Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Sau tuần diễn biến lình xình, các chỉ số chung đã bứt mạnh và tạo lập đỉnh mới nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu lớn cùng dòng tiền hoạt động tích cực. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 9/10: Dù vẫn đón nhận những nhịp rung lắc, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, cùng với hỗ trợ của SAB, GAS, đã giúp thị trường có được sắc xanh trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, VN-Index vẫn không thể bứt qua ngưỡng 810 điểm do không nhận được sự đồng thuận từ các mã lớn khác như VNM, VJC, VIC, FPT, BVH.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,16 điểm (+0,14%), lên 808,96 điểm, HNX-Index tăng 0,77 điểm (+0,71%), lên 108,75 điểm, UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,08%), lên 54,14 điểm.

Về phần các Dự, BSC nhận định thận trọng và khá đúng khi cho rằng xu hướng của thị trường vẫn là đi ngang với mức hỗ trợ 800 và mức kháng cự tâm lý 810 hiện tại.

Bên cạnh đó, MSI đưa ra nhận định khá sát với diễn biến thị trường khi cho rằng VN-Index có thể tăng theo đà tăng của nhóm ngân hàng trong phiên đầu tuần 9/10.

Cũng có nhận định đúng về xu hướng tăng của thị trường với điểm nhấn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng IVS đã đưa ra kỳ vọng khá cao khi cho rằng VN-Index có cơ hội chinh phục mốc 810 điểm.

* Sang phiên giao dịch ngày 10/10: Thị trường diễn biến không mấy tích cực trong phiên sáng. Nhiều nhóm cổ phiếu dẫn dắt giao dịch yếu, đáng kể nhất là nhóm cổ phiếu trụ đỡ những phiên vừa qua là ngân hàng yếu đà, khiến thị trường giảm điểm. Hoạt động giao dịch diễn ra ảm đạm khi tâm lý thận trọng dâng cao, đặc biệt sau động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại.

Tuy nhiên, chiều hướng đã bất ngờ thay đổi khi bước vào phiên chiều. Nhiều mã bluechips thu hẹp đà giảm và đáng kể nhất là sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bất động sản - xây dựng, giúp VN-Index hồi phục và tăng lên mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,69 điểm (+0,21%) lên 810,65 điểm, HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,16%) về 108,57 điểm, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,08%) về 54,1 điểm.

Về phần các Dự, FPTS nhận định có phần khá đúng khi cho rằng những rung lắc mạnh vẫn có thể tái diễn trong khu vực 808-810 điểm của VN-Index.

Tương tự, SHS cũng đã đưa ra dự báo VN-Index có thể duy trì đà tăng điểm để thử thách lần thử năm ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh 810 điểm.

Trong khi đó, PHS và KIS nhận định trái ngược với xu hướng thị trường khi dự báo chỉ số có thể vẫn sẽ tiếp tục đi ngang và kiểm định lại mốc 805 điểm trong phiên giao dịch tới.

* Trong phiên giao dịch 11/10: Sau khi phá vỡ ngưỡng cản lớn, tâm lý nhà đầu tư có phần hưng phấn hơn khi bước vào phiên giao dịch 11/10, kéo VN-Index tiến thẳng mốc 815 điểm, lên mức đỉnh mới của 10 năm.

Mặc dù áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh trong phiên chiều khiến VN-Index lùi về mốc tham chiếu, còn HNX-Index và UPCoM cũng quay đầu đi xuống, nhưng lực cầu gia tăng mạnh về cuối phiên đã giúp các chỉ số này đều khởi sắc.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3,3 điểm (+0,41%) lên 813,95 điểm, HNX-Index tăng nhẹ 0,08 điểm (+0,08%) lên 108,65 điểm, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,05%) lên 54,12 điểm.

