Năm 2014, VN-Index có thể đạt 624 điểm

(ĐTCK) Năm 2014, VN-Index có khả năng dao động trong vùng 466 - 624 điểm và HNX-Index dao động trong vùng 63 - 85 điểm.

Triển vọng kinh tế 2014

Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, EU và Hoa Kỳ là hai thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Sự hồi phục kinh tế Mỹ và Nhật cùng với sự dần ổn định của khu vực châu Âu có thể giúp tăng khả năng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là khi nhiều đơn hàng đang được Nhật Bản chuyển sang Việt Nam, thay thế cho thị trường Trung Quốc.

Nhưng nợ xấu vẫn là một rào cản lớn với tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng lo ngại nợ xấu và một phần khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế vẫn còn khá yếu. Tuy nhiên, sự gia tăng của dòng vốn FDI và quá trình tái cơ cấu của khối doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn 2010 - 2013 sẽ giúp GDP năm 2014 có thể tăng 5,5 - 5,6%.

Hoạt động tái cơ cấu của khối doanh nghiệp tư nhân trong 2 năm qua đang mang lại hiệu quả

Chúng tôi đánh giá cao hoạt động tái cơ cấu của khối doanh nghiệp tư nhân trong 2 năm vừa qua. Việc cắt giảm chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn là một biện pháp sống còn của các doanh nghiệp. Điều này cũng bao gồm cả việc cắt giảm chi phí nhân sự, chi phí lãi vay, giảm quy mô sản xuất cho phù hợp nhu cầu của thị trường, giảm tồn kho, giảm các kênh đầu tư kém hiệu quả… để tăng hiệu quả hoạt động.

6 tháng đầu năm 2013, tổng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết giảm 16% so với cùng kỳ năm 2012. Đến cuối năm 2013, các dấu hiệu tích cực xuất hiện ngày càng rõ nét. Sự cân bằng trong quy mô sản xuất so với sức cầu của nền kinh tế sẽ giúp tồn kho giảm mạnh trong năm 2014, đồng thời quá trình tự cơ cấu của các doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, do đó tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm dần.

Trong khi đó, lạm phát sẽ nằm trong tầm kiểm soát nhờ các yếu tố như: tổng cầu yếu, tồn kho vẫn còn cao, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, lạm phát do tâm lý giảm mạnh và không còn đáng kể…, mặc dù chi phí đẩy có thể tạo áp lực lên lạm phát năm 2014, trong đó nguyên nhân sâu xa đến từ tình hình nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước.

Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013 ở mức 5,3% GDP, vượt mức dự toán ban đầu là 4,8%. Thu ngân sách xấp xỉ mức dự toán, chủ yếu do khó khăn chung của nền kinh tế.

Các chính sách có xu hướng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân (giảm thuế, tăng lương cơ bản), nên việc đảm bảo nguồn thu ngân sách trong năm 2014 có khả năng khiến chính sách hướng vào việc tăng giá các dịch vụ công, trong đó bao gồm điện, nước, gas, xăng dầu, đặc biệt là dịch vụ y tế và giáo dục. Dự báo, lạm phát năm 2014 sát với mục tiêu mà Quốc hội đề ra, khoảng 6,8 - 7%.

Về tín dụng, mức tăng trưởng năm 2014 sẽ cao hơn năm 2013, song dưới 15%, do quan điểm điều hành thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Các quy định mới về tỷ lệ cho vay/huy động, tỷ lệ an toàn vốn, trích lập dự phòng rủi ro đều có xu hướng chặt chẽ hơn. Thêm vào đó, khu vực DNNN (nơi dùng nhiều vốn vay) bị thu hẹp, hay ít ra không tăng quy mô, do đó cầu tín dụng sẽ giảm.

Các mức lãi suất điều hành của NHNN được kỳ vọng tiếp tục giữ nguyên như hiện nay và NHNN sẽ khó nới lỏng thêm chính sách tiền tệ do đã hết dư địa.

Các chính sách hỗ trợ TTCK

Chính sách vĩ mô có xu hướng tăng cường thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Nguồn vốn FII tăng sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu danh mục đầu tư của các tổ chức, tập đoàn nhà nước, trong đó việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành chiếm tỷ trọng chính.

