Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đến thời của cổ phiếu chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đến thời của cổ phiếu chứng khoán

(ĐTCK) Sau nhiều thời gian chờ đợi, cuối cùng chính sách nới room đã được thông qua. Theo nhận định của một số chuyên gia khi trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, tâm điểm của thị trường trong sẽ là các cổ phiếu kín room. Riêng nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh hơn khi thanh khoản thị trường đang gia tăng mạnh mẽ và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tuần qua, thị trường đã giảm điểm mạnh trên cả 2 sàn trong phiên cuối tuần, bất chấp thông tin tích cực là nới room được công bố. Nhiều ý kiến cho rằng, rất có thể trong ngắn hạn thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co, phân hóa với thanh khoản thấp khi tâm lý nhà đầu tư đa phần đều đang trong trạng thái chờ đợi thông tin mới. Quan điểm của ông/bà?

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)

Về quan điểm kỹ thuật, tôi cho rằng, 2 chỉ số có thể đã có chiều hướng tiêu cực hơn khi rủi ro ngắn hạn đã gia tăng và các tín hiệu cảnh báo đảo chiều đã xác nhận. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá chưa mạnh cho nên lực cầu bắt đáy có thể sẽ gia tăng trong vài phiên tới và giúp 2 chỉ số xuất hiện các nhịp hồi phục trong phiên.

Ngoài ra, hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì mức TĂNG xu hướng ngắn hạn trên 2 chỉ số và đồ thị giá tiến gần về các mức cắt lỗ 577,93 của chỉ số VN-Index và 85,29 của chỉ số HNX-Index, cho nên các nhà đầu tư có thể thoát hết toàn bộ danh mục còn lại khi đồ thị giá của hai chỉ số vi phạm các mức cắt lỗ trên.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đến thời của cổ phiếu chứng khoán ảnh 1

 Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Mặc dù thị trường đã có những thông tin tích cực về room khối ngoại hay tăng biên độ giao dịch sàn UPCoM, hay Quốc hội Mỹ thông qua TPA, nhưng phản ứng thị trường vẫn không như kỳ vọng do sự lo ngại về thị trường Trung Quốc giảm mạnh, bế tắc trong đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ... Do vậy, xu hướng ngắn hạn sẽ có chiều hướng xấu hơn và thị trường cần thêm các nhịp giảm điểm trước khi bước vào giai đoạn tăng trung hạn mới.

Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua mới hoặc tham gia bắt đáy, mà ưu tiên chiến lược bán ra toàn bộ danh mục khi hai chỉ số vi phạm các mức cắt lỗ trên hoặc có thể bán các cổ phiếu đã vi phạm mức cắt lỗ và nắm giữ các cổ phiếu có xu hướng tăng bền vững như dòng chứng khoán hoac các cổ phiếu đã hết room khối ngoại.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Tôi cũng có cùng quan điểm với nhận định trên. VN-Index đã có 6 tuần tăng điểm liên tiếp sau khi xác lập đáy tại 529 điểm, trong đó hầu hết các cổ phiếu tăng giá, lợi thế cổ phiếu bị định giá thấp trong ngắn hạn không còn.

Dòng tiền có dấu hiệu chững lại kéo hoạt động luân chuyển các dòng cổ phiếu và thanh khoản giảm theo. Các cổ phiếu lớn thay nhau giữ nhịp thị trường, thị trường có sự phân hóa mạnh trước áp lực chốt lãi. Đây cũng là điều bình thường sau một quá trình tăng điểm và nhà đầu tư có xu hướng giao dịch cầm chừng, chờ đợi thông tin.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Thị trường tuần qua chủ yếu trong xu thế đi ngang, thậm chí là giảm nhẹ với phần lớn ở các cổ phiếu mid cap và penny. Nhìn lại trong 1 tháng qua, VN-Index đã đi một quãng khá xa khi tăng hơn 70 điểm.

Sau một đợt chạy tăng tốc thì có thể xem đây là giai đoạn tạm nghỉ dưỡng sức trước khi có những bước chạy xa hơn.