Về phần các Dự, các công ty chứng khoán gồm MSI, SHS, MBS đã đưa ra nhận định đúng khi cho rằng, phiên 11/10, VN-Index có thể tiếp tục duy trì đà tăng điểm. Trong đó, MBS đặt kỳ vọng khá cao khi cho rằng, các chỉ số có thể kiểm nghiệm các ngưỡng kháng cự cao hơn tương ứng vùng 815 điểm với VN-Index và 109 điểm với HNX-Index.

Trong khi đó, IVS nhận định, có thể một lần nữa thị trường lại phải trông chờ vào cổ phiếu Ngân hàng. Kịch bản cũ sẽ lặp lại, thị trường sẽ giao dịch chậm rãi khi NĐT chờ đợi động lực từ thị trường và sẽ không vội vàng mua bán. Thị trường sẽ cơ bản duy trì quanh mốc 810 điểm.

* Đến phiên giao dịch 12/10: Sắc xanh sớm xuất hiện trên sàn HOSE khi nhóm cổ phiếu bluechips đồng loạt tăng điểm, giúp VN-Index nhanh vượt qua mốc 815 điểm. Đà tăng này tiếp tục được duy trì trong nửa đầu phiên chiều và VN-Index tiến lên thử thách mốc 820 điểm.

Lúc này, do sức cầu còn hạn chế, trong khi áp lực bán tại nhóm bluechips bắt đầu gia tăng khiến VN-Index chao đảo và rung lắc mạnh. Dù vậy, với sự ổn định của một số mã trụ, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh, nhưng đà tăng đã giảm đi đáng kể.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,92 điểm (+0,24%) lên 815,87 điểm, HNX-Index giảm 0,27 điểm (-0,25%) xuống 108,38 điểm, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,2%) lên 54,23 điểm.

Về phần các Dự, BVSC nhận định trái với diễn biến thị trường khi dự báo thị trường sẽ điều chỉnh nhẹ với mức độ phân hóa tiếp tục duy trì ở mức cao.

Tráo lại, quan điểm của BSC về thị trường là khả quan với lượng tiền mặt đang chờ bên ngoài thị trường rất lớn và nền giá đã được hình thành ở các mã cổ phiếu trụ đỡ có triển vọng dài hạn tốt.

Tương tự, MSI, SHS, MBS cũng có nhận định khá đúng khi cho rằng xu hướng phục hồi của thị trường đang tiếp diễn. Phiên 12/10, VN-Index tiếp tục tăng điểm hướng đến ngưỡng 815 điểm.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 13/10: Với sự hỗ trợ của các mã lớn, VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng và tiến thẳng lên chinh phục ngưỡng 820 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời khiến chỉ số này bị đẩy lùi nhẹ trở lại và kỳ vọng sẽ tiếp tục thử sức trong phiên chiều.

Không làm thất vọng thị trường, sự khởi sắc của các nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng cùng việc nới rộng biên độ tăng của các mã lớn, giúp VN-Index đã vượt đỉnh 820 điểm thành công, thêm độ cao mới trong vòng 10 năm trở lại đây.

Đóng cửa, VN-Index tăng 5,08 điểm (+0,62%) lên 820,95 điểm, HNX-Index tăng 0,73 điểm (+0,67%) lên 109,11 điểm, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,49%) xuống 53,97 điểm.

Về phần các Dự, mặc dù nhận định đúng về xu hướng tích cực của thị trường nhưng BSC không đặt kỳ vọng cao khi cho rằng với mốc kháng cự 820 điểm thì có khả năng thị trường sẽ rung lắc trong một vài phiên tới.

Tương tự, SHS nhận định VN-Index sẽ giằng co và đi ngang trong biên độ 811-819 điểm, cần sự bứt phá khỏi vùng này để xu hướng trở nên rõ ràng hơn.

Trong khi đó, MSI nhận định khá sát khi dự báo VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm nhờ sự hỗ trợ của một số cổ phiếu bluechips nhưng hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” vẫn tiếp diễn.

Tin bài liên quan