kỹ thuật có thể sớm xuất hiện, tuy nhiên chưa xuất hiện tín hiệu đáng tin cậy cho thấy nhịp điều chỉnh của thị trường đã chấm hết.

Trong khi đó, với nhận định tích cực nhất thì PHS cho rằng VN-Index có thể có thời điểm hồi để test lại vùng 1.000-1.015 điểm.

Cùng với nhận định VN-Index phục hồi là SHS “VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại nếu test thành công lực cầu trong vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 960-974 điểm”.

KBVS lại nhấn mạnh tầm trong quan trọng của VIC - Diễn biến tiếp theo của thị trường phụ thuộc rất lớn vào VIC và nhóm Ngân hàng nên cần quan sát phản ứng tiếp theo của các cổ phiếu này mới có thể xác định điểm cân bằng/phục hồi ngắn hạn của thị trường”.

* Sang phiên 24/5: Ngay từ khi mở cửa, dư âm từ phiên tăng mạnh trước đó dần bị xóa nhòa khi áp lực bán sớm xuất hiện và tập trung tại nhóm bluechip khiến VN-Index giảm điểm.

Trong phiên chiều, dòng tiền vào thị trường vẫn khá dè dặt. Bởi vậy, sự hồi phục của VN-Index không cải thiện nhiều. Đà giảm của VN-Index chỉ được hạn chế bớt chủ yếu nhờ 3 mã vốn hóa lớn là VHM, VIC và VNM tăng điểm.

Mức giảm của thị trường tuy không lớn nhờ sự hỗ trợ của một số mã trụ, nhưng thanh khoản lại sụt giảm mạnh vì không nhận được sự hậu thuận của dòng tiền.

Đóng cửa, VN-Index giảm 3,02 điểm (-0,31%), xuống 985,92 điểm; HNX-Index giảm 1,04 điểm (-0,88%), xuống 117,07 điểm; UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,36%), xuống 53,88 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.468 tỷ đồng.

Về phần các Dự, bất chấp phiên phục hồi trước đó, các công ty chứng khoán vẫn chưa tin tưởng đây là nhịp phục hồi, với BSC nhận định, chỉ số hồi phục nhẹ trước đó đi cùng với thanh khoản tương đối, chưa phải là đột biến, chưa khẳng định đây đã là mức đáy, nhà đầu tư nên đứng ngoài và tiếp tục quan sát.

Tương tự là PHS khi công ty này cho biết chưa thấy tín hiệu tin cậy cho thấy khả năng thị trường tạo đáy, nhà đầu tư nên tiếp tục ở ngoài quan sát, chưa vội tham gia bắt đáy vào lúc này.

Trong khi đó KBVS khuyến nghị nhà đầu tư có thể mua ngắn hạn nhóm cổ phiếu ngân hàng-chứng khoán.

SHS nhìn nhận VN-Index có thể sẽ giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 960-1.000 điểm.

* Bước sang phiên cuối tuần 25/5: Trong phiên sáng, thị trường giằng co nhẹ do cả bên mua và bên bán thận trọng, nhờ đó VN-Index không giảm quá sâu nhờ sự hỗ trợ của cặp đôi VHM-VIC.

Sang đến phiên chiều, với sự hỗ trợ của cặp đôi này, VN-Index nỗ lực hồi phục và về sát mức tham chiếu.

 Tuy nhiên, chưa kịp chớm sắc xanh, lực cầu đã ồ ạt tung vào, đẩy VN-Index lao dốc không phanh xuyên thủng mốc 965 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ còn cặp đôi VIC-VHM duy trì đà tăng, còn lại đều giảm mạnh.

Đóng cửa, VN-Index giảm 22,02 điểm (-2,23%), xuống 963,9 điểm; HNX-Index giảm 2,58 điểm (-2,21%), xuống 114,49 điểm; UPCoM-Index giảm 0,75 điểm (-1,38%), xuống 53,13 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5,629 tỷ đồng.

Về phần các Dự, hầu như tất cả các công ty chứng khoán đều đang cảm thấy thị trường chưa có những tín hiệu tích cực rõ ràng, và bảo lưu quan điểm Vẫn chưa thấy tín hiệu tạo đáy rõ ràng – PHS. Trạng thái thị trường vẫn ở giai đoạn nhạy cảm – BSC.

Còn BVSC cho rằng, dòng tiền bắt đáy hoạt động nhìn chung còn khá yếu, trong khi áp lực bán ở nhóm vốn hóa lớn vẫn ở mức cao khiến xu hướng điều chỉnh của thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong ngắn hạn.

KBSV tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư dừng các hoạt động MUA cho đến khi thị trường ổn định hơn.

SHS nhận định phiên này VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 960-1.000 điểm, với nền tảng thanh khoản thấp.

Tin bài liên quan