Con số thất nghiệp bất ngờ tăng trở lại, cùng căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến thị trường chứng khoán thế giới lao đao. Đối với thị trường trong nước, thông tin về ca nhiễm mới tại Đà Nẵng đã khiến thị trường phản ứng rất tiêu cực ở phiên cuối tuần khi chỉ số VN-Index giảm gần 28 điểm. Điều này ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường trong tuần tới như thế nào, theo các ông/bà?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược Thị trường, CTCK MBS
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang đi vào vùng biến động mạnh khi gặp nhiều tin xấu bủa vây: 1)từ căng thẳng ngoại giao Mỹ – Trung lên đỉnh điểm khi 2 nước đang có những hành động ăn miếng trả miếng, qua đó châm ngòi cho tâm lý né tránh rủi ro, 2) số ca nhiễm covid gia tăng mạnh đang kìm hãm hoặc thậm chí dập tắt sự phục hồi non trẻ của nền kinh tế, 3) lưỡng đảng của Mỹ bất đồng về các gói cứu trợ và 4) tiêu điểm hiện nay là giá vàng đang “mọc cánh” bay cao khiến dòng tiền đang chảy từ cổ phiếu sang vàng.
Trở lại với thị trường trong nước, tuần giảm vừa qua cũng là tuần có mức giảm mạnh nhất kể từ đáy tháng 3 cho tới nay, mức giảm 4,92% đã đưa Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới.
Thực tế, thị trường trong nước đã suy yếu so với thị trường thế giới trong 2 tuần vừa qua, mùa báo cáo thu nhập bán niên đã không giúp thị trường bứt phá khỏi vùng tích lũy từ 860 - 880 điểm. Việc thanh khoản sụt giảm có thể là một trong các nguyên nhân chính (thanh khoản bình quân 2 tuần vừa qua chỉ đạt từ 3.500 - 3.700 tỷ đồng/phiên, so với mức trung bình kể từ đầu tháng 7 là 4.900 tỷ đồng), thông tin liên quan đến việc tái bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Đà nẵng như “giọt nước tràn ly”, nếu không có thông tin này khả năng thị trường vẫn trong nhịp điều chỉnh.
Về kỹ thuật, xu hướng tăng kể từ mức đáy tháng 3 đã bị phá vỡ, vùng hỗ trợ của thị trường lúc này ở vùng 815 - 820 điểm, sau nhịp giảm vừa qua khả năng trong tuần tới thị trường sẽ xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, CTCK Vietinbank
Việc thị trường giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 24/7/2020 là cộng hưởng từ 3 nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên đến từ sự bất ổn với nền kinh tế thế giới khi tình hình dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp, ảnh hưởng nặng tới các động thái mở cửa nhằm phục hồi nền kinh tế.
Mỹ (quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất) là nơi cảm nhận rõ nhất điều này khi đa số các bang phải đóng cửa trở lại, với tỷ lệ thất nghiệp đạt 11,1% tính đến ngày 5/7/2020.
Nguyên nhân tiếp theo đến từ mối lo ngại về kết quả kinh doanh quý II kém khả quan của nhiều doanh nghiệp khi Việt Nam tiến hành giãn cách xã hội vào nửa đầu tháng 4.
Cuối cùng, thông tin về ca nhiễm Covid-19 tại Đà nẵng là giọt nước tràn ly khiến giới đầu tư hoảng loạn bán tháo, chỉ số VN-Index giảm mạnh gần 28 điểm.
Về xu hướng thị trường, mốc hỗ trợ gần nhất nằm ở 820 điểm. Với tâm lý lo ngại của giới đầu tư, chỉ số VN-Index sẽ test lại mốc này và chờ đợi phản ứng của các mã thuộc VN30. Trường hợp kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp này khả quan, chỉ số sẽ phục hồi và tiếp tục sideway trong biên độ 820 - 840 điểm. Ở trường hợp ngược lại, chỉ số sẽ tiếp tục giảm sâu hơn và hoàn toàn có khả năng mất mốc 800 điểm.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Với vấn đề từ Mỹ có thể thấy rằng, việc dịch và nạn nhân Covid-19 gia tăng là điều đã được dự báo do việc phòng chống dịch tại quốc gia này có nhiều khác biệt. Chính vì lẽ đó mà Mỹ đã đóng cửa lại nhiều bang nên việc thất nghiệp gia tăng cũng là điều nằm trong dự báo.