Thông thường hàng năm, giai đoạn tháng 6 và đầu tháng 7 thị trường giao dịch khá trầm lắng do rơi vào thời gian chờ đợi kết quả quý II công bố. Tuy nhiên năm nay, với những diễn biến vĩ mô có phần sáng hơn và đặc biệt là những Nghị định 60 có nội dung mở room đã được chờ đợi bấy lâu nay được thông qua và cả việc áp dụng giao dịch T+0 trong tương lai tới sẽ kích thích dòng tiền giao dịch nhiều hơn cả nhà đầu tư trong nước lẫn khối ngoại.

Với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khá chậm chạp thời gian qua đã khiến thị trường chứng khoán không có thêm nhiều hàng hóa chất lượng, thì việc nới room là một trong những giải pháp giúp tạo thanh khoản tốt hơn cho thị trường.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, CTCK Agriseco

Phiên giao dịch cuối tuần đã diễn ra khá bất ngờ khi thị trường tăng điểm trong hầu hết thời gian giao dịch với thông tin Nghị định 60 đã được ký thông qua. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, thị trường càng bị bán mạnh và đóng cửa VN-Index giảm hơn 6 điểm về gần 580 điểm.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đến thời của cổ phiếu chứng khoán ảnh 2

 Bà Nguyễn Ngọc Lan

Thanh khoản cũng đã tăng mạnh so với các phiên trước đó. Tôi cho rằng, thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh và vùng hỗ trợ tiềm năng ở mức quanh 570 điểm.

Tổng cục thống kê đã công bố CPI tháng 6/2015 với mức tăng 0,35% so với tháng 5. Sau nửa năm, CPI cả nước chỉ tăng 0,55% (và tăng 1% so với cùng kỳ). Thông tin về các chỉ số CPI dường như không có tác động đến TTCK?

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Tương tự như phần lớn các nước trong khu vực và thế giới, lạm phát Việt Nam duy trì ở mức thấp và không còn là nỗi lo của kinh tế vĩ mô. CPI do vậy không ảnh hưởng lớn đến thị trường, thay vào đó là những quan ngại về tình hình nhập siêu, thâm hụt ngân sách và áp lực tăng lãi suất.

Nhưng dù sao lạm phát thấp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ ổn định tỷ giá và giữ mức lãi suất ổn định trong năm nay. Yếu tố quan trọng giúp thị trường tiếp tục xu hướng tăng điểm trong trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Trong 3 năm gần đây, sau khi thực hiện đồng bộ các công cụ kiềm chế lạm phát, đến nay chỉ số CPI đã giảm dần qua các năm và năm nay ở mức rất thấp.

Trong rổ tính CPI thì giá lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất 37%, trong khi giá mặt hàng này khá ổn định qua các năm nhờ nguồn cung luôn dồi dào, trong khi nhu cầu chỉ tăng nhẹ.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, trong khi vẫn duy trì, thậm chí kéo lãi suất trung và dài hạn tiếp tục giảm. Muốn giảm lãi suất thì cần phải thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ và điều này sẽ khiến lạm phát tăng cao hơn.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đến thời của cổ phiếu chứng khoán ảnh 3

Ông Nguyễn Hồng Khanh 

Việc kiềm chế lạm phát luôn được đặt hàng đầu trong điều hành vĩ mô, vì vậy khi tín dụng tăng mạnh cùng với tổng cầu tăng mạnh sẽ tác động mạnh đến lạm phát.

Thông tin CPI thấp không gây hiệu ứng tâm lý tức thời, nhưng không có nghĩa là không tác động đến thị trường chứng khoán, mà nó là một phần các nhân tố quan trọng ổn định thị trường cả về mặt hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp lẫn tâm lý đầu tư.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, CTCK Agriseco

Với chính sách ổn định vĩ mô của Chính phủ trong 2 năm gần đây, lạm phát đã được kiềm chế. Tôi thấy rằng, chỉ số CPI chỉ ảnh hưởng nhiều lên thị trường chứng khoán ở những giai đoạn giá cả tăng mạnh, bất ổn vĩ mô. Còn những giai đoạn kinh tế vĩ mô ổn định như hiện tại thì chỉ số CPI không ảnh hưởng mấy tới thị trường chứng khoán.

