Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường tiếp tục giảm tuần thứ 3 liên tiếp, thanh khoản sụt giảm nhẹ khi nhà đầu tư lo ngại khả năng bull trap và chưa muốn quay trở lại thị trường. VN-Index giảm 69,6 điểm (-6,2%) xuống 1.050,26 điểm; HNX-Index giảm 9,94 điểm (-7,5%) xuống 122,64 điểm. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.
* Phiên giao dịch đầu tuần 23/4: Trong tuần trước, thị trường liên tiếp có những phiên giảm sâu, đặc biệt là phiên 19/4. Sau đó, thị trường đã hồi phục tốt trong phiên cuối tuần khi VN-Index tìm được ngưỡng 1.080 điểm.

Tuy nhiên, với thanh khoản đứng ở mức thấp, một số chuyên gia cho rằng, phiên hồi phục này lại lại một tín hiệu xấu và nếu diễn ra như thế, đó chỉ là phiên bulltrap.

Nhận định này có vẻ đã chính xác khi trong phiên 27/4, VN-Index được đẩy lên mức 1.125 điểm, nhưng sau đó lực cung đã gia tăng mạnh, đẩy chỉ số quay đầu giảm điểm.

Bước vào phiên chiều, lực cung còn diễn ra mạnh mẽ hơn và trên diện rộng, đẩy VN-Index lao dốc không phanh về sát 1.080 điểm. Lực cung ồ ạt trong đợt ATC đã khiến chỉ số chìm sâu hơn.

Đóng cửa, VN-Index giảm 43,08 điểm (-3,85%), xuống 1.076,78 điểm; HNX-Index giảm 6,36 điểm (-4,8%), xuống 126,22 điểm; UPCoM-Index giảm 1,1 điểm (-1,89%), xuống 57,15 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 8.657 tỷ đồng.

Về phần các Dự, sau tuần giao dịch căng thẳng tuần trước, sự thận trọng bao trùm cả thị trường, và nhận định của các công ty chứng khoán về tuần giao dịch mới cũng ít khả quan, khi BSC cho rằng, áp lực điều chỉnh có thể còn tiếp tục xuất hiện cho đến khi thị trường có tín hiệu hồi phục rõ ràng. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể điều chỉnh tỷ trọng danh mục.

Tương tự là KBSV “Phiên phục hồi mạnh cuối tuần trước với thanh khoản thấp chưa làm thay đổi trạng thái chung của thị trường”.

Trong khi đó SHS lại có cái nhìn về 1 phiên phục hồi kỹ thuật, nhưng không dễ dàng để vượt qua được vùng kháng cự 1.140-1.160 điểm (MA5-10).

BVSC nhận định nhịp hồi phục cuối tuần trước, có thể chưa thật sự bền vững, chỉ đủ cho các giao dịch T+ nhằm trung bình giá vốn.

* Sang phiên 24/4: Trong phiên sáng, dư âm của phiên lao dốc trước đó tiếp tục ảnh hưởng xấu khi áp lực cung mạnh đã được đưa vào, đẩy VN-Index xuyên thủng ngưỡng 1.050 điểm.

Ở vùng hỗ trợ này, lực cầu báy đáy nhập cuộc, kéo VN-Index hồi phục trở lại và thanh khoản cũng tăng.

Trong phiên chiều, nhà đầu tư lại bất ngờ thận trọng trở lại, khiến VN-Index rung lắc nhẹ, thậm chí còn bị đẩy ngược trở lại và đã chớm sắc đỏ khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục.

Trong đợt ATC, lực cầu gia tăng trở lại ở các mã lớn, giúp VIC, VRE, BID lấy lại đà tăng mạnh, VCB, VPB, MSN có sắc xanh, qua đó giúp lấy lại được mốc 1.080 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3,96 điểm (+0,37%), lên 1.080,74 điểm; HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,13%), lên 126,3 điểm; UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,15%), xuống 57,06 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 7.434 tỷ đồng.

Về phần các Dự, BVSC tỏ ra chính xác khi cho rằng Sẽ sớm xuất hiện nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật.