Ngoài ra, thu hút vốn FII cũng giúp quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tự xử lý nợ xấu, giảm sở hữu chéo… diễn ra nhanh hơn.

TTCK sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách dự kiến được ban hành trong năm 2014 như: tăng tỷ lệ sở hữu trên TTCK của nhà đầu tư nước ngoài, cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn của công ty chứng khoán, điều chỉnh tăng tỷ giá khoảng 2%, quy định về chứng khoán phái sinh, kéo dài thời gian giao dịch, tăng biên độ dao động giá, giảm thời gian thanh toán bù trù… Bên cạnh đó, dự kiến các quỹ ETF sẽ được thành lập nhiều hơn.

Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu được ký kết trong năm 2014 sẽ là một cú huých cho TTCK khi dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào Việt Nam và những tác động mạnh mẽ về mặt tâm lý.

Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản có dấu hiệu kém hấp dẫn hơn nhiều so với kênh đầu tư chứng khoán trên các phương diện như chính sách hỗ trợ, thanh khoản, biến động xu hướng, thu nhập ròng, triển vọng phục hồi…

Với mức P/E dao động từ 12 - 14 lần, P/B dao động từ 1,7 - 1,9 lần, TTCK Việt Nam đang có mức định giá thấp nhất so với các thị trường trong khu vực ASEAN (xem đồ thị).

So sánh chỉ số P/E và P/B các TTCK trong khu vực

Năm 2014, VN-Index có thể đạt 624 điểm ảnh 2

Thông tư 02 của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng được áp dụng từ 1/6/2014 cũng sẽ có tác động đến TTCK.

Thông tư 02 khi áp dụng sẽ lột tả đầy đủ hơn, chính xác hơn, hợp lý hơn chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng, cũng như những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống. Nhưng trong ngắn hạn, nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ tăng mạnh, không chỉ có các ngân hàng bị ảnh hưởng, mà ngay cả doanh nghiệp cũng sẽ chịu tác động.

Tuy nhiên, cuối năm 2013, NHNN đã ban hành Quyết định 780 và Công văn 7558 về cơ cấu lại nợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp vay vốn. Bên cạnh đó, một số nội dung trong Thông tư 02 nhiều khả năng có lộ trình phù hợp để từng bước thực hiện.

Kịch bản TTCK năm 2014

Dựa trên những dữ liệu đã có của TTCK các quốc gia trong khu vực, chúng tôi đánh giá chỉ số P/E và P/B trong 2 kịch bản tích cực và tiêu cực. Kết quả cho thấy, mức P/E dao động từ 10,8 - 16,7 lần khi nền kinh tế có dấu hiệu tích cực và tâm lý thị trường ổn định. Mức P/B dao động tương ứng từ 1,4 - 2,5 lần. Tỷ lệ cổ tức bình quân toàn TTCK Việt Nam có khả năng tăng từ mức xấp xỉ 4% năm 2013 lên 5,2% trong năm 2014.

So sách chỉ tiêu lợi suất cổ tức các TTCK trong khu vực

Năm 2014, VN-Index có thể đạt 624 điểm ảnh 3
Từ đó, chúng tôi dự báo, năm 2014, VN-Index có khả năng dao động trong vùng 466 - 624 điểm và HNX-Index dao động trong vùng 63 - 85 điểm. Trong đó, giai đoạn quý I và quý IV có khả năng theo chiều hướng tích cực, giai đoạn nửa cuối quý II đến nửa đầu quý III có thể có sự điều chỉnh.

Khối lượng giao dịch trên sàn HOSE dự kiến sẽ tăng, nhưng giá trị giao dịch có xu hướng lớn hơn, đạt bình quân 1.000 tỷ đồng/phiên, do dòng tiền tập trung vào các cổ phiếu cơ bản tốt, có thị giá cao hơn. Khối lượng giao dịch trên sàn HNX dự kiến cũng sẽ tăng, bình quân đạt 43 triệu cổ phiếu/phiên, trị giá 306 tỷ đồng/phiên.

Sự phân hóa dòng tiền vào các nhóm cổ phiếu vẫn chủ yếu căn cứ vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, do đó cổ phiếu cơ bản vẫn là điểm đến của dòng vốn đầu tư trong năm nay.

Tin bài liên quan