Góc nhìn kỹ thuật phiên 8/4: Việc điều chỉnh không nhất thiết phải diễn ra

Góc nhìn kỹ thuật phiên 8/4: Việc điều chỉnh không nhất thiết phải diễn ra

(ĐTCK) Tổng thể thị trường đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên là tạo sóng đối kháng với sóng giảm giá mạnh trước đó. Đợt tăng giá này phần nào giúp tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa, và thị trường có thể ở trạng thái giao dịch ổn định hơn, sẽ bớt thảm cảnh bán sàn trong hoảng loạn như giai đoạn trước.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 8/4.

CTCK Smart Invest

Sau chuỗi tăng giá mạnh, áp lực chốt lời tăng cao ở khu vực kháng cự không phải là điều quá bất ngờ. Dù vậy, sức cầu vẫn đang có sự hấp thụ tốt lượng cung.

Sức cầu sẽ được kiểm nghiệm vào phiên ngày mai và nếu tiếp tục hấp thụ tốt, sự nuối tiếc sẽ quay trở lại và đẩy chỉ số bứt xa hơn hướng tới kháng cự mạnh hơn ở phía trước là đường giảm giá trung hạn màu đỏ như trên đồ thị.

Như vậy, tổng thể thị trường đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên là tạo sóng đối kháng với sóng giảm giá mạnh trước đó. Đợt tăng giá này phần nào giúp tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa và thị trường có thể ở trạng thái giao dịch ổn định hơn, sẽ bớt thảm cảnh bán sàn trong hoảng loạn như giai đoạn trước.

Với các dạng thức biến động mẫu hình, chúng ta chưa có thay đổi gì lớn sau phiên giao dịch hôm nay khi mà: Một mô hình Double Bottom, Adam & Adam hình thành từ ngày 24/3/2020 đã có sự xác nhận của “Confirm” cũng gần như hoàn tất vùng giá mục tiêu ban đầu của mình là vùng 757 điểm.

Điều quan trọng là liệu có sự mở rộng của vùng giá mục tiêu mẫu hình này với mức giá 843 điểm hay không? Thông thường, khi có “Break out” của “Comfirm” giá thường quay trở lại kiểm tra ngưỡng kháng cự cũ mà nay đã trở thành ngưỡng hỗ trợ tương ứng với vùng giá 700 điểm.

Đây sẽ là hỗ trợ cứng nếu chỉ số điều chỉnh giảm điểm. Dù vậy, việc điều chỉnh không nhất thiết phải diễn ra và đôi khi nó cũng có thể chỉ diễn ra trong phiên giao dịch.

Góc nhìn kỹ thuật phiên 8/4: Việc điều chỉnh không nhất thiết phải diễn ra ảnh 1

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS.

CTCK Phú Hưng – PHS

VN-Index có phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp. Khối lượng suy giảm so với phiêu trước đó nhưng vẫn trên mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền vẫn đang ở lại thị trường.

Không những vậy, chỉ số duy trì đóng cửa trên MA20, kèm theo RSI và MACD đang hướng lên tích cực, cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn đang quay trở lại.

Tuy nhiên, chúng tôi quan sát trên đồ thị nến đang hình thành nến Hanging man, cho tín hiệu cảnh báo đảo chiều đa tăng hiện tại. Do đó, không loại trừ chỉ số có thể sẽ xuất hiện một nhịp điều chỉnh trở lại. Trong trường hợp đó, ngưỡng tâm lý 700 điểm có thể là ngưỡng hỗ trợ mạnh của chỉ số.

HNX-Index cũng có phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp và duy trì đóng cửa trên MA20, cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, chỉ số đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh quanh các đường MA100 và 200, kèm theo nến Doji xuất hiện, cho thấy chỉ số có thể sớm chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên tới.

CTCK Bảo Việt – BVSC

Mặc dù đã vượt lên trên đường SMA20 sau phiên hôm qua, thị trường vẫn có khả năng sẽ quay trở lại thử thách vùng hỗ trợ xung quanh đường này.

Chỉ báo Stochastics Oscillator đã bước vào vùng quá mua, do vậy khả năng có thể chứng kiến phiên điều chỉnh trong vài phiên tới là tương đối lớn. Tuy nhiên, chỉ báo MACD vẫn duy trì xu hướng đi lên và nằm trên đường tín hiệu. Điều này cho thấy xu hướng cải thiện của xung lực thị trường.

Do vậy, thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng điểm trở lại sau vài phiên điều chỉnh. Vùng 700-720 sẽ đóng vai trò là vùng hỗ trợ trong trường hợp sự điều chỉnh diễn ra. Mặt khác, vùng 780-800 sẽ là vùng kháng cự mà VN-Index cần phải vượt qua để có thể tiếp tục xu hướng hồi phục.

Góc nhìn kỹ thuật phiên 8/4: Việc điều chỉnh không nhất thiết phải diễn ra ảnh 2

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS.

Tin bài liên quan