Tương tự, nhưng PHS chỉ cho rằng, các phiên tăng điểm mạnh nếu có chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật.

SHS nhận định VN-Index có thể sẽ duy trì đà giảm để kiểm định lại hỗ trợ 1.065 điểm, và có thể hồi phục kỹ thuật từ ngưỡng này.

BSC thận trọng hơn khi khuyến nghị nhà đầu tư nên  thận trọng trong việc giải ngân mới, ưu tiên việc bảo toàn tỷ lệ margin.

* Sang phiên 26/4: Thị trường trở lại trong sắc xanh nhạt, VN-Index vượt qua ngưỡng 1.080 điểm. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, lực bán đã áp đảo, đẩy VN-Index lùi sâu về mốc 1.065 điểm.

Trong phiên chiều, lực bán đã ồ ạt diễn ra ở hàng loạt mã, kéo VN-Index lao dốc và kích hoạt lệnh bán giải chấp diễn ra, nhất là ở nhóm ngân hàng, chứng khoán, trong đó có hàng chục mã giảm sàn, đẩy VN-Index có lúc xuống dưới ngưỡng 1.040 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy cũng đang tư từ hấp thụ lượng cung giá thấp, giúp các chỉ số hãm đà rơi và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng diễn biến thị trường sẽ tích cực hơn trong đợt khớp lệnh ATC.

Nhưng không như ý khi đợt ATC, thậm chí VN-Index còn bị đẩy nhẹ xuống.

Đóng cửa, VN-Index giảm 35,88 điểm (-3,32%), xuống 1.044,86 điểm; HNX-Index giảm 6,14 điểm (-4,9%), xuống 120,12 điểm; UpCoM-Index giảm 1,37 điểm (-2,41%), xuống 55,69 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 8.199 tỷ đồng.

Về phần các Dự, với tâm lý thị trường đang một xấu đi, hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra những nhận định và khuyến nghị an toàn.

BVSC chính xác khi dự đoán xu hướng điều chỉnh của thị trường sẽ còn tiếp diễn, cùng quan điểm là PHS khi nhận định, chỉ số có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh. Ngược lại, SHS cho rằng, VN-Index có thể sẽ hồi phục kỹ thuật nhẹ.

Trong khi đó, KBSV đưa ra phương án mạo hiểm đón đầu VNM, SSI, BID, ACB và tránh sử dụng margin.

An toàn hơn, BSC vẫn khuyến nghị nhà đầu tư  cần ưu tiên việc hạ tỷ lệ margin xuống mức an toàn.

* Sang phiên cuối tuần 27/4: Trong phiên hôm nay, kịch bản của phiên thứ Ba lại lặp lại khi lực cầu bắt đáy mạnh trong phiên sáng kéo VN-Index này hồi phục trở lại với thanh khoản tốt.

Tuy nhiên, trong phiên chiều, lực cầu bất ngờ thận trọng khiến VN-Index thoái lùi xuống dưới tham chiếu và chỉ nhờ sự chắc chắn của nhóm ngân hàng, chứng khoán mới giữ được sắc xanh, nhưng thanh khoản lại sụt giảm.

Phiên hồi phục này khiến nhà đầu tư không thấy vui chút nào khi nhìn vào kịch bán của các phiên trước đó.

Đóng cửa, VN-Index tăng 5,40 điểm (+0,52%), lên 1.050,26 điểm; HNX-Index tăng 2,53 điểm (+2,1%), lên 122,64 điểm; UPCoM-Index tăng 0,87 điểm (+1,57%), lên 56,56 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 7.022 tỷ đồng.

Về phần các Dự, chỉ SHS nhận định đúng khi cho rằng VN-Index có thể sẽ hồi phục kỹ thuật nhẹ. Trong khi BVSC, VSC và PHS cho rằng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Còn KBSV vẫn cho rằng, xu hướng giảm giá vẫn đang phát triển mạnh mẽ nên chiến lược chủ đạo vẫn là đứng ngoài thị trường.

Tin bài liên quan