Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS.

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS.

Góc nhìn kỹ thuật phiên 2/10: Nhà đầu tư theo trường phái kỹ thuật sẽ gặp khó khăn

(ĐTCK) Đường MACD mở rộng phân kỳ với đường tín hiệu sau giao cắt báo bán. Bên cạnh đó, các chỉ báo xung lượng gồm RSI, Stochastic vẫn chưa có dấu hiệu chững lại chiều lao dốc. Những tín hiệu này có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến kỳ vọng của nhà đầu tư theo trường phái kỹ thuật trong các phiên tuần tới.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 2/10.

CTCK Bảo Việt – BVSC

Vn-Index đóng cửa giảm điểm và kéo dài quá trình đi ngang tích lũy trong biên độ hẹp. Việc dải BB tiếp tục thắt lại cho thấy xu hướng biến động sẽ ngày càng nhỏ dần trong những phiên tới.

Mặt bằng khối lượng bình quân 21 phiên đang có xu hướng giảm dần trong bối cảnh đường giá đang trong quá trình tích lũy. Đây có thể là một tín hiệu hỗ trợ cho diễn biến của chỉ số trong ngắn hạn.

Trên khung thời gian tuần, chỉ số có tuần điều chỉnh tích lũy thứ 2 liên tiếp. Sau khi bứt phá qua vùng kháng cự tâm lý 800 điểm, đường giá đang có xu hướng dao động đi ngang để tạo nền giá mới quanh ngưỡng điểm này.

Xu hướng này có thể sẽ còn kéo dài trong một hoặc hai tuần kế tiếp. Sau đó, chúng tôi vẫn kỳ vọng chỉ số sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 815-820 điểm.

Trên khung thời gian ngày, nhóm MA ngắn hạn đang hướng lên (tương ứng với vùng hỗ trợ 798-802 điểm) sẽ tiếp tục nâng đỡ cho thị trường trong những phiên kế tiếp.

Chỉ số nhiều khả năng sẽ hình thành kênh xu hướng dao động đi ngang với biên độ 798-808 điểm trong ngắn hạn.

Nếu chỉ số vượt qua ngưỡng tâm lý 806-808 điểm thì chỉ số nhiều khả năng sẽ bước vào nhịp tăng mới với đích đến kỳ vọng nằm tại vùng kháng cự mạnh 813-818 điểm trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, trong kịch bản tiêu cực, ngưỡng 798-802 điểm bị xuyên thủng thì nguy cơ chỉ số giảm mạnh về vùng 785- 790 điểm cần phải được tính đến.

Đặc biệt là trong bối cảnh các chỉ báo dao động đang ở vào trạng thái quá mua, còn đường MACD đã chớm cắt xuống dưới đường tín hiệu.

Vùng kháng cự gần của chỉ số nằm tại 813-818 điểm. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại quanh 798-802 điểm và 785-790 điểm.

CTCK FPT –FPTS

Phiên giao dịch cuối tuần 39 khép lại với đà giảm nhẹ của VN-Index, chỉ số đóng cửa tại mốc 804,42 điểm.

Nến giao dịch dạng Inverted hammer thứ 02 xuất hiện kèm theo biên độ giao động co hẹp hình thành mẫu hình Inside bar trên đồ thị EOD.

Kết hợp với thanh khoản khớp lệnh sụt giảm, diễn biến phiên giao dịch hôm nay cho thấy nhà đầu tư đang tỏ ra khá lo ngại sau nỗ lực tăng điểm bất thành trong phiên trước đó.

Tâm lý do dự này còn có thể thấy rõ hơn khi quan sát diễn biến đồ thị Intraday M3 của Vn-Index.

Trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, thị trường giằng co trong khu vực 805-808 điểm nhưng giá trị giao dịch toàn thị trường giảm đáng kể so với phiên liền trước.

Về cuối phiên, mốc 805 điểm đã dễ đàng bị phá vỡ bởi áp lực bán đột ngột trong phiên ATC. Diễn biến này một lần nữa xác nhận cho luận điểm rằng sàn HSX vẫn chưa sẵn sàng cho nhịp tăng mới.

Đánh giá về phương diễn chỉ báo, giai đoạn biến động đi ngang kéo dài đang tiếp tục gây tác động xấu đến các chỉ báo kỹ thuật.

Cụ thể, đường MACD mở rộng phân kỳ với đường tín hiệu sau giao cắt báo bán. Bên cạnh đó, các chỉ báo xung lượng gồm RSI, Stochastic vẫn chưa có dấu hiệu chững lại chiều lao dốc.