Các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí sau khi được dòng tiền luân chuyển tác động tăng giá trong tuần qua. Liệu nhóm cổ phiếu này có tiếp tục duy trì được nhịp tăng trong tuần tới, theo các ông/bà?

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong tuần, các cổ phiếu nhóm ngành này có những nhịp tăng, giảm xen kẽ và giữ nhịp thị trường, tuy nhiên vào ngày cuối tuần, 2 chỉ số cùng giảm 1,1%, xuống 581,75 và 85,52 điểm sau khi đạt mức cao nhất trong ngày lần lượt là 592,59 điểm và 87,14 điểm.

Thị trường tăng điểm lúc đầu phiên dựa trên tin tức nới room, tuy nhiên, tác động tích cực của thông tin trên cũng không bù đắp được lực bán làm các mã ngân hàng giảm trong phiên chiều như VCB (-2,6%), BID (-5,3%), CTG (-3,5%), ACB (-2,5%) và cổ phiếu ngành dầu khí giảm, đã lấy đi nhịp tăng của thị trường, dù cổ phiếu ngành chứng khoán và các mã room khối ngoại đã đầy như VNM (+2,7%), FPT (+2,9%), HCM (+3,1%) và SSI (+2,5%) vẫn tăng.

Do vậy, trong tuần tới, theo quan diểm cá nhân tôi, thị trường sẽ có diễn biến phân hóa giữa những cổ phiếu cũng như  giữa các ngành.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Như đã đề cập, dòng tiền giảm sút và áp lực chốt lãi tăng khiến vòng quay luân chuyển giữa các dòng cổ phiếu chủ chốt đã chậm đáng kể trong 2 tuần vừa qua.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đến thời của cổ phiếu chứng khoán ảnh 4

 Ông Bùi Nguyên Khoa

Dòng tiền vận động vào một số cổ phiếu chủ chốt của các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, xây dựng khá rời rạc và chủ yếu là giữ nhịp thị trường và chờ tin hỗ trợ.

Trong tuần tới, diễn biến này vẫn sẽ xảy ra, mức độ phân hóa các cổ phiếu ở mức cao theo kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II và theo thông tin hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Nhóm ngành ngân hàng đã dẫn dắt thị trường từ đầu năm đến nay và các nhóm cổ phiếu đã tăng hơn 30%. Dù tiến trình xử lý nợ xấu và tái cấu trúc vẫn còn tiếp tục, nhưng về mặt cơ bản đang đi đúng hướng và kỳ vọng sau 1 năm nữa hệ thống ngân hàng sẽ vận hành lành mạnh và tăng trưởng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trong xu hướng trung hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng, vì vậy trong những đợt điều chỉnh là cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng nắm giữ.

Riêng nhóm ngành dầu khí, kết quả kinh doanh năm nay sẽ khó đạt như năm ngoái và chỉ một số doanh nghiệp đạt chỉ tiêu lợi nhuận khả quan, vì vậy khả năng tạo sóng sẽ không cao.

Riêng nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh hơn khi thanh khoản thị trường đang gia tăng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm và dự đoán còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi các chính sách hỗ trợ thị trường được triển khai.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, CTCK Agriseco

Tâm điểm của thị trường trong tuần tới, tôi cho rằng sẽ là các cổ phiếu kín room. Việc nghị định 60 đã được thông qua chắc chắc sẽ tác động tích cực tới các cổ phiếu này trong ngắn hạn. Tuy nhiên về dài hạn, nhà đầu tư sẽ còn phải phân tích kỹ càng hơn liệu ngành nào sẽ được nới room và các quy định cụ thể tác động như thế nào.

Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng, năm 2015 sẽ là năm của cổ phiếu ngành ngân hàng, tương tự như ảnh hưởng của cổ phiếu ngành dầu khí lên thị trường chứng khoán trong năm 2014.

Tin bài liên quan