Nhận định thị trường phiên 18/6: Chưa có dấu hiệu xác nhận sự trở lại của dòng tiền

Nhận định thị trường phiên 18/6: Chưa có dấu hiệu xác nhận sự trở lại của dòng tiền

(ĐTCK) Thị trường đang hình thành một vùng tích lũy hẹp ở mức giá thấp hơn trong khoảng 1.005-1.045 điểm. Mặt bằng thanh khoản trong giai đoạn này vẫn chỉ quanh mức trung bình, và có hiện tượng khi giá tăng thì thanh khoản giảm, giá giảm thì thanh khoản sẽ tăng.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 18/6.

Sẽ trải qua các phiên lình xình, điều chỉnh nhẹ

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Các phiên hồi phục của thị trường trong tuần này đi kèm thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp chưa phải là tín hiệu tin cậy cho thấy thị trường sớm quay trở lại nhịp tăng điểm.

Nhiều khả năng thị trường sẽ trải qua các phiên lình xình, điều chỉnh nhẹ trong tuần sau.

Biến động các nhóm cổ phiếu cũng có sự phân hóa mạnh phụ thuộc báo cáo kết quả kinh doanh quý II dần được công bố.

Thị trường chưa có dấu hiệu xác nhận sự trở lại của dòng tiền

(CTCK BIDV - BSC)

VN-Index trải qua sự biến động lớn phiên cuối tuần. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, phần lớn thời gian thanh khoản rất thấp, giao dịch không sôi động.

Chỉ đến cuối phiên, việc ETF cơ cấu danh mục cải thiện thêm thanh khoản. Các cổ phiếu lớn tăng giảm đan xen nhau, chưa thấy sự đồng thuận.

BSC nhận định thị trường chưa có dấu hiệu xác nhận sự trở lại của dòng tiền, nhà đầu tư có thể giải ngân danh mục 1 phần, tránh việc sử dụng margin.

Giải ngân dần dần trở lại vào các nhóm Ngân hàng-Chứng khoán-Bất động sản

(CTCK Phú Hưng - PHS)

Thanh khoản (không tính phiên ATC) ở mức rất thấp cho thấy lực bán không còn quá mạnh khi tiến về test lại vùng hỗ trợ 1.000-1.010 điểm.

Với dấu hiệu lực bán suy yếu và các sự kiện gây ra tâm lý e ngại cho nhà đầu tư đã diễn ra xong, theo chúng tôi, khả năng sang tuần sau diễn biến thị trường sẽ trở nên tích cực hơn nhờ tâm lý nhà đầu tư được cải thiện.

Nhà đầu tư có thể tham gia giải ngân dần dần trở lại vào các nhóm Ngân hàng – Chứng khoán – Bất động sản.

Xem xét các cơ hội mua vào với nhóm vốn hóa vừa-nhỏ nếu có câu chuyện riêng

(CTCK KB Việt Nam – KBSV)

Xu hướng giảm giá vẫn đang chi phối thị trường. Phiên giao dịch cuối tuần có tác động mang tính kỹ thuật lớn của các quỹ ETFs nên không có nhiều giá trị, thông tin tham khảo.

Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá ngắn hạn đã chững lại, xuất hiện nhiều dấu hiệu đảo chiều khi biến động giá trong phiên rất mạnh, thanh khoản chưa được cải thiện.

Đề xuất:

1. Ưu tiên : kiên nhẫn chờ đợi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và Ngân hàng điều chỉnh giảm trở lại và xác nhận xu hướng giảm giá kết thúc (các cổ phiếu dẫn đầu HPG bảo vệ thành công mốc 40-41 và VCB  54-55; VIC 120)

2. Tiếp tục xem xét các cơ hội mua vào với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (ngoài Ngân hàng, Chứng khoán, BĐS) nếu có câu chuyện riêng nhưng cần cẩn trọng vì thị trường có thể diễn biến bất ngờ trong những phiên sắp tới.

Giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 1.005-1.045 điểm

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường đang hình thành một vùng tích lũy hẹp ở mức giá thấp hơn trong khoảng 1.005-1.045 điểm. Mặt bằng thanh khoản trong giai đoạn này vẫn chỉ quanh mức trung bình và có hiện tượng khi giá tăng thì thanh khoản giảm, giá giảm thì thanh khoản sẽ tăng.

Điều này tiếp tục cho thấy tâm lý nhà đầu tư có sự thận trọng nhất định và sự chán nản khi thị trường chỉ quanh quẩn đi ngang có thể gia tăng trong thời gian tới.

Trong tuần giao dịch tiếp theo,  xu hướng của VN-Index sẽ vẫn chủ yếu là giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 1.005-1.045 điểm như diễn biến của 9 phiên giao dịch trước đó.

Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục tận dụng những phiên hồi phục để hiện thực hóa lợi nhuận bắt đáy trước đó và chỉ nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn.

Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt và có thể tận dụng các phiên giảm điểm để tích lũy thêm các cổ phiếu có triển vọng tích cực trong 6 tháng cuối năm.

Tin bài liên quan