Điểm bất ngờ ở đây là quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang được đẩy lên rất cao và không ai lường trước điều gì sẽ xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang rất kém khả quan.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Việc giá vàng tăng mạnh cũng không phải là điều khó đoán, bởi đã có nhiều dự báo tin rằng giá vàng sẽ tăng giá giống như thị trường chứng khoán đã từng xảy ra hồi tháng 3, 4. Lý do đơn giản ở đây là tiền đang được các ngân hàng trung ương bơm ra quá nhiều mà lãi suất tiền gửi lại quá thấp khiến cho dòng tiền này phải tìm mọi chỗ để sinh lời.
Khi thị trường chứng khoán hạ nhiệt sau gần 3 tháng tăng cao thì dòng tiền này dịch chuyển sang vàng, thực tế còn có cả bạc, quặng sắt... và có thể có thêm những hàng hóa khác nữa.
Còn Thị trường chứng khoán Việt Nam thì sau một nhịp hồi phục mạnh từ tháng 4 đến đầu tháng 6 có dấu hiệu điều chỉnh. Hơn 1 tháng VN-Index loanh quanh vùng 820 - 880 điểm và chưa tạo ra nhiều dấu ấn.
Tuy nhiên, ở giai đoạn gần đây với những kỳ vọng lớn hơn về chính sách mà Chính phủ đang thúc đẩy cùng với việc làn sóng dịch chuyển thì rõ ràng tương lại 6th cuối năm sẽ là khả quan. Vì thế đã có dấu hiệu nhỏ của việc nhà đầu tư quay lại với thị trường trong những phiên gần đây.
Thế nên, câu chuyện phát hiện người nhiễm nCoV tại Đà Nẵng chỉ là lý do để việc gom mua này được giá tốt hơn. Minh chứng cho thấy rất rõ là khối lượng giao dịch đã tăng đột biến ở phiên này.
Tôi nhớ rằng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói có đủ cơ sở để dập dịp khi chúng ta bỏ giản cách hồi giữa tháng 5 bởi có thể kiểm soát được nguồn gốc. Vì thế sự việc ở Đà Nẵng không phải là mối lo quá lớn, trong khi đó Bộ Y tế cũng vừa mới công bố về vắc-xin có thể được sản xuất vào tháng 10 tới. Nhiều nước cũng đã tìm ra vắc-xin nên tôi tin rằng chúng ta sẽ khoogn để dịch lây lan mạnh ra cộng đồng.
Với lý do trên, tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại, ở trường hợp xấu nhất VN-Index rơi về mốc 800 điểm. Tôi cho rằng đây là cơ hội để nhà đầu tư mua được khá nhiều cổ phiếu giá thấp.
Trong bối cảnh này, việc chọn nhóm cổ phiếu càng trở nên khó khăn, nhưng không phải không có cơ hội. Quan điểm đầu tư của ông/bà ở thời điểm này và đâu là nhóm cổ phiếu tiềm năng?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược Thị trường, CTCK MBS
Với bối cảnh hiện tại, việc giao dịch ngắn hạn hay lướt sóng nên hạn chế. Cơ hội đầu tư vào các nhóm cổ phiếu có lẽ nên có tầm nhìn từ 6 tháng đến 1 năm.
Nhóm cổ phiếu trong mùa Covid vẫn là ưu tiên hàng đầu như: y tế và thiết bị y tế, lương thực thực phẩm hoặc các mặt hàng thiết yếu… Các nhóm cổ phiếu phòng thủ như: điện, nước… hoặc nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công, từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI như bất động sản khu công nghiệp,….
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CTCK Vietinbank
Với nhà đầu tư ưa thích lướt sóng, hành động phù hợp ở thời điểm hiện tại là hạ tỷ trọng cổ phiếu và ưu tiên nắm giữ tiền mặt. Với các nhà đầu tư trung dài hạn, khi thị trường giảm điểm là cơ hội thuận lợi để tích lũy thêm cổ phiếu thuộc 4 nhóm chính:
Ông Đào Tuấn Trung
Nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và hoạt động kinh doanh ổn định, ít bị ảnh hưởng bới đại dịch: Đại diện tiêu biểu là nhóm công nghệ thông tin (FPT, DGW...).
