Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Góc nhìn kỹ thuật phiên 22/12: Rủi ro điều chỉnh được xóa bớt

(ĐTCK) Ngắn hạn, cây nến trắng dạng “hammer” xuất hiện đã phần nào xóa đi rủi ro điều chỉnh từ mẫu hình nến “evening star” được tạo thành trước đó. 

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 22/12.

CTCK Bảo Việt – BVSC

VN-Index bật tăng trở lại sau khi giảm về vùng hỗ trợ 655-660 điểm. Điều này giúp giá đóng cửa của chỉ số nằm trên đường SMA20. Tuy vậy, xu hướng chuyển động của chỉ số từ nửa cuối tháng 11 trở lại đây vẫn là đi ngang, với những nhịp tăng giảm đan xen bên dưới nhóm MA trung hạn (SMA100 và SMA50).

Thanh khoản giảm phiên thứ 4 liên tiếp và duy trì mức thấp hơn tương đối so với mức trung bình 10 phiên. Giao dịch này thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước diễn biến phân hóa khá khó chịu của thị trường. Chỉ báo MFI đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 cho thấy, dòng tiền mới chưa có nhiều cơ hội để tham gia vào thị trường. Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng, nhưng sự lan tỏa chưa tích cực. Diễn biến của chỉ số hiện tại đang bị chi phối khá rõ nét bởi một vài cổ phiếu vốn hóa lớn. Điều này có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn.

Về cái nhìn ngắn hạn, cây nến trắng dạng “hammer” xuất hiện đã phần nào xóa đi rủi ro điều chỉnh từ mẫu hình nến “evening star” được tạo thành trước đó. Chỉ báo ADX đang giảm về gần ngưỡng 25, trong khi dải BB có dấu hiệu thắt hẹp và chuyển sang trạng thái đi ngang. Như vậy, chỉ số nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng giảm đan xen quanh đường SMA100 những phiên kế tiếp. Mặc dù vậy, việc các chỉ báo dao động (STO, W%R) tiếp tục đi xuống, trong bối cảnh áp lực từ các đường MA trung hạn đang hiện hữu, thì khả năng đường giá lùi về vùng hỗ trợ 650-655 điểm vẫn được để ngỏ.

Theo đó, các nhà đầu tư lưu ý tham chiếu thêm chỉ số VN30 để tránh những tín hiệu nhiễu về mặt xu hướng, cũng như các vùng hỗ trợ và kháng cự của VN-Index do ảnh hưởng của các mã vốn hóa lớn. Vùng kháng cự nằm tại 675-680 điểm. Chỉ số cần vượt lên trên vùng kháng cự này để tạo ra sự chuyển biến tích cực hơn trong ngắn hạn. Vùng hỗ trợ gần nằm tại 650-655 điểm.

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index hồi phục trong phiên, nên tín hiệu trong ngắn hạn chuyển từ tiêu cực sang trung tính, với hỗ trợ tại 665 điểm (MA10) và kháng cự tại 669 điểm (MA5). Tín hiệu trong trung hạn cũng chuyển từ tiêu cực sang trung tính, với hỗ trợ tại 664 điểm (MA20) và kháng cự tại 672 điểm (MA50). Xu hướng dài hạn của VN-Index vẫn ở mức trung tính, với kháng cự tại 669 điểm (MA100) và hỗ trợ tại 640 điểm (MA200). Trong phiên 22/12, VN-Index có thể tăng điểm nhẹ về vùng kháng cự trong khoảng 669-672 điểm (MA5-50). Nếu kịch bản tiêu cực xảy ra thì vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số ở tại 664-665 điểm (MA10-20).

