Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội luôn còn rất nhiều

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia cho rằng, dù được đánh giá là giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro và không nên áp dụng thuyết "tham lam khi mọi người sợ hãi", nhưng chúng ta không phải lo lắng việc bỏ lỡ cơ hội lướt sóng trên TTCK, cơ hội luôn còn rất nhiều.

Dưới góc nhìn phân tích, ông/bà lý giải như thế nào về phiên giảm điểm sốc ngày 11/10 vừa qua?

Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Trước khi xảy ra phiên giao dịch giảm điểm rất mạnh ngày 11/10, thực ra về nội tại, tôi cũng đã đánh giá xu thế ngắn hạn của thị trường bắt đầu có sự suy yếu, đặc biệt từ thời điểm sau khi vượt mốc tâm lý 1.000 điểm. Điều này thể hiện qua việc hàng loạt cổ phiếu trụ cột đã xuất hiện tín hiệu đảo chiều trước đó (VNM, MSN, BVH…).

Việc xuất hiện tình trạng hoảng loạn, bán tháo trên diện rộng chỉ đơn giản là do sự cộng hưởng tâm lý từ diễn biến tiêu cực trên các thị trường chứng khoán thế giới.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó tưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Thị trường Việt Nam giảm mạnh ngày 11/10 là do ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong đêm trước đó, nhất là trong bối cảnh khá chán nản của nhà đầu tư khi thị trường không thể xuyên phá thành công ngưỡng kháng cự quan trọng MA200 ngày tại 1.030 điểm.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank 

 Ông Nguyễn Nhật Cường

Chúng tôi đánh giá rằng đây rất có thể là sự cộng hưởng của ba yếu tố chính, đó là:

Lo ngại diễn biến căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc có thể kéo dài dai dẳng và chuyển biến sang một hình thái đối đầu mới;

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng làm kích hoạt hiệu ứng bán tháo tài sản tại các thị trường mới nổi và tìm về trái phiếu chính phủ Mỹ trú ẩn;

VN-Index đã đạt mức đỉnh ngắn hạn tiệm cận ngưỡng điểm 1.025 của đường MA 200 nên áp lực bán chốt lời nhằm bảo toàn vốn và lợi nhuận sẽ rất lớn.

Do đó, kỳ vọng VN-Index tiếp tục tăng đã không thể duy trì do gặp phải lực kháng cự rất mạnh tại ngưỡng điểm 1.025 cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán Mỹ nên gây ra hiệu ứng bán tháo mạnh trong phiên giao dịch thứ năm vừa qua.

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC

Đến hiện tại, theo tôi, nguyên nhân chủ yếu khiến cho thị trường giảm điểm sốc ngày 11/10 đến từ sự sụt giảm mạnh ngoài dự đoán của thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch trước đó.

Điều này diễn ra trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang bước vào nhịp điều chỉnh sau giai đoạn hội phục từ đầu tháng 7, còn khối ngoại liên tục đẩy mạnh bán ròng trong những tuần gần đây.

Các yếu tố đó đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan và tạo nên phản ứng lo sợ có phần thái quá đối với các yếu tố tiêu cực. Đó cũng được xem là nguyên nhân cộng hưởng dẫn đến hiện tượng bán tháo hoảng loạn trên thị trường trong phiên giao dịch giữa tuần qua.

Dù đã có phiên hồi phục mạnh mẽ, tuy nhiên có vẻ như nhà đầu tư vẫn đang giữ thái độ thận trọng trước sự hồi phục của thị trường ở phiên cuối tuần. Ông/bà suy nghĩ như thế nào về nguy cơ bẫy tăng giá (bull trap) và nhà đầu tư cần lưu ý gì về hiện tượng này?

Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Sự thận trọng của nhà đầu tư là điều hoàn toàn dễ hiểu và cần thiết khi xu hướng ngắn hạn của thị trường chuyển biến tiêu cực nhanh chóng, đồng thời diễn biến này rất bất ngờ và khó lường.

Tôi cũng quan sát đà tăng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần mang đậm nét của một sự hồi phục thông thường sau khi bị bán tháo mạnh, khi không xuất hiện cổ phiếu trụ cột mang tính dẫn dắt.