Nhóm cổ phiếu có chỉ số P/E thấp hơn chỉ số P/E trung bình toàn thị trường.
Nhóm cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới, bao gồm nhóm dệt may (TCM, TNG), thủy sản (VHC, MPC, CMX…), khu công nghiệp (SZC, KBC, BCM…).
Nhóm cổ phiếu có mức cổ tức trên thị giá cao hơn lãi suất tiết kiệm gửi ngân hàng trước khi xảy ra dịch (6%).
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Khi Covid diễn ra, cá nhân tôi không nhìn theo một ngành nào cố định mà tìm kiếm những cơ hội riêng lẻ. Có những ngành kém khả quan nhưng ở đó lại có những doanh nghiệp vô cùng tốt để đầu tư.
Có thể vì ngành khó khăn khiến cho giá cổ phiếu này chưa tăng lên được nhưng đã hiểu rõ doanh nghiệp thì việc tăng chỉ là sơm hay muộn mà thôi. Tôi vẫn đi theo quan điểm này cho đến khi mọi thứ có sự thay đổi.
Cứ mỗi lần thị trường cơ sở biến động mạnh là cơ hội lớn đối với thị trường phái sinh. Và thực tế phiên 24/7 đã chứng khiến dòng tiền chảy vòng thị trường phái sinh rất lớn. Trong ngắn hạn, ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội và rủi ro đối với các sản phẩm phái sinh?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược Thị trường, CTCK MBS
Thị trường cơ sở đi vào vùng biến động mạnh sẽ là môi trường thuận lợi đối với thị trường phái sinh. Ngoài mục đích hedging cho danh mục cổ phiếu cơ sở, các nhà đầu tư có thể tận dụng sự biến động của thị trường để lướt sóng trong phiên hoặc nắm giữ vị thế theo trend. Tuy vậy, với việc thị trường dao động mạnh cũng có thể khiến nhà đầu tư lỗ vị thế khi không theo kịp biến động trong phiên.
Ông Ngô Quốc Hưng
Ở thời điểm hiện tại, điểm vào tốt nhất có lẽ đã qua, sẽ rất rủi ro cho nhà đầu tư short đuổi vì thị trường có thể có nhịp hồi kỹ thuật sau phiên giảm sâu. Do vậy, nếu thị trường không rõ trend hoặc đang ở giai đoạn biến động mạnh, nhà đầu tư không nên giữ vị thế qua đêm, trading trong phiên vẫn là chiến lược phù hợp lúc này.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CTCK Vietinbank
Cơ hội xuất hiện tại thị trường phái sinh với lợi thế T0 cùng số lượng nhà đầu tư tham gia lớn, đặc biệt khi thị trường cơ sở gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được công bố chính thức.
Tuy vậy, rủi ro vẫn xuất hiện khi biên độ dao động trong phiên lớn, khiến các nhà đầu tư không tuân thủ kỷ luật đối diện với rủi ro mất vốn trong thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Tôi chưa bao giờ tham gia và cũng chưa sẵn sàng tham gia vào lúc này, bởi hiện nay phái sinh mang tính đầu cơ vô cùng lớn. Vì đầu cơ nên chỉ số biến động rất lớn, nên buộc sẽ phải mất nhiều thời gian theo dõi mà điều này trái ngược với quy tắc đầu tư của tôi là chỉ đầu tư vào những gì mình hiểu rõ nhất và có thể kiểm soát được.
Đồng tình là thị trường phái sinh luôn nóng mỗi khi thị trường cơ sở có biến động, nhưng cũng có thể nhìn ngược lại là vì thị trường phái sinh mà thị trường cơ sở biến động. Điều này là bởi tôi từng chứng kiến nhiều lần chỉ số VN-Index biến động mạnh vào ngày tất toán thị trường phái sinh với việc có lực bán hoặc mạnh ở những cổ phiếu có tác động lớn đến chỉ số.
Tại sao thì nhiều người cũng đã biết, đặc biệt chúng ta từng biết việc Quỹ VFM bị UBCK phạt tiền năm 2018 do vi phạm quy định về đầu tư chứng khoán phái sinh. Vì thế, tôi cho rằng, rủi ro với nhà đầu tư cá nhân là rất cao, đặc biệt với việc sử dụng đòn bẩy lớn.