HNX-Index cũng hồi phục, nên tín hiệu trong ngắn hạn được duy trì ở mức tích cực, với vùng hỗ trợ tại 79,3-79,7 điểm (MA5-10). Tín hiệu trong trung hạn chuyển từ tiêu cực sang trung tính, với hỗ trợ tại 79,9 điểm (MA20) và kháng cự tại 81,3 điểm (MA50). HNX-Index vẫn trong thị trường giá xuống (bear market), với kháng cự tạo ra bởi đường MA200 ở mức 82,4 điểm. Trong phiên 22/12, HNX-Index có thể giảm điểm nhẹ về mốc kháng cự gần nhất tại 79,9 điểm (MA20), nếu mốc này trụ vững, chỉ số có thể hồi phục.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS 

CTCK FPT – FPTS

Áp lực giảm tiêu cực đã bị chặn lại trong phiên 21/12, VN-Index đảo chiều tăng lên 666,94 điểm. Theo diễn biến này, tín hiệu cảnh báo quay lại xu hướng giá xuống đã tạm thời được đẩy lùi, bởi ngưỡng hỗ trợ đã phát huy vai trò nâng đỡ xu hướng ngắn hạn.

Trên đồ thị, thân nến tăng kèm theo bóng dưới dài của VN-Index thể hiện sự chuyển biến tích cực của tâm lý giao dịch trong phiên. VN-Index có mức thấp nhất đo được tại 657,4 điểm và đà tăng xuất hiện ngay sau đó giúp chỉ số đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày. Khối lượng giao dịch khớp lệnh sụt giảm mạnh so với các phiên liền trước cho thấy, sức bán đã bị hạn chế trong vùng giá thấp hơn, nên ưu thế dễ dàng thuộc về bên mua. Diễn biến này mang ý nghĩa củng cố vai trò của một ngưỡng hỗ trợ.

Về chỉ báo, chiều hướng thắt chặt của bollinger đang báo hiệu khả năng của giai đoạn biến động hẹp có thể xuất hiện trong biến động tiếp theo của chỉ số. Trong đó, khoảng hẹp tạo bởi cặp trung bình động MA 20 và 50 có thể sẽ là phạm vi dao động chính của chỉ số trong giai đoạn giằng co này. Tuy nhiên, nếu sớm xuất hiện phiên tăng mạnh, đưa chỉ số vượt lên trên đường MA 50, thì tín hiệu xu hướng tăng giá có thể sẽ một lần nữa được kích hoạt.

CTCK Phú Hưng - PHS

Theo quan điểm kỹ thuật, VN Index có phiên phục hồi trở lại. Khối lượng giao dịch tiếp tục suy giảm dưới mức bình quân 10 và 20 phiên hàm ý, dòng tiền gia nhập thị trường có phần thận trọng. Chỉ số quay trở lại đóng cửa trên đường MA 20 cho thấy, phiên cắt xuống trước đó có thể chỉ mang tín hiệu nhiễu, vì vậy, xu hướng phục hồi ngắn hạn có thể vẫn đang được duy trì.

Tuy nhiên, khi quan sát kĩ các chỉ báo kỹ thuật khác lại đang cho những tín hiệu khá trái chiều, khi chỉ báo RSI và MACD tiếp tục đi lên tích cực hàm ý củng cố tín hiệu mua. Ngược lại, chỉ báo ADX tuy có đi xuống nhưng vẫn nằm trên vùng 24, trong khi đường –DI nằm trên +DI cho thấy áp lực điều chỉnh là vẫn còn. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc thận trọng trước khi mở thêm vị thế mua mới.

HNX Index cũng có diễn biến tương tự khi đi lên vượt đường MA 20 cho thấy, xu hướng phục hồi đang có dấu hiệu quay trở lại. Chỉ số có thể tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự 81 điểm (Fib 78.6) trong những phiên tới.

Nhìn chung, thị trường có phiên phục hồi trở lại cho thấy, xu hướng phục hồi vẫn đang được duy trì, đợt giảm điểm trước đó có thể chỉ mang tính kỹ thuật. Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục gia tăng một phần nhỏ tỷ trọng vào các cổ phiếu có cơ bản tốt và triển vọng lợi nhuận quý IV/2016 khả quan.

Tin bài liên quan