Tại thời điểm hiện tại, khi thị trường có dấu hiệu chuyển biến tiêu cực trong ngắn hạn, việc bảo vệ tài sản cần phải được chú trọng trước tiên. Việc cố gắng tìm kiếm lợi nhuận không phải là ưu tiên, cơ hội cho việc này không cao và hoàn toàn không dễ dàng.

Tôi đánh giá các phiên bật tăng sẽ là cơ hội để giảm tỷ trọng cổ phiếu đưa về mức an toàn, kiểm soát, đặc biệt với nhà đầu tư ngắn hạn.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó tưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) 

Theo tôi, phiên hồi phục cuối tuần (+2,6%) là điều khá dễ hiểu khi mà thị trường đã có phản ứng có phần thái quá trong phiên 11/10 (-4,8%) trước đó. Nhưng nếu nhìn trên mức hồi phục thì vẫn còn khá yếu so với phiên giảm này.

Nếu nhìn về lịch sử những phiên giảm sâu thì việc thị trường hồi sau đó là khá thường gặp và nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi thêm diễn biến của những phiên sau đó để xác định xem đà phục hồi có bền vững hay không.

Ông Ngô Thế Hiển 

Ngoài ra quan điểm thận trọng ở thời điểm hiện tại cũng là dễ hiểu bởi thị trường ở giai đoạn này có thể chịu tác động bởi những thông tin bất lợi từ bên ngoài rất khó kiểm soát.

Theo đó, những nhà đầu tư nếu đã mua được cổ phiếu giá thấp trong 2 phiên cuối tuần cần tiếp tục quan sát phản ứng thị trường trong những phiên tới, nhất là trong vùng giá 975-995 điểm (MA5-20 tuần). Nhà đầu tư cầm tỷ trọng cao cũng nên hạ tỷ trọng trong vùng giá này.

Mặt khác, những nhà đầu tư đang cầm tiền mặt và chưa tham gia mua vào 2 phiên vừa qua vẫn nên đứng ngoài quan sát thêm và không nên mua đuổi trong tuần giao dịch tiếp theo.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể kết luận nhịp điều chỉnh này đã kết thúc chưa do xu hướng ngắn hạn vẫn đang khá xấu trong bối cảnh hàng bắt đáy trong hai phiên cuối tuần vừa qua sẽ về tài khoản trong đầu tuần tới nên áp lực xả hàng sẽ vẫn còn hiển hiện.

Tuy vậy, phiên hồi phục cuối tuần vừa qua cũng có tác dụng trấn an tâm lý nhà đầu tư khá tốt và nhờ đó mà thị trường đã không còn rơi vào tình trạng quá bán nữa.

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC

Thông thường khi thị trường sụt giảm mạnh, các phiên hồi phục sau đó thường được nhà đầu tư xem xét với thái độ thận trọng, bởi thị trường thường hay xuất hiện các bẫy tăng giá hay còn được gọi là các phiên hồi phục mang tính kỹ thuật, trước khi thị trường tiếp tục đi xuống.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội luôn còn rất nhiều ảnh 3

 Ông Trần Xuân Bách

Khi có nguy cơ xuất hiện bẫy tăng giá, nhà đầu tư cần xem xét thật kỹ lưỡng các tín hiệu về mặt xu hướng để đánh giá xem thị trường có khả năng xuất hiện bulltrap hay không, đồng thời nên hạn chế tối đa các hoạt động mua đuổi cổ phiếu ở các mức giá cao trong phiên hồi phục mạnh của thị trường sau đó.

Đối với diễn biến của thị trường tuần tới, tôi cho rằng, thị trường sẽ sớm trở lại trạng thái cân bằng và bước vào giai đoạn dao động tích lũy sau khi trải qua các phiên biên động mạnh trong tuần qua.

Câu nói “hãy tham lam khi mọi người sợ hãi” liệu có phù hợp với thị trường ở thời điểm hiện tại không, theo các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Thị trường đang ở giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là cơ hội, do vậy tôi cho rằng đây chưa phải thời điểm để áp dụng lý thuyết “tham lam khi mọi người sợ hãi”.