Những tín hiệu này có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến kỳ vọng của nhà đầu tư theo trường phái kỹ thuật trong các phiên tuần tới.

Với các luận điểm trên, chúng tôi nghiêng về khả năng chỉ số sẽ lùi về kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 800 điểm cũng như đường SMA 20 trong phiên giao dịch đầu tuần 40.

Góc nhìn kỹ thuật phiên 2/10: Nhà đầu tư theo trường phái kỹ thuật sẽ gặp khó khăn ảnh 1

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK Phú Hưng - PHS

Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch suy giảm xuống dưới bình quân 10 và 20 phiên hàm ý dòng tiền có sự thận trọng nhất định.

Không những vậy, các chỉ báo kỹ thuật khác như MACD và RSI đang đi xuống tiêu cực, khi đường MACD nằm dưới đường Signal phát đi tín hiệu bán và RSI đi xuống vùng 62 cho thấy áp lực điều chỉnh đang gia tăng, ngưỡng hỗ trợ hiện tại có thể là vùng hỗ trợ tâm lý 800 điểm.

Tuy nhiên, khi quan sát diễn biến của chỉ số vẫn đang duy trì đóng cửa trên đường MA20, kèm đường ADX nằm trên vùng 32 và đường +DI nằm trên –DI cho thấy xu hướng chính của chỉ số có thể vẫn là phục hồi, phiên giảm điểm vừa qua có thể chỉ mang tính kỹ thuật.

Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có diễn biến có phần tích cực hơn. Chỉ số tăng điểm trở lại và duy trì đóng cửa trên MA20, kèm khối lượng giao dịch gia tăng trên bình quân 10 và 20 phiên cho thấy xu hướng phục hồi đang tiếp diễn, ngưỡng kháng cự tiếp theo có thể là vùng 110,9 điểm (Fib 161,8).

Nhìn chung, xu hướng chính của thị trường có thể vẫn là phục hồi.

Tuy nhiên, các chỉ báo có độ trễ như MACD vẫn chưa cho tín hiệu mua mới, do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc thận trọng trước các khoản giải ngân mới.

CTCK Kiss Việt Nam - KIS

Sự giằng co tiếp tục diễn ra trên cả 2 sàn trong phiên giao dịch hôm nay. Biến động trái chiều của 2 chỉ số được thể hiện rất rõ ràng.

Trong khi VN-Index tăng trong phần lớn thời gian giao dịch và bất ngờ kết phiên trong sắc đỏ với áp lực giảm giá từ SAB và GAS, HNX-Index đảo chiều tăng về cuối phiên với sự tích cực của ACB và VGC sau khi giảm trong hầu hết thời gian giao dịch.

Điểm sáng là độ rộng của thị trường chung tiếp tục được cải thiện, giúp thị trường dần lấy lại sự cân bằng. Mức độ biến động thấp tiếp tục được duy trì trên VN-Index với thân nến nhỏ và điều này đã được duy trì trong khoảng 2 tuần nay.

Hiện tại, giá đang dao động ngay trên đường trung bình 20 phiên tương ứng với 802 điểm. Đây cũng được xem là ngưỡng hỗ trợ quan trọng trong ngắn hạn.

Chỉ báo sức mạnh giá RSI(14) và chỉ báo dòng tiền Chaikin vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm, chứng tỏ sự vận động chưa rõ ràng của thị trường chung.

Mặc dù VN-Index một lần nữa bất thành trong nổ lực tiếp cận vùng kháng cự 810 điểm, những yếu tố tích cực bắt đầu xuất hiện khi thị trường dần lấy lại sự cân bằng và dòng tiền đang bắt đầu cho thấy sự chuyển dịch nhiều hơn vào các cổ phiếu có cơ bản tốt như thép: HPG, NKG.., Xây dựng-VLXD: HBC, VGC…,bán lẻ: MWG, PNJ…

Nhìn chung, vẫn có sự phân hóa mạnh trong cùng 1 nhóm ngành. Sự cải thiện của dòng tiền cũng như là giá trong 2 phiên gần đây là điều được ghi nhận, thị trường vẫn cần phải có thêm thời gian để dòng tiền có sự dịch chuyển rõ ràng hơn nhằm chinh phục vùng giá mục tiêu 810 điểm.

Tương tự, HNX-Index cũng cần có những phiên củng cổ hướng đến vùng giá mục tiêu ở 110 điểm.

Tin bài liên quan