Góc nhìn kỹ thuật phiên 13/6: Tín hiệu cảnh báo nguy hiểm chưa xuất hiện

(ĐTCK) Các tín hiệu điều chỉnh kỹ thuật từ nhóm chỉ báo nhanh tiếp tục xuất hiện, trong đó tập trung vào 2 chỉ báo CCI và Wm%R. Các chỉ báo có độ tin cậy cao như MACD, RSI, ADX chưa cho tín hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 13/6.

CTCK FPT – FPTS

Tiếp tục là một phiên vận động có biên độ hẹp, VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần 10/6 với kết thúc giảm nhẹ và dừng tại 629,84 điểm. Như vậy, sau 3 phiên vừa qua, chỉ số tái khẳng định mức 633 điểm có sự kháng cự rất mạnh. Đây được coi là ngưỡng điểm rất quan trọng trong tuần này.

Thanh khoản trong phiên tăng rất mạnh và đạt mức gần như cao nhất kể từ phiên 5/5/2016 đến nay. Chính vì chỉ số đang di chuyển vào khu vực đỉnh lịch sử trong 2 năm gần đây tại 640 điểm, do đó, tín hiệu giảm của phiên 10/6 trên một nền thành khoản tăng đột biến là sự kiện đáng chú ý. Nếu tín hiệu này tiếp diễn sang các phiên trong tuần này, VN-Index sẽ sớm tái kiểm tra khả năng hỗ trợ tạo bởi “khoảng trống” giữa 2 phiên 7/6 và 8/6 tại 625 điểm.

Hiện tượng “lấp đầy khoảng trống” là bình thường, do đó nếu VN-Index phản ứng tốt và hồi phục tại mức 625 điểm, các tín hiệu trong ngắn hạn vẫn được giữ ở trạng thái tăng điểm. Trong kịch bản tiêu cực, tín hiệu nguy hiểm sẽ xuất hiện nếu như ngưỡng hỗ trợ 615-620 bị xuyên thủng.

Các tín hiệu điều chỉnh kỹ thuật từ nhóm chỉ báo nhanh tiếp tục xuất hiện, trong đó tập trung vào 2 chỉ báo CCI và Wm%R. Các chỉ báo có độ tin cậy cao như MACD, RSI, ADX chưa cho tín hiệu cảnh báo nguy hiểm.

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index thành cây nến xanh rỗng thứ 2 liên tiếp với thân nên dài hơn so với 2 bóng nến trên và dưới. Thanh khoản tăng mạnh hơn 30% so với tuần giao dịch trước đó. Chỉ số tiếp tục bám sát dải bollinger trên. Bollinger bands vẫn đang cho dấu hiệu mở rộng ra. MACD tiếp tục cho tín hiệu đi lên tích cực. Vùng hỗ trợ 620 điểm. Vùng kháng cự 635-640 điểm.

HNX-Index hình thành cây nến xanh rỗng thứ 2 liên tiếp với thân nến dài, vượt lên dải bollinger trên. Đây là tín hiệu cho thấy xu hướng tăng trong ngắn hạn tiếp tục được củng cố. Thanh khoản tăng hơn 16% so với tuần giao dịch trước đó. MACD tiếp tục cho tín hiệu đi lên. RSI đã cắt lên trên đường 70. Vùng hỗ trợ 83,5-84 điểm.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK MB – MBS   

Về mặt kỹ thuật, áp lực bán gia tăng tại vùng kháng cự quanh 630 điểm đã khiến VN-Index điều chỉnh giảm trở lại, trong khi HNX-Index duy trì đà tăng điểm. Trong những phiên tới, các chỉ số có thể tiếp tục vùng dao động 627-630 điểm với VN-Index và 84-85 điểm với HNX-Index, việc giá dầu tiếp tục suy giảm có thể tạo ra rủi ro điều chỉnh cho các chỉ số.

Do đó, nhà đầu tư duy trì danh mục hiện tại, hạn chế mở các vị thế mua mới và có thể xem xét giảm dần tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường có tín hiệu suy yếu trở lại.

CTCK  KIS Việt Nam – KIS

VN-Index đã có sự điều chỉnh sau ba phiên tăng liên tiếp. Diễn biến điều chỉnh giảm có thể do chỉ báo RSI chạm tới ngưỡng quá mua. Tuy nhiên, khả năng đảo chiều giảm vẫn chưa đáng ngại.

Do VN-Index vẫn trụ được trên vùng hỗ trợ 625-628 điểm và dòng tiền vẫn duy trì tham gia vào thị trường. Bên cạnh đó, các chỉ báo xu hướng như MACD, ADX vẫn đang ở trạng thái tích cực. Vì vậy, VN-Index có thể sẽ tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ 625-628 điểm trong phiên giao dịch sắp tới, tuy nhiên, nhịp tăng hướng đến vùng 640-645 điểm của chỉ số có thể vẫn chưa chấm dứt.

HNX-Index tiếp tục có mức tăng nhẹ, sau khi phá vỡ vùng kháng cự 84-84.5 điểm trong phiên giao dịch 9/6. Tuy nhiên, khả năng điều chỉnh trở lại của HNX-Index vẫn đang hiện hữu.

Do HNX-Index đã có phiên thứ ba liên tiếp vượt ra khỏi biên trên của Bollinger Bands. Bên cạnh đó, vùng 84-84.5 điểm là vùng cản khá mạnh, có sự hiện diện của khá nhiều mức đỉnh/đáy cũ trong quá khứ. Do đó, HNX-Index có thể sẽ cần có thời gian tích lũy, khó có thể phá vỡ một cách nhanh chóng.

Tin bài liên quan