Điều phù hợp nhất hiện tại là nhà đầu tư cần giữ sự tỉnh táo, bình tĩnh quan sát tiếp diễn biến trong một vài phiên giao dịch tới, đánh giá khách quan rằng liệu thị trường có thể “đứng dậy mạnh mẽ” sau những diễn biến tiêu cực vừa qua hay không để quyết định tham gia trở lại. Bởi theo tôi, chúng ta không phải lo lắng việc bỏ lỡ cơ hội lướt sóng trên TTCK, cơ hội luôn còn rất nhiều.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó tưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Việc bắt đáy luôn là một hành động có rủi ro cao nhưng cũng có thể mang lại lợi nhuận lớn đối với những trường hợp bắt đúng đáy. Chúng tôi cho rằng việc bắt đáy chỉ nên được thực hiện với những nhà đầu tư có kinh nghiệm, khẩu vị chịu đựng rủi ro cao và cũng cần các đánh giá mang tính chất hệ thống chứ không nên chỉ dựa vào cảm tính.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank 

Thị trường biến động khá mạnh nhưng chuyển sang xu hướng giảm. Các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư trung và dài hạn theo tôi vẫn nên duy trì danh mục đầu tư của mình như hiện tại với tỷ lệ 50% cho các cổ phiếu cơ bản có nền tảng tốt và chỉ dành ra không quá 25% giá trị danh mục cho các hoạt động giao dịch ngắn hạn.

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC

Tôi cho rằng, khi thị trường bất ngờ sụt giảm mạnh mà nguyên nhân không phải xuất phát từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế thì đó có thể được xem là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn mua vào các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt và vẫn còn tiềm năng trưởng trong tương lai ở các mức giá hấp dẫn.

Nếu coi nhịp điều chỉnh là cơ hội để giải ngân thì nhóm cổ phiếu nào có nhiều cơ hội nhiều hơn theo ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội luôn còn rất nhiều ảnh 4

Ông Dương Hoàng Linh 

Các diễn biến vĩ mô, thế giới, dòng tiền, khối ngoại... chưa thật sự thuận lợi để là điểm tựa vững vàng cho một xu thế tích cực cả trong ngắn hạn và trung-dài hạn sắp tới. Nhưng nếu phải chọn cổ phiếu để giải ngân thời điểm này thì tôi đánh giá các cổ phiếu cơ bản tốt đã hé lộ những kết quả kinh doanh tích cực sẽ là ưu tiên.

Ngoài ra, nhóm ngành Ngân hàng cũng được dự báo sẽ có 1 năm tăng trưởng khá mạnh và vẫn luôn thu hút sự chú ý của dòng tiền trong thời gian gần đây.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó tưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ là nhóm cổ phiếu nhiều cơ hội nhất nếu diễn biến giảm mạnh chỉ là một nhịp điều chỉnh thông thường. Bên cạnh đó, các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III và cả năm tích cực sau khi điều chỉnh về vùng giá hợp lý cũng là đối tượng mà nhà đầu tư nên quan tâm.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank 

Ngành thủy sản (VHC) và ngành khí đốt (GAS) vẫn được ưu tiên. Thủy sản có cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ngành khí đốt (GAS) hưởng lợi khí giá khí tiếp tục tang ngược chiều giảm của giá dầu.

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC

Khi thị trường giảm mạnh và xuất hiện hiện tượng washout, tôi thường tập trung sự quan tâm tới các cổ phiếu như HPG, VCB, ACB, DXG…

 Đây là các cổ phiếu tiêu biểu đại diện cho các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, còn dư địa và yếu tố tăng trưởng trong trung dài hạn nhưng giá bị giảm mạnh do chịu ảnh hưởng của thị trường chung.

Bên cạnh đó, các nhóm cổ phiếu bị giảm sâu trong nhịp lao dốc của thị trường cũng sẽ có cơ hội hồi phục mạnh hơn so với các nhóm cổ phiếu khác khi thị trường hồi phục.

Tin bài liên quan